KỸ THUẬT NUÔI CÁ THỊT (NUÔI CÁ AO HỒ NHỎ)
Lượt xem: 1089  | Ngày đăng: 03/01/2022

1. Các điều kiện cần thiết cho một ao nuôi cá:
Một ao nuôi cá tốt cần có các điều kiện sau đây:
+ Ao nuôi cá phải ở gần nguồn nước sạch để dễ dàng cấp và thoát nước.
+ Khu vực đất để đào đắp thành ao phải là đất thịt hoặc đất thịt pha cát, đất thịt pha sét để giữ nước, nhiều chất dinh dưỡng và là nơi có điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển tốt.
+ Ao quang đãng, không bị cớm rợp, tiện đi lại chăm sóc.
+ Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, bờ có độ cao lớn hơn mực nước cao nhất của ao từ 0,5 m trở lên.
+ Ao nuôi cá có hình chữ nhật, ở vùng nông thôn có diện tích từ 500 - 2.000 m2 (diện tích có thể lớn đến 0,5 - 1,0 ha ở những vùng chuyên canh, tập trung hoặc nuôi công nghiệp). Mực nước sâu từ 1,2 - 2,0 m.
+Ao có cống cấp và thoát nước được đặt đối diện nhau theo chiều dài của ao, độ nghiêng đáy ao dốc về phía cống thoát nước từ 3 - 5‰. Với những ao ở khu vực có nước dồn về mùa lũ phải có hệ thống đăng, kè chắc chắn để chắn giữ cá.
+ Đáy ao có lớp bùn đáy dày 15 - 20 cm.
2. Tẩy dọn ao trước khi thả cá
+ Ao mới đào: Cần tạo lớp bùn đáy dày 10 - 15cm; ao được cải tạo chua bằng cách tháo nước vào, ra vài lần để thau rửa. Bón vôi bột khắp đáy ao với lượng 15 kg/100m2 để diệt trùng và cải tạo chua. Cày bừa đáy ao, bón các loại cây phân xanh, rơm, rạ mục, phân chuồng độn rác để tạo lớp bùn đáy ao (30 kg phân chuồng hoặc phân bắc + 20 kg lá xanh băm nhỏ)/sào ao.
+ Với những ao đã nuôi cá: Phải tháo nước cạn để bắt hết cá cũ. Phát quang bờ bụi xung quanh ao, lấp kín các hang hốc, sửa lại các cống cấp, tiêu nước, tu bổ lại bờ bao quanh ao cho chắc chắn, không rò rỉ. Vét bớt bùn đáy ao, chỉ để lớp bùn dày 20cm. Dùng vôi bột để tẩy ao với lượng 10kg/100m2 (với những ao năm trước có bệnh cá, lượng vôi cần tẩy là 15kg/100m2 ao. Bón lót phân chuồng cho ao với lượng 30 - 40 kg/100m2. Bừa đáy ao, trang phẳng, phơi nắng 5 - 7 ngày cho đến khi bùn đáy rạn chân chim.
3. Lấy nước vào ao nuôi:
Nước lấy vào ao nuôi cá cần phải trong sạch, không có chất độc và không có mầm bệnh. Nước được lọc qua tấm đăng để chắn rác và ngăn không cho trứng, ấu trùng các loại cá dữ, cá tạp thâm nhập vào ao. Mức nước ban đầu chỉ cần tháo 0,8 - 1,0 m là đã có thể thả cá được. Lấy nước trước khi thả cá 5 - 7 ngày.
4. Thả cá giống vào ao:
Để nuôi cá đạt hiệu quả cao cần có cá giống chất lượng tốt. Cá giống phải đều con, bơi lội hoạt bát, không dị hình, không mất vây, mất vảy, không mất nhớt, không bị xây sát và không có mầm bệnh.
-   Quy cỡ cá giống đạt tiêu chuẩn chiều dài thân: Từ 8 - 12 cm (cá giống cấp III).
-   Mật độ cá nuôi: Có nhiều mật độ nuôi khác nhau, tuỳ theo điều kiện chăm sóc, khả năng thay nước, đối tượng nuôi .Song thông thường mật độ nuôi đối với điều kiện người nông dân là 1,5 - 2,0 con/m2 ao nuôi.
-   Chủng loại các loài cá nuôi: Thường ghép nhiều loài cá có tính ăn khác nhau và sống ở các tầng nước khác nhau để tận dụng thức ăn và tận dụng tầng nước.
-   Tỷ lệ ghép các loài cá nuôi trong 1 ao nuôi: Căn cứ vào đặc điểm của từng ao nuôi, khả năng cung cấp thức ăn, phân bón, khả năng cung cấp giống cho ao, thị trường tiêu thụ, mục đích của người nuôi mà có các công thức nuôi ghép giữa các loài cá khác nhau.
 Hiện nay có 1 số công thức thả ghép các loài cá nuôi trong 1 ao như sau:
+ Cá mè là đối tượng nuôi chính:
- Mè trắng:                                  50 %
- Mè hoa:                                      5%
- Rô phi, trôi ấn hoặc mrigall:    20%
- Trắm cỏ:                                     5%
- Chép lai:                                   10%
- Trê lai:                                      10%.
+ Trắm cỏ là đối tượng nuôi chính (áp dụng cho các ao, hồ rộng thoáng, nước sạch có nguồn thức ăn xanh phong phú):
- Trắm cỏ :                                     30%
- Rô phi đơn tính:                           20%
- Trôi ấn + mrigall:                        10 %
- Mè 2 loại:                                    20%
- Chép lai:                                      10%
- Trê lai:                                         10 %
+ Cá rô phi là đối tượng nuôi chính:
- Rô phi :                                        70 %
- Mè:                                                 5 %
- Chép lai:                                       10 %
- Trắm cỏ:                                         5%
- Cá chim:                                       10%
5. Phòng bệnh cho cá:
Trước khi thả cá giống xuống ao nuôi, cần tắm cá trong dung dịch muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 - 3 % (2 - 3 kg muối ăn/100 lít nước) tắm trong thời gian 10 - 15 phút. Hoặc dùng thuốc tím hoà nước để tắm với liều lượng 1/5 vạn - 1/10 vạn (1 gam thuốc tím hoà trong 50 - 100 lít nước). Tắm trong 10 - 20 phút.
6. Chăm sóc ao nuôi:
a) Bón phân cho ao nuôi:
Duy trì màu nước ao nuôi có màu xanh nõn chuối bằng cách thường xuyên bón phân chuồng, phân xanh. Lượng phân cần đảm bảo với lượng từ 50 - 80 kg/100m2/tháng. Hoặc dùng phân vô cơ NPK hay phân vi sinh với lượng 1 kg/100 m2/tuần.
Chu kỳ bón phân xanh: 5 - 7 ngày 1 lần, phân chuồng 4 - 6 ngày /1 lần, phân vô cơ 2 - 3 ngày /lần.
Với thức ăn xanh như rau, cỏ, rong, bèo cho cá trắm cỏ: Cần cho đầy đủ về lượng = 30 - 40% trọng lượng thân của cả đàn cá. Đảm bảo về chất lượng.
b) Thức ăn bổ xung:
Cần cho cá ăn thêm các loại thức ăn tinh để bổ xung các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, nhằm tăng cường khả năng kháng bệnh cho cá.
Thức ăn tinh bao gồm các loại tinh bột ngũ cốc, các sản phẩm phụ của chế biến nông sản như bỗng rượu, bỗng bia, bã đậu.Thức ăn tinh cần được nấu chín giúp cho cá tiêu hoá dễ dàng và hấp thụ triệt để các chất dinh dưỡng. Lượng thức ăn tinh bằng 2 - 3 % trọng lượng cả đàn cá nuôi trong ao/ ngày. Thời gian cho cá ăn thường chia làm 2 lần trong ngày buổi sáng và chiều mát (tránh cho cá ăn lúc cá đang nổi đầu hoặc lúc trời nắng, nhiệt độ nước đang cao).
c) Công tác quản lý và thu hoạch:
+ Theo dõi hoạt động của cá thường xuyên hàng ngày vào các buổi sáng, sau khi mưa rào, để phát hiện các hiện tượng biến động khác thường và có biện pháp xử lý kịp thời như hiện tượng cá mắc bệnh, cá thiếu oxy nghiêm trọng, cá bị nhiễm chất độc, bị đánh trộm, tràn ao...
+ Thêm nước mới hàng tháng cho ao bằng cách tháo nước cũ 20 cm và thêm nước mới đến mức cần thiết. Nếu ao nuôi nhiều cá trắm cỏ cần cho cá ăn thuốc phòng bệnh vào 2 thời điểm tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 trong năm.
+ Định kỳ 2 - 3 tuần 1 lần dùng vôi bột hoà nước té đều cho ao với lượng 2 - 3 kg/ 100m3 nước.
+ Có biện pháp thu hoạch hợp lý để tăng năng suất nuôi. Có thể thu hoạch 2 - 3 lần trong 1 năm (đánh tỉa) sau đó thả bù cho đủ số lượng, chủng loại để đảm bảo mật độ nuôi.

Kim Oanh

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên