Nhân rộng các mô hình khuyến nông
Lượt xem: 204  | Ngày đăng: 10/12/2021

Chăm sóc cà chua trái vụ ở xã Thanh Lâm (Lục Nam).

Thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2006-2010, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi giống mới. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, một số mô hình khuyến nông chưa thể nhân rộng...
Hàng năm, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đầu tư 2,5-3 tỷ đồng để thực hiện các mô hình khuyến nông. Trong ba năm (2006-2008), Trung tâm đã xây dựng gần 60 mô hình khuyến nông, khuyến lâm tại 10 huyện, thành phố. Do Trung tâm có nhiều đổi mới trong hoạt động từ khâu chọn hộ, chọn điểm để thực hiện, đến lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường, cử cán bộ khuyến nông "bám bờ, bám ruộng", tổ chức hội thảo đầu bờ… nên đến nay nhiều mô hình thực hiện thành công và đang từng bước nhân rộng. Điển hình như mô hình sản xuất lúa thuần giống mới ĐB5 và ĐB6, lúa thơm N46 tại huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế, Lục Nam và thành phố Bắc Giang. những giống lúa này đã được bổ sung vào cơ cấu các giống lúa của tỉnh và ngày càng mở rộng diện tích gieo cấy hàng năm, mô hình sản xuất dưa chuột bao tử xuất khẩu  giống mới AJAX (Hà Lan) cũng được đánh giá  cao và  diện tích sản xuất ngày càng  mở rộng. Mô hình trồng lạc giống mới L14 và L23 cũng khẳng định hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với giống lạc MD7 nên được nông dân nhiều địa phương mở rộng diện tích. Trong chăn nuôi, mô hình  Sind hóa đàn bò đã và đang được nhân rộng. Qua mô hình này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi, nâng tỷ lệ bò lai Sind toàn tỉnh lên 48%...
Phần lớn các mô hình khuyến nông được thực hiện đã góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mô hình được xây dựng nhưng chưa thể mở rộng quy mô sản xuất gây tốn kém, lãng phí. Ví như mô hình trồng rau an toàn được triển khai ở huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang từ nhiều năm nay nhưng diện tích vẫn không được mở rộng. Nguyên nhân là do quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn đòi  hỏi khắt khe, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với công sức, chi phí sản xuất. Đặc biệt, nhiều năm nay, việc tiêu thụ rau an toàn gặp nhiều khó khăn khiến mô hình này khó nhân rộng. Tại huyện Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, mô hình nuôi lợn nái hướng nạc đã khẳng định ưu thế vượt trội so với nuôi lợn nội về tần suất sinh sản và hiệu quả kinh tế nhưng cũng khó nhân rộng mà chủ yếu tập trung ở các hộ, trang trại có quy mô chăn nuôi lớn. Nguyên nhân do vốn đầu tư nuôi lợn nái ngoại lớn (10 triệu đồng /1nái/chu kỳ sản xuất) nên nhiều hộ dân không đủ khả năng chăn nuôi. Mặt khác, nhiều hộ dân chưa tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi lợn ngoại công nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến tâm lý người dân chưa mặn mà với mô hình mới. Một số mô hình nuôi thỏ, nhím, trồng đậu tương ĐVN6, ĐVN5… cũng trong tình trạng   mô hình thì hiệu quả nhưng khi chương trình kết thúc lại khó nhân rộng. Nguyên nhân một phần là do mô hình này triển khai thực hiện còn manh mún, dàn trải, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, việc thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nên khi mỗi mô hình kết thúc, nông dân thường gặp khó khăn khi mua giống về sản xuất và bán nông sản. Nhiều nông dân  tham gia  mô hình khuyến nông cốt để được nhận hỗ trợ, sau khi kết thúc chương trình cũng không có nhu cầu tiếp tục bỏ vốn để sản xuất. Ở một số nơi, việc tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn chậm trong khi sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền còn hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông để nhân rộng mô hình mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh…
Để các mô hình khuyến nông được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, trước hết cần củng cố hệ thống cán bộ khuyến nông cơ sở; tăng cường đào tạo tập huấn để mỗi cán bộ khuyến nông vừa am hiểu kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp, vừa có năng lực làm công tác dân vận, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xã trong chỉ đạo nhân rộng các mô hình khuyến nông theo vùng quy hoạch, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Đồng thời, các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, cho thuê đất, chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Về phía ngành nông  nghiệp, đặc biệt là cơ quan Khuyến nông-Khuyến ngư khi xây dựng mô hình cần gắn với định hướng thị trường, thực hiện tốt khâu chuyển giao kỹ thuật sản xuất, mối liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phương pháp tuyên truyền, vận động cũng cần được đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực và dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện các mô hình khuyến nông ở cơ sở, phân công rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách mô hình. Người dân cũng cần tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sau mỗi mô hình, nông dân có thể liên kết với nhau theo hình thức tổ hợp tác, HTX để được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống, vốn và bao tiêu sản phẩm...

HẢI MINH

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên