Tập trung phát triển Nông nghiệp thu nhập cao
Lượt xem: 209  | Ngày đăng: 03/01/2022

Chiều ngày 23/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích và đại diện các Sở ban ngành liên quan.

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả toàn diện

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, sản xuất nông nghiệp và PTNT 6 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện, các lĩnh vực sản xuất đều có tăng trưởng, tốc độ nông lâm thủy sản đạt 3.03%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 2,6%, lâm nghiệp tăng 10,8%, thủy sản tăng 4,6%. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, diện tích nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển, mở rộng. Trồng rừng đã từng bước áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa các giống mới có năng suất cao và sản xuất. Đặc biệt, sản xuất vải thiều là năm thành công trên mọi phương diện khi có sản lượng cao nhất, chất lượng tốt nhất từ trước tới nay, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính nhất và thị trường tiêu thụ nội địa được mở rộng nhiều nhất.

Đến hết tháng 6 đã có 4/14 xã thuộc huyện Yên Dũng đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 127 xã. Toàn tỉnh có có 562 Hợp tác xã (HTX) và 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, 62 Tổ hợp tác và 488 trang trại, trong đó có 48 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoảng trên 100 HTX nông nghiệp có hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 44 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã có bước phát triển cả về số lượng và loại hình hoạt động theo hướng liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, bước đầu hình thành các chuỗi sản xuất, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Toàn ngành tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, tập trung đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm đạt 3,6%, vượt kế hoạch đề ra 1,6%.

Đề xuất bổ sung biên chế

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết, sản xuất chăn nuôi và công tác thú y luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thành phố. Tuy nhiên, hệ thống thú y tuyến huyện đã sáp nhập gây thiếu nhân lực, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiếu đồng bộ, không nhất quán, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030" trong đó tập trung kiện toàn bộ máy thú y cấp huyện, thành phố.

Ngoài ra, đại diện Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm lâm đề nghị tỉnh cho thi tuyển công chức, bổ sung biên chế cho lực lượng tham gia quản lý đê, thường trực phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn; cho phép xây dựng Đề án hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực rừng phòng hộ Cấm Sơn giai đoạn 2022-2025 để phát huy tối đa chức năng phòng hộ của rừng, tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, tăng khả năng sinh thủy của hồ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết đã trình Chủ tịch UBND tỉnh việc tuyển dụng biên chế cho kiểm lâm, quản lý đê điều. Tuy nhiên, thực tế tại các năm trước, nhiều công chức trúng tuyển đã bỏ việc. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tính toán, áp dụng công nghệ vào quản lý rừng, công trình thủy lợi.

Hình thành chuỗi sản xuất

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp thời gian qua.  Sự nỗ lực đó đã tăng uy tín cho nông sản của tỉnh, là điểm cộng trong việc vào thực hiện mục tiêu kép của tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn tập trung vào cây vải thiều, cây ăn quả có múi, đàn lợn, đàn gà còn chưa ổn định, bấp bênh; bức tranh cây ăn quả không phải chỗ nào cũng màu sáng, nhiều địa phương đua nhau làm cây ăn quả nhưng cứ trồng lại phá, điển hình là cam, việc tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn; phát triển rừng còn manh mún... 

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hiện các sản phẩm nông nghiệp đang ở tình trạng sản xuất thừa; để sản xuất ổn định, bền vững cần nhìn nhận đúng thực trạng của ngành nông nghiệp để có hướng đi hiệu quả, lâu dài. Và để giải bài toán này cần kiên trì đi theo con đường Nông nghiệp thu nhập cao, không phải là năng suất cao, sản lượng cao; đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, chỉ có hướng tới xuất khẩu chính ngạch thì mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm được thị trường ổn định, giá bán cao. Điều này không thể thực hiện trong một năm, hai năm mà phải có lộ trình. Sản xuất nông nghiệp phải hình thành chuỗi, phải có liên kết, tham gia của các nhà, từ khâu sản xuất tới thu mua, chế biến.

Đồng chí yêu cầu, Sở cần đánh giá lại để tham mưu định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới; định hướng mô hình sản xuất, tập trung rõ vào con gì, cây gì, không làm theo phong trào. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể mang tính chiến lược; tăng tốc xây dựng nông thôn mới gắn với các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cảm ơn sự động viên, khích lệ của đại diện các Sở, ban ngành. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ có sự đổi mới, để kịp theo tiến trình phát triển của tỉnh cũng như toàn ngành.

Bài, ảnh: Nguyễn Khương

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên