Ba nông dân tỷ phú đất Tân Yên
Lượt xem: 224  | Ngày đăng: 03/01/2022

1. Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về gia đình anh Thân Văn Cảnh, thôn Phú Thọ, xã Ngọc Châu (Tân Yên - Bắc Giang). Vừa đến đầu làng hỏi thăm, một người làng chỉ ngay: "Kia là biệt thự của anh Cảnh".
Khác với hình dung ban đầu, anh Cảnh ăn vận chẳng khác một bần nông, bộ quần áo sờn hết vai gấu, lấm lem bùn đất, duy chỉ có vóc dáng cực kỳ nhanh nhẹn toát lên vẻ hoạt bát năng động khác thường.
Rót chén nước mời chúng tôi, anh xin lỗi vì đang bận cân lạc giống cho khách từ Nghệ An ra lấy hàng. Tôi theo chân vợ anh đi tham quan khu trang trại hơn 2 ha quy hoạch đầm thả cá, chăn nuôi lợn và sản xuất lúa giống, cây màu các loại. Tại đầm cá rộng hơn 1 ha tanh tách tiếng cá điêu hồng quẫy mạnh, chị giới thiệu: "Đây là giống cá mới, đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên ngoài gia đình mình, cả huyện chỉ có 1 hộ nữa thả nuôi".
Câu chuyện cởi mở với vợ chồng chủ trang trại Thân Văn Cảnh cho chúng tôi hình dung vùng quê nghèo khó Ngọc Châu ngày trước. Anh Cảnh là con trai thứ trong một gia đình nông dân nghèo 7 anh chị em, ra riêng lập nghiệp chỉ với 50 kg thóc, 1 mái nhà tranh và 5 sào ruộng khoán. Vợ chồng làm cật lực mà vẫn thiếu ăn 5-7 tháng mỗi năm vì thế anh phải lần hồi đánh dậm, thả hom kiếm tôm, tép đắp đổi qua ngày. Trong cơ hàn, ý chí nung nấu anh phải quyết tâm làm giàu.
Anh khăn gói về Hà Tây, Thái Bình, Hải Dương... tham quan các mô hình kinh tế trang trại rồi mạnh dạn vay ngân hàng 10 triệu đồng mua ếch, ba ba giống về nuôi. Không ngờ do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên chúng chết dần. Thất bại này khiến anh suýt phải bán nhà, tài sản. Không nản chí, anh lại tìm đến Trường Đại học Nông nghiệp I, các công ty giống cây trồng để tìm tòi giống mới đưa vào thâm canh như cà chua VL200 của Mỹ, thuốc lá Hoa Bia, lúa lai Trung Quốc...
Do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, các cây trồng cho năng suất, chất lượng cao đã cho anh thu nhập gấp 5-7 lần các sản phẩm đại trà hiện có. Từ thành công ban đầu, anh mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Được huyện ủng hộ cử cán bộ khuyến nông trực tiếp giúp đỡ, năm 1995, anh thành lập HTX Đức Cảnh chuyên sản xuất, cung ứng giống lúa, màu và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, trở thành bạn hàng của nhiều cơ sở cung ứng giống khắp các tỉnh thành như Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương, Hưng Yên... HTX dần trở thành địa chỉ tin cậy sản xuất giống siêu nguyên chủng cung cấp hàng nghìn tấn mỗi năm cho Viện Bảo vệ thực vật, Viện NC Ngô, Viện KHKT Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh... Ngoài ra anh còn chăn nuôi lợn, thả cá quy mô lớn.
Năm 2005, anh tiếp tục đưa giống cá điêu hồng vào nuôi thả cho giá trị kinh tế gấp 1,5-1,7 lần các loại trắm, trôi, mè... Mỗi năm, từ các nguồn, anh thu ngót nghét 400 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ được mệnh danh tỷ phú, người trong xóm, ngoài làng nể trọng bởi anh luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, cấp giống, vốn làm ăn cho họ. Những hoàn cảnh khó khăn còn được anh giúp không hoàn lại, anh luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào làm đường, kéo điện, xây trường cho trẻ em...
2. Người mà chúng tôi muốn nói tiếp theo là một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Vác ba lô về quê, lấy vợ, ở riêng, hành trang của anh Nguyễn Văn Khiêm, ở Lam Cốt (Tân Yên) chỉ là đôi bàn tay và nghị lực người lính. Khó có thể kể hết thuở hàn vi vợ chồng anh nhọc nhằn cấy lúa, trồng ngô, khoai, làm thuê làm mướn mà miếng cơm, manh áo vẫn canh cánh hàng ngày.
Mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc tại nhà tỷ phú Nguyễn Văn Khiêm
Vốn khéo tay, nhanh ý nên thời gian sau anh theo đuổi nghề sửa chữa, buôn bán xe máy rồi xoay sang làm máy xúc, máy ủi đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. "Xuất thân là nông dân, trong tay là đất đai mà không làm giàu được thì thật kém" - trăn trở như vậy, anh quyết nung nấu ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất nghèo quê mình. Từ những điều mắt thấy tai nghe sau dịp đến thăm các trang trại, anh quyết định đưa giống lợn siêu nạc nguồn gốc Thái Lan vào nuôi theo mô hình học từ Trại giống gia súc Thuỵ Phương - Hà Nội. Xây dựng xong đề án, được địa phương tạo điều kiện cho vay thêm vốn, anh dồn điền, đổi thửa, nhận thêm quyền sử dụng đất của bà con nông dân 1 ha đất bạc màu rồi xây tường bao, hệ thống chuồng, hầm khí biogas, mua lợn giống...
Tổng vốn đầu tư ban đầu đã xấp xỉ 3 tỷ đồng. Anh kể: "Ngày đó mình mất ăn mất ngủ hàng tháng trời. Đầu tư lớn như vậy không may thất bại thì chỉ còn nước... ngồi tù". Rồi tất cả lo lắng cũng qua, ngay lứa lợn đầu tiên, anh thu lãi gần trăm triệu. Những lứa sau đó, anh tiếp tục tăng số lượng đàn giống từ 500 con lên 1.500, 2.000 con và lợi nhuận cũng tăng dần theo đó.
Hôm chúng tôi đến thăm trang trại của anh, cảm nhận đầu tiên là sự khoa học trong tổ chức chuồng trại. Một phương pháp chăn nuôi hiện đại theo công nghệ Thái Lan hiện diện ở vùng quê còn xa lạ với những tiến bộ kỹ thuật. Ở đây 3 dãy chuồng được xây trong tổng thể khép kín rộng 900 m2 có hệ thống hầm khí biogas, bể nước và hàng chục quạt thông gió bảo đảm làm thoáng mát không khí, vệ sinh môi trường. Được biết để đáp ứng kỹ thuật cao trong chăn nuôi, anh đã thuê 2 kỹ sư nông nghiệp, 8 lao động thường xuyên theo dõi sức khoẻ, phòng bệnh, điều chỉnh các chỉ số nhiệt độ, môi trường, chăm sóc, vệ sinh trang trại. Theo như cán bộ Sở NN-PTNT giới thiệu thì đây là một trong số không nhiều mô hình nuôi lợn siêu nạc quy mô rộng và hiện đại nhất tỉnh. Được biết, mỗi năm anh xuất chuồng 2 lứa cho doanh thu 7- 9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, trả lương 10 lao động thường xuyên mức 1,5- 4 triệu đồng/người/tháng, anh thu lãi 400-500 triệu đồng mỗi năm.
3. Kể chuyện về những tỷ phú ở Tân Yên còn phải nhắc đến anh Nguyễn Văn Cảnh, 45 tuổi, thôn Húng, xã Liên Sơn, chuyên sản xuất cung cấp con giống sạch bệnh cho bà con trong, ngoài huyện. Ban đầu anh mạnh dạn đấu thầu khu đồi trọc cằn trơ sỏi đá của xã. Vợ chồng xẻ đồi, bạt núi, cuốc hố trồng vải xen các loại sắn, khoai, lạc, đỗ… lấy ngắn nuôi dài nhưng mãi kinh tế chưa bứt lên. “Phải tìm bằng được hướng đi mới, giá trị kinh tế cao”. Nghĩ vậy anh tìm tòi đọc báo, nghe đài, tham quan các mô hình kinh tế rồi ra tận Viện Chăn nuôi mua giống ngan Pháp về nuôi và xây dựng lò ấp giống.
Do nguồn giống gốc bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên con giống của anh dần khẳng định trên thị trường. Từ thành công này, năm 2005, anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi, đưa gà giống vào sản xuất. Tính ra lượng con giống cung cấp ra thị trường của gia đình anh mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn con. Cùng với các nguồn bán vải, nhãn… cho anh thu lãi trung bình 15- 20 triệu đồng mỗi tháng. Hỏi về bí quyết thành công, anh cười khiêm tốn: “Thu nhập gia đình mình bõ bèn gì.
Tuy nhiên, làm kinh tế thì không nên đi theo lối mòn mà phải tìm cái mới. Thứ nữa phải là luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là chìa khoá của thành công”. Không giấu nghề, anh Cảnh đem hết kinh nghiệm truyền đạt cho bà con quanh vùng và thường xuyên hỗ trợ giống, vốn cho hàng trăm lượt hộ cùng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Theo Nongnghiep.vn

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên