KỸ THUẬT ƯƠNG NUÔI CÁ BỘT THÀNH CÁ HƯƠNG
Lượt xem: 1686  | Ngày đăng: 02/01/2022

Cá bột là cá vừa mới thoát khỏi vỏ trứng, ở giai đoạn này cơ thể có cấu tạo đơn giản, một số cơ quan chưa hoàn chỉnh như vây, vẩy, cơ quan tiêu hoá, bóng hơi... Cá dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Thời kỳ này cá vận động yếu, khả năng chịu đựng với môi trường kém và khả năng lẩn tránh kẻ thù lại càng kém. Vì vậy, trong khi ương nuôi cá bột thành cá hương chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong mọi khâu kỹ thuật.
A. CHỌN AO ƯƠNG
Ao là môi trường sống, sinh trưởng, phát triển của cá, điều kiện môi trường ao nuôi tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến đời sống của cá. Ở giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương thì môi trường còn có ý nghĩa hơn nhiều. Ao ương cá bột lên cá hương cần phải đảm bảo tốt một số yêu cầu sau:
1. Nguồn nước
Nguồn nước lấy vào ao phải chủ động, sạch, không có cá tạp, lấy nước và tiêu nước thuận tiện. Ở giai đoạn này yêu cầu không gian hoạt động của cá ngày càng tăng, cho nên phải thường xuyên thay nước mới, việc cấp nước mới cho ao cần mấy mục đích sau:
+ Điều chỉnh màu nước trong ao
+ Cấp nước mới vào ao làm tăng hàm lượng ôxy tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.
+ Cấp nước mới làm tăng thể tích  nước trong ao, làm tăng không gian hoạt động của cá, cá sinh trưởng nhanh.
2. Chất đáy thích hợp
Chất đáy ảnh hưởng lớn đến chất nước của ao, nó điều chỉnh độ béo của nước như chất đáy là bùn cát, pH = 6,5 – 7,5 dễ gây màu nước, vi sinh vật, thực vật phù du phát triển mạnh.
Nếu chất đáy là cát sỏi hoặc chua mặn thì khó gây màu nước, vi sinh vật, thực vật phù du phát triển kém.
Độ dày bùn đáy thích hợp từ 15 – 20 cm, độ dày bùn đáy dày quá hoặc mỏng quá đều ảnh hưởng không tốt đến quá trình ương nuôi.
3. Diện tích và độ sâu ao
Diện tích ao ương cá bột lên cá hương quá lớn hoặc quá nhỏ cũng ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ sống ở giai đoạn này. Diện tích quá lớn dẫn đến sóng lớn, cá bột còn yếu chưa chịu đựng được, mặt khácviệc bắt mồi cũng khó khăn, tỷ lệ hao hụt lớn.
Ao lớn khó gây màu nước, việc quản lý, chăm sóc ao ương cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên cũng có thuận lợi là ôxy nhiều, không gian hoạt động rộng, cá lớn nhanh.
Ngược lại, ao có diện tích nhỏ điều kiện môi trường dễ thay đổi, nhất là vào mùa hè. Nên việc chọn ao ương từ cá bột lên cá hương có diện tích từ 400 – 1000 m2 là thích hợp.
Độ sâu mực nước trong ao dao động từ 1,0 – 1,2 m, nước sâu quá hoặc nông quá đều ảnh hưởng đến cá ở giai đoạn này.
4. Bờ ao phải chắc chắn không dò rỉ
Nếu ao ương dò rỉ tạo thành dòng chảy làm cho cá tập trung lại nhiều dẫn đễn cường độ bắt mồi của cá giảm. mặt khác các loài cá dữ thường ngược dòng chảy vào ao làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.
Ao bị dò rỉ làm mất đi một lượng lớn muối dinh dưỡng và thức ăn của cá trong ao. Vì vậy bờ ao cần chắc chắn không dò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 50 cm.
5. Ánh sáng đầy đủ
Ở giai đoạn này thức ăn của cá chủ yếu là thực vật phù du, động vật phù du cỡ nhỏ. Và sự phát triển của thực vật phù du lại không thể thiếu ánh sáng mặt trời nên ao ương phải có độ thoáng lớn, ánh sáng nhiều thì cá mới sinh trưởng và phát triển tốt.
6. Gần nguồn phân bón.
Giai đoạn này thức ăn chủ yếu là động vật phù du cỡ nhỏ. Phân bón là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho ao tạo điều kiện cho thực vật phù du phát triển sau đó là động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cá.
Vì thế nếu quá xa nguồn phân bón dẫn đến việc bổ xung chất dinh dưỡng cho ao không kịp thời, vận chuyển khó khăn, tốn nhiều công sức. Đồng thời việc quản lý ao ương cũng rất phức tạp.
B. CHUẨN BỊ AO ƯƠNG
1. Tẩy dọn ao
Việc tẩy dọn ao tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống của cá ở giai đoạn này. Ở những ao lâu ngày không được cải tạo thì các sản phẩm bài tiết cùng với lượng mùn bã hữu cơ bị lắng đọng ở đáy ao gây cho nước bị thối, ký sinh trùng gây bệnh cho cá phát triển ảnh hưởng đến đời sống của cá trong quá trình ương.
Tẩy dọn ao còn làm cho ao giàu dinh dưỡng, diệt trừ cá dữ, cá tạp và thực vật có hại, diệt ký sinh trùng gây bệnh.
Công tác tu bổ tẩy dọn ao như sau:
+ Tháo hết nước trong ao, sửa lại bờ ao, vét bớt bùn đáy, trang đáy bằng phẳng.
+ Tẩy ao bằng vôi bột hoặc vôi sống với lưọng từ 7 – 10 kg/a (vôi bột) hoặc 10 – 15 kg/a (vôi tôi). Lượng vôi bón cũng tuỳ vào điều kiện môi trường ao ương, tuỳ vào độ pH của ao để xác định lượng vôi bón cho thích hợp.
2. Bón phân
Sau khi tẩy vôi xong tiến hành tháo nước vào ao, nước đưa vào ao phải được lọc kỹ qua lưới động vật phù du hoặc qua vài lần vải màn, mực nước ban đầu lấy vào ao là 30 – 40 cm, rồi tiến hành bón phân chuồng, phân xanh.
+ Phân chuồng từ 30 – 50 kg/a (rải đều khắp ao)
+ Phân xanh từ 30 – 50 kg/a (bó từng bó đưa xuống 1 góc)
Sau đó ngâm ao. Sau khi lá dầm phân huỷ hết vớt bỏ những phần cứng không phân huỷ hết lên bờ rồi cho nước tiếp vào ao đảm bảo mực nước trong ao từ 0,8 – 1,0 m, khi đó mới tiến hành thả cá.
3. Thả cá bột
Thả cá bột vào buổi sáng hoặc chiều tối. Nếu nhiệt độ nước lớn hơn 30oC thì không thả cá ra ao. Mật độ cá thả tuỳ theo từng loài thường dao động từ 200 – 300 com/m2. Mật độ cá thả còn tuỳ thuộc vào từng vùng. Vùng đồng bằng mật độ thả từ 250 – 300 con/m2, vùng núi và trung du thả với mật độ 200 – 250 con/m2.
C. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ
1. Bón phân và cho ăn thức ăn tinh
Với ao ương cá bột lên cá hương phải thường xuyên có sinh vật phù du phong phú để làm thức ăn cho cá, màu nước trong ao phải có màu lá chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh, lúc này thực vật phù du đạt 3- 4 triệu tế bào/lít, lượng ôxy hoà tan từ 3 mg O2/lít trở lên.
Chế độ bón phân:
+ Đối với ao đã bón lót sau khi thả cá 4 – 5 ngày phải tiến hành bón phân.
Phân chuồng 1 tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 6 – 7 kg/a.
Phân xanh 1 tuần bón 1 lần, mỗi lần từ 10 – 13 kg/a.
Ngoài phân hữu cơ còn phải bón bổ xung phân đạm, phân lân với lượng từ 100 – 200 g/a, theo tỷ lệ 2 : 1 hoặc 1 : 1.
+ Đối với ao không bón lót, sau khi thả cá xong phải tiến hành bón phân gây màu nước ngay. Lượng phân bón bằng lượng phân bón lót ban đầu. Phân chuồng đổ thành vài điểm quanh ao, phân xanh bó thành từng bó đưa xuống bốn góc ao, phân vô cơ phải hoà tan té đều khắp mặt ao.
Thức ăn tinh
Loại thức ăn tinh dùng ở giai đoạn này gồm: lòng đỏ trứng, cháo nghiền, bột gạo xay, bột mì... khi cho ăn thức ăn phải được hoà loãng, té đều xung quanh ao. Lượng thức ăn khoảng 200 – 400 g/a/ngày. Cuối giai đoạn cá hương chúng bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn của cá trưởng thành như cá Trắm cỏ bắt đầu ăn bèo tấm, cá Chép bắt đầu chuyển sang ăn động vật đáy.
2. Quản lý ao
Hàng ngày phải thăm ao vào sáng sớm và chiều tối để quan sát hoạt động của cá, màu nước, bệnh cá, địch hại để có biện pháp sử lý kịp thời.
+ Nước trong ao phải thường xuyên có màu là chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh.
+ Vào khoảng 2 – 3 giờ sáng là thời điểm cá hay nổi đầu, vỗ tay thấy cá không lặn chứng tỏ ao thiếu ôxy.
+ Cá bơi lờ đờ, bơi lẻ từng con như vậy có hiện tượng cá mắc bệnh.
+ Diệt địch hại có trong ao như Bọ gạo, Nòng nọc, Bắp cầy và các sinh vật hại cá.
-         Phương pháp diệt Bọ gạo
Dùng 4 cây nứa buộc vào nhau để tạo thành khung rộng khoảng 4 – 6 m2. Trong khung đổ dầu hoả để khi bọ gạo nhao lên mặt nước lấy khí trời sẽ đớp phải dầu hoả, sau một thời gian ngắn sẽ chết. Cứ như vậy, sau khoảng 5 – 10 phút ta dịch chuyển khung một lần cho đến hết bề mặt ao.
-         Phương pháp diệt Nòng nọc
Hàng ngày vào sáng sớm phải kiểm tra xung quanh bờ ao nếu phát hiện thấy trứng Ếch, Nhái, Cóc xuất hiện dùng vợt cá bột vớt hết trứng lên bờ.
Nếu phát hiện thấy có Nòng nọc trong ao ta dùng lưới cá hương để bắt Nòng nọc, cũng có thể tạo dòng chảy nhẹ để Nòng nọc tập trung lại rồi dùng lưới cá hương kéo thu hoặc dùng vợt vớt bỏ.
-         Cho nước mới vào ao
Trong điều kiện diện tích, độ sâu có hạn, cá trong ao lớn dần lên, nên yêu cầu hoạt động không gian cũng lớn lên, nên phải trường xuyên thêm nước mới vào ao. Như vậy sẽ cải thiện môi trường nước trong ao, làm sinh vật phù du phát triển mạnh, kích thích hoạt động của cá, cá tăng trưởng nhanh. Cứ 3 – 5 ngày thêm nước vào ao một lần, mỗi lần 20 – 30 cm. Nếu ương với mật độ dày, trong quá trình ương có thể thay nước 1 – 2 lần, mỗi lần bằng 1/3 lượng nước trong ao.
-         Phòng trị bệnh cho cá
Thường xuyên quan sát cá trong ao, nếu thấy cá bơi theo đàn, hoạt động nhanh nhẹn là cá khoẻ. Nếu thấy nhiều con bơi lờ đờ, nổi trên mặt nước, bơi tản mạn, chứng tỏ cá có hiện tượng mắc bệnh. Như vậy, ta bắt cá lên kiểm tra và có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Đồng thời thay nước, ngừng bón phân và cho ăn.
-         Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá
-         Luyện cá
Sau khi ương được 3 tuần cứ 3 – 4 ngày dùng cào đẩy sát đáy ao hoặc dùng trâu đùa luyện. Trước khi xuất bán 3 – 4 ngày dùng lưới kéo cá vào một góc ao sau 10 – 15 phút thả ra để cá quen dần với môi trường nước đục, hàm lượng ôxy thấp, tăng thể chất của cá, làm cho cá rắn chắc trước khi xuất bán.
-         San cá
Khi cá đạt 2,5 – 3 cm phải san thưa, san thưa để cá phát triển tốt và giảm tỷ lệ chết trong quá trình ương.
Trước khi san cá 3 – 4 ngày phải đùa luyện như phần trên. Khi san cá phải làm khẩn trương, nhẹ nhàng.
Sau khi san thưa và xuất bán ta lại tát cạn ao, thu toàn bộ cá và lại tẩy trùng bón lót... để tiếp tục cho chu kỳ ương lần tới.

Kim Oanh

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên