KỸ THUẬT ƯƠNG NUÔI
Lượt xem: 226  | Ngày đăng: 03/01/2022

Cá bột là cá vừa mới thoát khỏi vỏ trứng, ở giai đoạn này cơ thể có cấu tạo đơn giản, một số cơ quan chưa hoàn chỉnh như vây, vẩy, cơ quan tiêu hoá, bóng hơi... Cá dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Thời kỳ này cá vận động yếu, khả năng chịu đựng với môi trường kém và khả năng lẩn tránh kẻ thù lại càng kém.
Vì vậy, trong khi ương nuôi cá bột thành cá hương chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong mọi khâu kỹ thuật.
A. CHỌN AO ƯƠNG
Ao là môi trường sống, sinh trưởng, phát triển của cá, điều kiện môi trường ao nuôi tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến đời sống của cá. Ở giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương thì môi trường còn có ý nghĩa hơn nhiều. Ao ương cá bột lên cá hương cần phải đảm bảo tốt một số yêu cầu sau:
1. Nguồn nước
Nguồn nước lấy vào ao phải chủ động, sạch, không có cá tạp, lấy nước và tiêu nước thuận tiện. Ở giai đoạn này yêu cầu không gian hoạt động của cá ngày càng tăng, cho nên phải thường xuyên thay nước mới, việc cấp nước mới cho ao cần mấy mục đích sau:
+ Điều chỉnh màu nước trong ao
+ Cấp nước mới vào ao làm tăng hàm lượng ôxy tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.
+ Cấp nước mới làm tăng thể tích  nước trong ao, làm tăng không gian hoạt động của cá, cá sinh trưởng nhanh.
2. Chất đáy thích hợp
Chất đáy ảnh hưởng lớn đến chất nước của ao, nó điều chỉnh độ béo của nước như chất đáy là bùn cát, pH = 6,5 – 7,5 dễ gây màu nước, vi sinh vật, thực vật phù du phát triển mạnh.
Nếu chất đáy là cát sỏi hoặc chua mặn thì khó gây màu nước, vi sinh vật, thực vật phù du phát triển kém.
Độ dày bùn đáy thích hợp từ 15 – 20 cm, độ dày bùn đáy dày quá hoặc mỏng quá đều ảnh hưởng không tốt đến quá trình ương nuôi.
3. Diện tích và độ sâu ao
Diện tích ao ương cá bột lên cá hương quá lớn hoặc quá nhỏ cũng ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ sống ở giai đoạn này. Diện tích quá lớn dẫn đến sóng lớn, cá bột còn yếu chưa chịu đựng được, mặt khácviệc bắt mồi cũng khó khăn, tỷ lệ hao hụt lớn.
Ao lớn khó gây màu nước, việc quản lý, chăm sóc ao ương cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên cũng có thuận lợi là ôxy nhiều, không gian hoạt động rộng, cá lớn nhanh.
Ngược lại, ao có diện tích nhỏ điều kiện môi trường dễ thay đổi, nhất là vào mùa hè. Nên việc chọn ao ương từ cá bột lên cá hương có diện tích từ 400 – 1000 m2 là thích hợp.
Độ sâu mực nước trong ao dao động từ 1,0 – 1,2 m, nước sâu quá hoặc nông quá đều ảnh hưởng đến cá ở giai đoạn này.
4. Bờ ao phải chắc chắn không dò rỉ
Nếu ao ương dò rỉ tạo thành dòng chảy làm cho cá tập trung lại nhiều dẫn đễn cường độ bắt mồi của cá giảm. mặt khác các loài cá dữ thường ngược dòng chảy vào ao làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.
Ao bị dò rỉ làm mất đi một lượng lớn muối dinh dưỡng và thức ăn của cá trong ao. Vì vậy bờ ao cần chắc chắn không dò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 50 cm.
5. Ánh sáng đầy đủ
Ở giai đoạn này thức ăn của cá chủ yếu là thực vật phù du, động vật phù du cỡ nhỏ. Và sự phát triển của thực vật phù du lại không thể thiếu ánh sáng mặt trời nên ao ương phải có độ thoáng lớn, ánh sáng nhiều thì cá mới sinh trưởng và phát triển tốt.
6. Gần nguồn phân bón.
Giai đoạn này thức ăn chủ yếu là động vật phù du cỡ nhỏ. Phân bón là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho ao tạo điều kiện cho thực vật phù du phát triển sau đó là động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cá.
Vì thế nếu quá xa nguồn phân bón dẫn đến việc bổ xung chất dinh dưỡng cho ao không kịp thời, vận chuyển khó khăn, tốn nhiều công sức. Đồng thời việc quản lý ao ương cũng rất phức tạp.
B. CHUẨN BỊ AO ƯƠNG
1. Tẩy dọn ao
Việc tẩy dọn ao tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống của cá ở giai đoạn này. Ở những ao lâu ngày không được cải tạo thì các sản phẩm bài tiết cùng với lượng mùn bã hữu cơ bị lắng đọng ở đáy ao gây cho nước bị thối, ký sinh trùng gây bệnh cho cá phát triển ảnh hưởng đến đời sống của cá trong quá trình ương.
Tẩy dọn ao còn làm cho ao giàu dinh dưỡng, diệt trừ cá dữ, cá tạp và thực vật có hại, diệt ký sinh trùng gây bệnh.
Công tác tu bổ tẩy dọn ao như sau:
+ Tháo hết nước trong ao, sửa lại bờ ao, vét bớt bùn đáy, trang đáy bằng phẳng.
+ Tẩy ao bằng vôi bột hoặc vôi sống với lưọng từ 7 – 10 kg/a (vôi bột) hoặc 10 – 15 kg/a (vôi tôi). Lượng vôi bón cũng tuỳ vào điều kiện môi trường ao ương, tuỳ vào độ pH của ao để xác định lượng vôi bón cho thích hợp.
2. Bón phân
Sau khi tẩy vôi xong tiến hành tháo nước vào ao, nước đưa vào ao phải được lọc kỹ qua lưới động vật phù du hoặc qua vài lần vải màn, mực nước ban đầu lấy vào ao là 30 – 40 cm, rồi tiến hành bón phân chuồng, phân xanh.
+ Phân chuồng từ 30 – 50 kg/a (rải đều khắp ao)
+ Phân xanh từ 30 – 50 kg/a (bó từng bó đưa xuống 1 góc)
Sau đó ngâm ao. Sau khi lá dầm phân huỷ hết vớt bỏ những phần cứng không phân huỷ hết lên bờ rồi cho nước tiếp vào ao đảm bảo mực nước trong ao từ 0,8 – 1,0 m, khi đó mới tiến hành thả cá.
3. Thả cá bột
Thả cá bột vào buổi sáng hoặc chiều tối. Nếu nhiệt độ nước lớn hơn 30oC thì không thả cá ra ao. Mật độ cá thả tuỳ theo từng loài thường dao động từ 200 – 300 com/m2. Mật độ cá thả còn tuỳ thuộc vào từng vùng. Vùng đồng bằng mật độ thả từ 250 – 300 con/m2, vùng núi và trung du thả với mật độ 200 – 250 con/m2.
C. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ
1. Bón phân và cho ăn thức ăn tinh
Với ao ương cá bột lên cá hương phải thường xuyên có sinh vật phù du phong phú để làm thức ăn cho cá, màu nước trong ao phải có màu lá chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh, lúc này thực vật phù du đạt 3- 4 triệu tế bào/lít, lượng ôxy hoà tan từ 3 mg O2/lít trở lên.
Chế độ bón phân:
+ Đối với ao đã bón lót sau khi thả cá 4 – 5 ngày phải tiến hành bón phân.
Phân chuồng 1 tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 6 – 7 kg/a.
Phân xanh 1 tuần bón 1 lần, mỗi lần từ 10 – 13 kg/a.
Ngoài phân hữu cơ còn phải bón bổ xung phân đạm, phân lân với lượng từ 100 – 200 g/a, theo tỷ lệ 2 : 1 hoặc 1 : 1.
+ Đối với ao không bón lót, sau khi thả cá xong phải tiến hành bón phân gây màu nước ngay. Lượng phân bón bằng lượng phân bón lót ban đầu. Phân chuồng đổ thành vài điểm quanh ao, phân xanh bó thành từng bó đưa xuống bốn góc ao, phân vô cơ phải hoà tan té đều khắp mặt ao.
Thức ăn tinh
Loại thức ăn tinh dùng ở giai đoạn này gồm: lòng đỏ trứng, cháo nghiền, bột gạo xay, bột mì... khi cho ăn thức ăn phải được hoà loãng, té đều xung quanh ao. Lượng thức ăn khoảng 200 – 400 g/a/ngày. Cuối giai đoạn cá hương chúng bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn của cá trưởng thành như cá Trắm cỏ bắt đầu ăn bèo tấm, cá Chép bắt đầu chuyển sang ăn động vật đáy.
2. Quản lý ao
Hàng ngày phải thăm ao vào sáng sớm và chiều tối để quan sát hoạt động của cá, màu nước, bệnh cá, địch hại để có biện pháp sử lý kịp thời.
+ Nước trong ao phải thường xuyên có màu là chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh.
+ Vào khoảng 2 – 3 giờ sáng là thời điểm cá hay nổi đầu, vỗ tay thấy cá không lặn chứng tỏ ao thiếu ôxy.
+ Cá bơi lờ đờ, bơi lẻ từng con như vậy có hiện tượng cá mắc bệnh.
+ Diệt địch hại có trong ao như Bọ gạo, Nòng nọc, Bắp cầy và các sinh vật hại cá.
-         Phương pháp diệt Bọ gạo
Dùng 4 cây nứa buộc vào nhau để tạo thành khung rộng khoảng 4 – 6 m2. Trong khung đổ dầu hoả để khi bọ gạo nhao lên mặt nước lấy khí trời sẽ đớp phải dầu hoả, sau một thời gian ngắn sẽ chết. Cứ như vậy, sau khoảng 5 – 10 phút ta dịch chuyển khung một lần cho đến hết bề mặt ao.
-         Phương pháp diệt Nòng nọc
Hàng ngày vào sáng sớm phải kiểm tra xung quanh bờ ao nếu phát hiện thấy trứng Ếch, Nhái, Cóc xuất hiện dùng vợt cá bột vớt hết trứng lên bờ.
Nếu phát hiện thấy có Nòng nọc trong ao ta dùng lưới cá hương để bắt Nòng nọc, cũng có thể tạo dòng chảy nhẹ để Nòng nọc tập trung lại rồi dùng lưới cá hương kéo thu hoặc dùng vợt vớt bỏ.
-         Cho nước mới vào ao
Trong điều kiện diện tích, độ sâu có hạn, cá trong ao lớn dần lên, nên yêu cầu hoạt động không gian cũng lớn lên, nên phải trường xuyên thêm nước mới vào ao. Như vậy sẽ cải thiện môi trường nước trong ao, làm sinh vật phù du phát triển mạnh, kích thích hoạt động của cá, cá tăng trưởng nhanh. Cứ 3 – 5 ngày thêm nước vào ao một lần, mỗi lần 20 – 30 cm. Nếu ương với mật độ dày, trong quá trình ương có thể thay nước 1 – 2 lần, mỗi lần bằng 1/3 lượng nước trong ao.
-         Phòng trị bệnh cho cá
Thường xuyên quan sát cá trong ao, nếu thấy cá bơi theo đàn, hoạt động nhanh nhẹn là cá khoẻ. Nếu thấy nhiều con bơi lờ đờ, nổi trên mặt nước, bơi tản mạn, chứng tỏ cá có hiện tượng mắc bệnh. Như vậy, ta bắt cá lên kiểm tra và có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Đồng thời thay nước, ngừng bón phân và cho ăn.
-         Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá
-         Luyện cá
Sau khi ương được 3 tuần cứ 3 – 4 ngày dùng cào đẩy sát đáy ao hoặc dùng trâu đùa luyện. Trước khi xuất bán 3 – 4 ngày dùng lưới kéo cá vào một góc ao sau 10 – 15 phút thả ra để cá quen dần với môi trường nước đục, hàm lượng ôxy thấp, tăng thể chất của cá, làm cho cá rắn chắc trước khi xuất bán.
-         San cá
Khi cá đạt 2,5 – 3 cm phải san thưa, san thưa để cá phát triển tốt và giảm tỷ lệ chết trong quá trình ương.
Trước khi san cá 3 – 4 ngày phải đùa luyện như phần trên. Khi san cá phải làm khẩn trương, nhẹ nhàng.
Sau khi san thưa và xuất bán ta lại tát cạn ao, thu toàn bộ cá và lại tẩy trùng bón lót... để tiếp tục cho chu kỳ ương lần tới.
I. ƯƠNG CÁ BỘT MÈ TRẮNG, MÈ HOA THÀNH CÁ HƯƠNG
1. Điều kiện môi trường ao ương
Ao ương có diện tích từ 400 – 1000 m2, độ sâu mực nước từ 1,0 – 1,2 m, bờ ao cao hơn mực nước cao nhất hàng năm là 50 cm, độ dày bùn đáy 15 – 20 cm, pH: 7 - 8
2. Chuẩn bị ao ương
Công tác chuẩn bị ao ương tương tự như công tác chuản bị ao ương ở giai đoạn từ cá bột lên cá hương các đối tượng.
Chế độ tẩy trùng bón lót:
- Tẩy ao bằng vôi bột với liều lượng từ 7 – 10 kg/a
- Phân chuồng bón lót với liều lượng từ 30 – 50 kg/a
- Phân xanh bón với liều lượng từ 30 – 50 kg/a.
3. Mật độ thả cá
Tuỳ từng chất đất mà ta có mật độ thả cá cho phù hợp để nâng cao tỷ lệ sống:
- Ao đất thịt pha cát, dễ gây màu nước thả với mật độ 250 – 300 con/m2.
- Ao đất sét, hơi chua khó gây màu nước thả với mật độ 200 – 250 con/m2.
4. Chăm sóc, quản lý
Trước khi thả cá 2 ngày và trong quá trình ương nếu phát hiện thấy bọ gạo, phải tiến hành diệt kịp thời, thường xuyên vớt trứng ếch, nhái, cóc vào sáng sớm trong quá trình ương.
Bón phân, cho cá ăn:
-         Đối với ao đã bón lót:
Phân chuồng bón 1 tuần 2 lần, mỗi lần bón từ 7 – 10 kg/a, phân xanh 1 tuần bón một lần, mỗi lần bón từ 10 – 13 kg/a. Phân vô cơ bón bổ sung với lượng từ 100 – 200 g/a, tỷ lệ N : P là 2 : 1 hoặc 1 : 1.
-         Đối với ao không bón lót:
Sau khi thả cá phải tiến hành bón phân ngay, lượng phân bón bằng lượng phân bón lót ban đầu.
-         Cho cá ăn thức ăn tinh:
Tuần đầu mỗi ngày cho ăn từ 0,3 – 0,4 kg/a. Tuần hai trở đi cho ăn mỗi ngày từ 0,2 – 0,3 kg/a. Lượng thức ăn trong ngày được chia làm 2 lần sáng và chiều.
-         Thường xuyên theo dõi sự biến đổi màu nước trong ao, tình hình sức khoẻ của cá, nếu phát hiện có hiện tượng phải phòng và trị bệnh kịp thời. Định kỳ kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá. Sau khi ương được 25 ngày cá đạt 2,5 – 3 cm, tỷ lệ sống đạt 50 – 60% và có thể cao hơn tuỳ vào kỹ thuật nuôi.
II. ƯƠNG CÁ BỘT TRẮM CỎ THÀNH CÁ HƯƠNG
Điều kiện môi trường ao ương, công tác chuẩn bị ao, mật độ ương nuôi, chế độ chăm sóc quản lý tương tự như cá Mè trắng, Mè hoa ở giai đoạn từ cá bột lên cá hương.
Chú ý: Do đặc tính sinh học của cá Trắm cỏ thích sống ở môi trường nước sạch, ăn ở ven bờ, vì vậy chất nước ở trong ao không béo quá như ao ương cá Mè. Thức ăn tinh được hoà loãng té xung quanh ao.
Trong khi ương được 18 – 20 ngày tuổi bắt đầu cho bèo tấm để những con phát triển nhanh có thức ăn của loài.
III. ƯƠNG CÁ BỘT TRÔI THÀNH CÁ HƯƠNG
Công tác chuẩn bị ao cũng tương tự như ao ương cá Mè trắng, Mè hoa ở giai đoạn từ cá bột lên cá hương.
Mật độ ương nuôi thưa hơn cá Mè, chỉ thả 150 – 200 con/m2.
Tập tính sinh sống của cá Trôi là thích kết đàn, thích tập chung ở nơi có nước chảy, bơi lội hoạt bát hơn một số loài cá khác. Từ 3 – 5 ngày thêm nước vào ao một lần, mỗi lần dâng từ 25 – 30 cm nước. Màu nước yêu cầu như màu nước ao ương cá Trắm cỏ.
IV. ƯƠNG CÁ BỘT ROHU THÀNH CÁ HƯƠNG
1. Chuẩn bị ao
Ao ương cá Rôhu có diện tích từ 300 – 600 m2, độ sâu 1,0 – 1,2 m, chất đáy là bùn cát, độ dày bùn từ 15 – 20 cm.
Ao ương phải được tẩy dọn và bón lót tương tự như ao ương cá Mè ở giai đoạn từ bột lên hương.
2. Mật độ nuôi thả
Tuỳ theo điều kiện môi trường ao ương, khả năng giải quyết thức ăn, phân bón mà xác định mật độ nuôi thả cho hợp lý, ở vùng trung du, miền núi mật độ thả từ 250 – 350 con/m2, vùng đồng bằng mật độ thả 350 – 450 con/m2.
3. Chăm sóc quản lý
- Bón phân gây nguồn thức ăn tự nhiên cho cá
Phân chuồng một tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 10 – 15 kg/a.
Phân xanh mỗi tuần bón 1 lần, mỗi lần từ 20 – 25 kg/a.
Nếu màu nước lên chậm có thể dùng phân vô cơ tỷ lệ N : P là 2 : 1, một tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 200 – 300 g/a.
- Thức ăn trực tiếp
Cho ăn thêm thức ăn tinh như cháo nghiền, bột mỳ, bột gạo, bột ngô, bột sắn, nếu có điều kiện bổ xung bột cá trong thành phần thức ăn. Lượng thức ăn hàng ngày từ 200 – 400 g/a. Cho ăn vào buổi sáng và chiều tối.
- Quản lý ao ương
Thường xuyên theo dõi việc sử dụng thức ăn của cá, quan sát và phát hiện kịp thời tình hình địch hại của cá trong ao để có biện pháp sử lý kịp thời. Nhìn chung công tác quản lý ao tương tự như các đối tượng khác.
V. ƯƠNG CÁ CHÉP Ở GIAI ĐOẠN TỪ CÁ BỘT THÀNH CÁ HƯƠNG
Trong sản xuất hiện nay, nhiều địa phương chưa thu được cá bột cho nên người ta dùng ao ấp trứng để ương nuôi cá bột thành cá hương rồi mới thu hoạch. Tuy nhiên nhiều cơ sở sản xuất cũng đã chủ động thu cá bột để ương nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong ao ương trứng cá Chép người ta không bón phân mà sau khi nở 1 – 2 ngày người ta cho ăn lòng đỏ trứng gà, cháo nghiền té đều khắp ao.
1. Điều kiện ao ương
Ao ương có diện tích từ 300 – 500 m2, độ sâu mực nước từ 1,0 – 1,2 m, độ dày bùn đáy từ 12 – 15 cm. Tẩy trùng bón lốt như ao ương cá Mè, Trắm cỏ.
Đối với ao ương thẳng từ trứng lên thành cá hương thì sau khi cá nở được 4 – 5 ngày tiến hành bón lót. Lượng phân bón lót bằng lượng bón cho ao cá Mè trắng, Mè hoa là 30 –50 kg phân xanh/a và 30 – 50 kg phân chuồng/a.
2. Mật độ thả nuôi
Mật độ thả từ 80 – 140 con/m2.
3. Chăm sóc quản lý
- Bón phân      
Phân chuồng một tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 6 – 7 kg/a.
Phân xanh một tuần bón 1 lần, mỗi lần từ 20 – 25 kg/a.
- Thức ăn tinh
Thường dùng bột mỳ, cám gạo, bột gạo nghiền... Lượng thức ăn cụ thể như sau:
+ Hai tuần đầu lượng thức ăn là 300 kg/a/ngày, mỗi ngày cho cá ăn 2 – 3 lần, trước khi cho ăn thức ăn phải được hoà loãng và té đều khắp ao.
+ Từ tuần thứ 3 trở đi mỗi ngày cho ăn từ 400 – 500 g/a, cá ăn ở dạng bột khô, rải đều khắp mặt ao, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Cuối tuần thứ 3 tiến hành đùa luyện cá 2 - 3 lần trước khi san thưa hoặc xuất bán.
+ Tỷ lệ sống của cá Chép đạt từ 40 – 50% là được, kích thước cá khi thu đạt 2,5 – 3,0 cm.
VII. ƯƠNG CÁ TRÊ Ở GIAI ĐOẠN TỪ CÁ BỘT LÊN CÁ HƯƠNG
1. Địa điểm nuôi
Có thể ương cá bột lên cá hương ở các dụng cụ khác nhau như chậu thau, bể xi măng, bể kính, bể quây ni lông. Tốt nhất là bể xây xi măng hình chữ nhật có diện tích từ 3 - 6 m2, nước sâu 15 – 20 cm, đáy bể nghiêng về một phía, có cống cấp nước và tiêu nước.
2. Mật độ ương
Thả 1000 – 1200 con/m2 và ngày thay nước 2 lần. Có thể thả dày hơn nếu thay nước nhiều lần trong ngày.
3. Chăm sóc quản lý
Cá được 2 – 5 ngày tuổi cá ăn dộng vật phù du cỡ nhỏ như Moinadubia, Daphnia, giun chỉ, giun đỏ Limnodrilus.
Cá được 10 – 20 ngày tuổi ăn tôm tép, giun đất, cá tạp băm nhỏ, lượng thức ăn theo mức cá ăn hết là 25 – 30 g/1000 con/ngày. Cho cá ăn 3 – 4 lần/ngày.
Trong quá trình ương phải thường xuyên vệ sinh dụng cụ ương, nguồn nước sạch, thức ăn sạch trước khi cho ăn phải khử trùng bằng nước muối 2%. Loại bỏ thức ăn thừa, xác cá chết, phân cá ra ngoài (dùng ống xi phông).
Giai đoạn này cá hay mắc bệnh Trùng bánh xe Trichodiuo, Trùng quả dưa Ichthyopinthirius multifulus, bệnh trắng da, bệnh đốm đỏ, Nấm thuỷ mi... Vì thế phải chú ý khâu phòng bệnh và chữa bệnh kịp thời.
Sau khi ương được 2,5 – 3 tuần cá đạt 2,5 – 3 cm, tỷ lệ sống đạt 80 – 90%. Cá Trê phi có thể đạt 3,5 – 4,0 cm. Có thể xuất bán hoặc thả xuống ao nuôi.
VI. ƯƠNG CÁ TRA Ở GIAI ĐOẠN TỪ CÁ BỘT THÀNH CÁ HƯƠNG
1. Điều kiện môi trường ao ương
Ao ương cá Tra bột có diện tích từ 50 – 300 m2. Ao không bị cớm rợp, độ sâu mực nước từ 1,2 – 1,5 m. Đáy ao bằng phẳng, bờ ao phải chắc chắn, cao hơn mực nước cao nhất hàng năm là 0,5 m, pH từ 6,5 – 8, trong ao phải đặt sàn để cho cá ăn, sàn ăn được đặt cách bờ 20 – 40 cm.
2. Chuẩn bị ao ương
Tương tự như công tác chuẩn bị ao ương từ bột lên hương của các loài cá khác.
3. Mật độ thả nuôi
Mật độ thả của cá Tra cao hơn các loài cá khác rất lớn, khoảng từ 70.000 – 80.000 con/a.
4. Chăm sóc quản lý
Ba ngày đầu cho ăn lòng đỏ trứng gà (bóp nhuyễn + một ít mỡ hoà nước). Cho ăn 6 lần trong một ngày, cho ăn 1 quả trứng/7000 con.
Ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 dùng ốc + trứng xay nhuyễn theo tỷ lệ 1 : 2 cho ăn với lượng 0,7 kg/1 vạn con/ngày; ngày cho ăn 3 lần.
Ngày thứ 6 đến ngày thứ 11 cho ăn hoàn toàn ốc + lá gón xay nhuyễn (mục đích cho lá gón vào để làm tăng khả năng nổi của thức ăn). Lượng thức ăn hàng ngày từ 1 – 2 kg/1 vạn con/ngày, ngày cho ăn 3 lần.
Ngày thứ 12 đến ngày thứ 30 cho cá ăn thức ăn hỗn hợp gồm ốc + cá vụn + cám, bã đậu xay nhỏ với là gón với tỷ lệ 3 ốc + 2 cám (bã đậu). Lượng thức ăn mỗi ngày từ 1,5 – 2,5 kg/vạn cá, mỗi ngày cho ăn 2 lần.
Thường xuyên theo dõi cá ăn, sự hoạt động của cá trong ao, phải thường xuyên về sinh sàn ăn. Từ ngày thứ 30 trở đi cách 15 ngày tiến hành đánh bắt cá lớn để chuyển sang ao ương thành cá giống (tránh tình trạng cá lớn ăn cá bé). Ao ương phải được cấp nước thường xuyên và thay bớt nước cũ trong ao. Đối với ao tù cứ sau 5 – 6 ngày phải thêm nước mới một lần, mỗi lần từ 15 – 20 cm nước.

Nông Tuyên Huấn

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên