Bắc Giang phát triển nuôi thủy sản chất lượng cao
Lượt xem: 241  | Ngày đăng: 03/01/2022

ND - Trong chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, Bắc Giang khuyến khích phát triển nuôi thủy sản cả diện tích, năng suất và chất lượng. Những năm qua, nghề nuôi thủy sản đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh.
Tuy là tỉnh miền núi nhưng chăn nuôi thủy sản những năm qua ở Bắc Giang có bước phát triển mạnh mẽ, từ 4.643 ha ao hồ nhỏ, chăn thả cá quảng canh manh mún đến nay Bắc Giang đã có 11.966 ha mặt nước đang được khai thác chăn nuôi thủy sản. Năm 2009, sản lượng thủy sản hàng hóa đã đạt 14.122 tấn cá hàng hóa, tăng gấp hơn hai lần so năm 2001.
Nhận thức rõ hiệu quả kinh tế của chăn nuôi thủy sản, những năm qua UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển hàng nghìn ha ruộng trũng cấy một vụ không ăn chắc sang nuôi thủy sản. Hơn 3.500 ha ao hồ nhỏ được cải tạo thành những vùng mặt nước có quy mô từ 1 đến 5 ha tập trung. Ðến nay toàn tỉnh đã có 47 HTX chuyên nuôi thủy sản, 391 cơ sở nuôi thủy sản được công nhận là trang trại, với 600 ha mặt nước. Ði đôi với chủ trương mở rộng diện tích mặt nước, Bắc Giang coi trọng việc tuyển chọn, quản lý sản xuất cá giống để cung cấp cho các cơ sở nuôi thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất cá giống với sản lượng hai tỷ cá bột, 420 triệu con cá giống đủ cung cấp cho nhu cầu chăn thả cá trong tỉnh. Các loại cá có năng suất, chất lượng cao như chép, diêu hồng, trắm đen... được các đơn vị chăn nuôi thủy sản tiếp thu, nhân rộng. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn có 300 cơ sở nuôi thả ba ba. Một số hộ ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang đã nuôi ba ba gai tự nhiên cho sinh đẻ nhân giống thành công mở ra hướng phát triển ba ba gai có giá trị kinh tế cao.
Thăm Trung tâm giống thủy sản cấp I của tỉnh. Giám đốc Thân Văn Thủy cho biết: Ngoài việc tiếp tục nhân giống các loại cá có năng suất chất lượng như chép, rô phi đơn tính, diêu hồng cung cấp cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh nuôi cá hàng hóa. Trung tâm còn được giao nhiệm vụ tiếp thu giống cá lăng, cá anh vũ từ Viện Nuôi trồng thủy sản I Trung ương về nuôi thử nghiệm cho sinh sản. Thạc sĩ Nguyễn Anh Khương, chủ nhiệm đề tài cá lăng, cá anh vũ đưa chúng tôi thăm khu nuôi cá thí nghiệm, cho biết: 36 cặp cá lăng bố mẹ lúc nhận về mỗi con trọng lượng 1,5 kg đến nay sau một năm hầu hết các cặp cá bố mẹ đã đạt trọng lượng 3-4 kg. Tháng 8-2009 vừa qua, trung tâm cho sinh sản. Ðàn cá con phát triển tốt. Một số cơ sở nuôi thủy sản ở Thái Nguyên đã về đăng ký mua cá lăng con với giá 15.000 đồng/con. Riêng cá anh vũ, loại cá được mệnh danh là cá tiến vua, cũng được trung tâm đưa về 105 cặp nuôi thử nghiệm, qua theo dõi phát triển tốt. Sắp tới, trung tâm sẽ cho sinh sản. Kết quả nuôi thử nghiệm cho sinh sản giống cá lăng và cá anh vũ thành công ở Trung tâm Thủy sản I của tỉnh sẽ mở ra triển vọng mở rộng diện tích nuôi thả cá có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên địa bàn Bắc Giang.
Ðể từng bước khắc phục nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản mở 50 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản thâm canh, nuôi cá trên ruộng trũng cấy lúa một vụ và nuôi thủy sản đặc sản. Các lớp tập huấn đã thu hút hơn 3.000 học viên. Cùng với việc nuôi thử nghiệm cá hồi ở hồ Cấm Sơn, Chi cục phối hợp xã Thái Ðào, huyện Lạng Giang, nơi có 110 hộ nuôi thủy sản với diện tích hơn 80 ha; mời Trường cao đẳng thủy sản về mở lớp tại địa phương. Nhờ nâng cao hiểu biết kỹ thuật nuôi thủy sản, xã Thái Ðào đã thực hiện đề án "nuôi ghép cá vược với các loại cá truyền thống" trên diện tích mặt nước 2.400 m2 thành công, cá vược và các loại cá nuôi chung đều phát triển tốt. Ở các trang trại và các hộ nuôi cá ở huyện Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên và thành phố Bắc Giang đã áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh đưa năng suất từ 10 lên 20 tấn cá/ha/năm. Các trang trại và hộ nuôi cá thâm canh trên địa bàn các huyện vùng thấp của tỉnh cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Thực hiện đề án nuôi cá hàng hóa, năm 2009, tỉnh đầu tư 630 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá thâm canh cao trên diện tích mặt nước 42 ha ở bảy xã thuộc bốn huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên và thành phố Bắc Giang với 113 hộ nông dân tham gia. Ở các xã làm điểm các hộ nông dân đều được tập huấn kỹ thuật nuôi cá thâm canh, phòng trị bệnh cho cá. Chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cá có giá trị kinh tế cao vào nuôi thả đã và đang mở ra cho nghề nuôi thủy sản ở Bắc Giang, hướng phát triển mạnh mẽ góp phần để hàng nghìn gia đình nông dân có việc làm, thoát nghèo.

theo: www.nhandan.com.vn

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên