QUY TRÌNH NUÔI CÁ RÔ PHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC
Lượt xem: 252  | Ngày đăng: 03/01/2022

1.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1.1  Đối tượng

Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thâm canh cá Rô phi thương phẩm ứng dụng công nghệ biofloc.

 

1.2  Phạm vi áp dụng

Quy trình này áp dụng cho các cơ sở, nông hộ nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm ứng dụng công nghệ biofloc trong ao tại Việt Nam.

2.  NỘI DUNG QUY TRÌNH

 

2.1  Công trình nuôi – Yêu cầu kỹ thuật

2.1.1 Ao nuôi

Diện tích ao nuôi: 2.000 – 10.000 m2. Độ sâu nước: 1,5 –2,5 m. Đáy ao lót bạt HDPE hoặc đáy bùn dày không quá 10 cm. Bờ ao được kè bê tông, xây bằng gạch hoặc lót bạt nhựa. Bờ ao vững chắc, không bị rò rỉ, cao hơn đỉnh lũ lịch sử từ 0,5 – 0,7 m. Có hệ thống cấp nước sạch vào ao nuôi và có cống thoát nước. Đáy ao dốc dần đều về phía cống thoát nước đảm bảo cho việc cấp và tiêu nước dễ ràng.

Ao được xây dựng ở nơi thoáng gió, không bị cớm rợp. Nước thải chăn nuôi, biogas, nước thải sinh hoạt và nhà vệ sinh trong trang trại phải được thoát theo đường nước thải riêng, không được chảy trực tiếp vào ao nuôi hoặc mương cấp vào ao nuôi.

Ao nuôi phải thuận lợi giao thông, gần các khu dịch vụ nghề cá để tiện cho việc cung cấp vật tư, con giống, thức ăn.

Ao nuôi được tát cạn, dọn sạch đáy và xung quanh bờ ao, hút bùn đáy ao hoặc lót bạt HDPE. Cải tạo bờ ao để tránh rò rỉ.

Với ao không lót bạt, dùng vôi bột tẩy đáy ao với lượng 7-10 kg vôi bột cho mỗi 100 m2 ao. Phơi đáy ao trong khi lắp đặt hệ thống sục khí.

Nước cấp vào ao được lọc qua giai mau để hạn chế cá tạp và địch hại theo nguồn nước cấp vào ao nuôi.

2.1.2 Hệ thống sục khí, vận hành và yêu cầu chất lượng nước

2.1.2.1 Thiết kế hệ thống

  • Hệ thống máy quạt nước cho 1 ha ao nuôi gồm 5 ao liền nhau có diện tích mỗi ao 2000 m2 khi hoạt động 100% công suất là 24,9 KW/h gồm: 17,0 KW/h và hệ thống máy thổi khí công suất 3,9 KW/h.
  • Máy quạt nước: 6 máy quạt nước, trong đó có 4 máy có công suất động cơ 3,5 KW và 2 máy có công suất động cơ 1,5 KW. Khi các ao nuôi liền kề nhau nhau thì bố trí 1 máy quạt nước có 2 bộ cánh quạt đối xứng nhau qua bờ ao chung để tiết kiệm điện năng. Trường hợp ao đơn, bố trí cánh quạt về bên ao nhưng tăng số cánh quạt phù hợp với công suất động cơ
  • Máy thổi khí: Máy thổi khí công suất lớn: 2 chiếc có công suất 1.800 L/phút, tiêu thị điện năng 1,2 KW/h. Máy thổi khí công suất trung bình gồm 2 máy, công suất 1.100 L/h, tiêu thị điện năng 750W/h. Hệ thống sục khí được gắn với 2.250 quả đá bọt gắn với được bố trí tập trung khu vực giữa ao.
  • Hệ thống sục khí sau khi hoạt động 30 phút sẽ cung cấp hàm lượng oxy hòa tan đạt trên 4,0 mg O2/L. Trong quá trình hoạt đông không làm cho biofloc lắng đáy, tạo dòng chảy nhẹ nhàng không đánh tan biofloc và duy trì hàm lượng oxy hòa tan từ >4 mg O2/l.
  • Hệ thống máy quạt khí tại mô hình có khả năng đáp ứng được tối đa 41 tấn cá nuôi.

2.1.2.2 Vận hành hệ thống

Hệ thống máy thổi khí nối với đá bọt được vận hành 24/24h. Các quả đá bọt được bố trí cách đáy ao 15 cm có tác dụng tăng sự đối lưu của nước giữa tầng đáy và tầng mặt ao. Bố trí đá bọt ở khu vực giữa ao nhiều hơn khu vực ven ao đảm bảo khi vận hành sẽ không có khu vực nước tĩnh (vận tốc dòng chảy < 1cm/giây) nhằm hạn chế hiện tượng lắng đọng bùn đáy ở khu vực này.

Vận hành hệ thống quạt nước: Giai đoạn cá nhỏ - 100 g/con, chỉ vận hành máy quạt nước 1h khi bổ sung rỉ đường. Giai đoạn cá từ 100-300 g/con. Vận hành 3 máy quạt khí ở vị trí trung tâm, đảm bảo mỗi ao có 1 guồng quạt hoạt động 24h/24h. Giai đoạn cá

  1. 300 g/con đến khi thu hoạch, vận hành 7 hệ thống quạt nước 24h/ngày nhằm đảm bảo dưỡng khí và đối lưu nước trong ao nuôi và cung cấp đủ ô xy hòa tan.

3.1.2.3 Chỉ tiêu chất lượng nước cần đạt

Bảng 1. Giá trị trung bình một số yếu tố môi trường trong ao nuôi

Một số yếu tố chất lượng nước

Chỉ tiêu cần đạt

DO (mg/L)

>4,00

pH

 

7,50

NH4

+ (mg/L)

<2,0

NO2(mg/L)

<0,1

NO3

(mg/L)

<3,0

C/N*

≥11,5

*C là hàm lượng các bon có trong nguồn các bon bổ sung vào ao nuôi, N là hàm lượng ni tơ trong nước ao tồn tại dưới dạng ammonia tổng số (TAN)

2.2  Biofloc mồi - Yêu cầu kỹ thuật

Chuẩn bị biofloc mồi: Dung dịch biofloc mồi được chuẩn bị bằng cách pha theo tỷ lệ: 1L nước sạch, 10 g thức ăn cho cá rô phi, 10 mL dịch nuôi cấy chủng vi khuẩn thuần chủng Bacillus subtilis có mật độ 106 vi khuẩn/mL. Vi khuẩn chuẩn có nguồn gốc từ bộ sưu tập chủng giống của ngân hàng chủng giống VTCC, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Nếu không có chủng vi sinh vật chuẩn, có thể sử dụng 5g chế phẩm sinh học thương mại dùng trong xử lý môi trường nước ao nuôi thủy sản có chứa nhóm vi khuẩn Bacillus subtilis. Nuôi tăng sinh biofloc mồi được thực hiện trong điều kiện sục khí mạnh trong 48 giờ ở điều kiện nhiệt độ 25-30oC. Đến khi vi sinh vật phát triển mạnh sẽ hình thành nên các bóng khí lớn nổi lên bề mặt bể biofloc mồi là có thể sử dụng cho thí nghiệm .

2.3  Cá rô phi giống – Yêu cầu kỹ thuật

Bảng 2. Yêu cầu kỹ thuật cá rô phi giống

Chỉ tiêu kỹ thuật

Yêu cầu

Kích cỡ cá giống (g/con)

10-25

Ngoại hình

Cá khỏe mạnh, bơi chìm theo đàn, không bị dị hình, không

 

mắc bệnh.

Nguồn gốc

Được sản xuất tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Tỷ

 

lệ cá đực >95%

Tỷ lệ cá đực

đạt >95%

Vận chuyển cá rô phi giống cần lưu ý những điểm sau đây: Cá trước khi vận chuyển phải được luyện ép bằng cách nhốt cá trong bể được đánh bóng, cấp nước sạch chảy tràn, có sục khí hoặc luyện ép trong giai. Khi bắt cá phải dùng vợt bằng lưới mềm không có gút lưới. Vận chuyển cá khi thời tiết mát mẻ vào buổi sáng hoặc chiều mát.

2.4  Thức ăn - Yêu cầy kỹ thuật

Giai đoạn từ khi thả cá giống 25 – 200 g/con cho cá ăn thức ăn hỗn hợp dạng viên nổi CP/CL = 30/5, đường kính viên 2-3 mm. Từ khi cá đạt 200 g đến khi thu hoạch cho cá ăn thức ăn viên hỗn hợp dạng viên nổi, CP/CL = 28-30/5, đường kính viên 3-4 mm.

Thức ăn nuôi cá rô phi thương phẩm được sản xuất bởi các công ty có uy tín, chất lượng ổn định. Hình dạng viên tròn đều, trong thời hạn sử dụng và không bị mốc. Thức ăn không chứa hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định hiện hành.

Thức ăn được bảo quản trong kho thoáng mát, có bố trí lưới chống chuột và côn trùng. Các bao thức ăn được xếp trên kệ gỗ, cách mặt sàn 10-15 cm. Tránh ánh nắng trực tiếp. Không để thức ăn trực tiếp trên mặt sàn kho. Sử dụng thức ăn trong thời hạn quy định của nhà sản xuất, không sử dụng thức ăn đã sản xuất quá 3 tháng.

2.5     Nguồn các bon – Yêu cầu kỹ thuật

Nguồn các bon bổ sung vào ao nuôi là rỉ đường dạng sệt, là sản phẩm phụ của nhà máy sản xuất đường mía có chất lượng tương đương nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thành phần các bon trong rỉ đường chiếm 35-37%.

2.6  Mật độ nuôi

Mật độ cá nuôi 5 - 6 con/m2.

2.7  Mùa vụ thả giống và thời gian nuôi

Miền Bắc có thể thả giống từ tháng 3-7 và thu hoạch từ tháng 9-12. Thời gian nuôi từ cá giống 10 g/con đến khi thu hoạch cá đạt trung bình 600 g/con là 5 tháng. Từ cỡ cá giống 25 g/con đến khi thu hoạch cá đạt trung bình 600 g/con là 4,5 tháng.

Miền Nam trung bộ và miền Nam, có khí hậu ấm áp nên có thể thả nuôi cá rô phi quanh năm.

2.8  Cho ăn và chăm sóc

Khẩu phần ăn cho cá rô phi là 80% thỏa mãn, được xác định như sau: Ngày thứ nhất, cho cá ăn tối đa trong vòng 20 phút vào buổi sáng và buổi chiều, xác định lượng thức ăn cá đã sử dụng trong 2 bữa cho ăn. Giữ nguyên khẩu phần này trong vòng 9 ngày tiếp theo. Sang ngày thứ 10 kế tiếp, lặp lại việc xác định khẩu phần thức ăn. Tính trung bình cho cả chu kỳ 10 ngày tương đương 80% thỏa mãn.

 

Qua quá trình thực nghiệm cho ăn theo 80% thỏa mãn mô hình ứng dụng BFT tại Hải Dương được tổng hợp và quy ngược lại tỷ lệ % khối lượng cá trong ao giúp cho việc ước tính lượng thức ăn cần thiết khi ứng dụng BFT

Khẩu phần thức ăn trong ngày được chia đều làm 2 phần, sáng cho cá ăn lúc 7h30-8h00, chiều cho ăn lúc 15:30. Những ngày nắng nóng cho cá ăn muộn hơn vào 16:30. Thức ăn được rải đều trên mặt ao trên diện rộng trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo tất cả cá trong ao đều sử dụng được thức ăn.

2.9  Kỹ thuật tạo biofloc trong ao nuôi thâm canh cá rô phi

2.9.1 Bổ sung biofloc mồi

 

Trong tháng đầu tiên sau khi thả cá giống, bón bổ sung biofloc mồi với liều cao từ 3-5 ppm/3ngày cùng thời điểm bổ sung rỉ đường để kích thích biofloc hình thành và phát triển. Khi có dấu hiệu FVI suy giảm, bón bổ sung biofloc mồi với liều lượng 3-5 ppm.

Bổ sung nguồn các bon

 

Nguồn các bon là thức ăn cho vi khuẩn dị dưỡng, thành phần chính của biofloc phát triển. Rỉ đường (Các bon=37,5%) là nguồn các bon phù hợp do tỷ lệ các bon cao, rẻ tiền, dễ sử dụng.

Tỷ lệ C:N là 11,5. Theo đó, để vi sinh vật biofloc phân hủy hết 1 g ni tơ sinh học cần 11,5 gam các bon, tương đương 33,3 gam rỉ đường. Hàm lượng ni tơ để làm căn cứ bổ sung rỉ đường là lượng ni tơ có trọng đạm ammonia tổng số (TAN).

 

Lượng rỉ đường cần bổ sung cho 1 m3 nước ao được xác định trên cơ sở hàm lượng NTAN theo công thức sau:

W rỉ đường(g/m3) = NTAN (g/m3) x 11,5 x100/37,5

Tần xuất bổ sung rỉ đường là 3 ngày 1 lần. Rỉ đường được hòa tan vào nước, té đều khắp mặt ao và được tan đều vào nước ao nhờ luân chuyển nước do hệ thống sục khí và quạt nước.

2.9.2 Theo dõi FVI

Biểu hiện của biofloc phát triển là nước ao nuôi có màu nâu nhạt đặc trưng, khác biệt so với các ao nuôi thâm canh mà tảo chiếm ưu thế có màu xanh.

Định kỳ xác định FVI bằng cách sử dụng phễu lắng Imhoff. Lấy 1L nước ao vào phễu lắng Imhoff và để lắng trong thời gian 30 phút. FVI là thể tích mà floc chiếm chỗ ở đáy phễu lắng (hình 29). FVI là chỉ thị đánh giá tính ổn định của biofloc trong hệ thống ao nuôi. FVI <10 mL/L là phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cá rô phi. Khi FVI vượt quá 10 mg/L, áp dụng biện pháp vớt bớt sinh khối biofloc, hạn chế ảnh hưởng đến hô hấp của cá nuôi.

         2.9.3  Giải pháp duy trì tính ổn định của biofloc

Biofloc trong ao nuôi nổi bọt: Do vi khuẩn dạng sợi phát triển. Vãi đều calcium peroxide (CaO2) 10 ppm, sau đó trao đổi nước khoảng 5-6 ngày và thêm 20 ppm CaCO3/ngày. Nếu sau 6 ngày vẫn còn nổi bọt, tăng hàm lượng calcium peroxide lên 10 ppm. Vào ngày thứ 7, tiến hành trao đổi nước và làm lại quy trình.

Bioflocs quá dày: Khi đó tiến hành cho nước chảy tràn đến mức quy định qua cống chống tràn hoặc dùng vợt mịn vớt bớt váng biofloc.

Bioflocs độ dày giảm và màu nước có xu hướng chuyển sang màu xanh lá cây hoặc màu nâu đỏ: Dừng bổ sung nước, nếu bổ sung thì thực hiện từng đợt nhỏ, khoảng 5-6 ngày và bón 20 ppm CaCO3

Tảo lam (blue green algae) phát triển: Hạn chế trao đổi nước trong hệ thống ao nuôi, tránh tuần hoàn, pha loãng. Nước được thêm vào chỉ thay thế lượng nước mất đi hoặc do bay hơi.

2.10 Quản lý môi trường và sức khỏe cá nuôi

Theo dõi thời gian cá ăn hết thức ăn hàng ngày. Nếu cùng lượng thức ăn mà thời gian cá ăn hết thức ăn kéo dài quá 30 phút thì tiến hành giảm khẩu phần ăn vào lần cho ăn tiếp theo và kiểm tra chất lượng nước.

Khi xuất hiện cá chết phải thu mẫu và gửi cơ sở có dịch vụ phân tích bệnh cá kiểm tra. Không sử dụng thuốc và hóa chất cấm theo quy định hiện hành.

Hàng ngày kiểm tra pH, DO. Định kỳ 3 ngày/lần kiểm tra đạm ammonia tổng số (TAN), nitrite và nitrate (NOx), chỉ số thể tích biofloc (FVI).

2.11 Thu hoạch cá rô phi thương phẩm

Khi cá đạt khối lượng trung bình >600 g/con tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 tuần, thay nước sạch vào ao nuôi. Ngừng cho cá ăn 1-2 ngày trước khi thu hoạch.

Sử dụng lưới kéo cá thịt về góc ao, dụng vợt và rổ nhựa thu hoạch cá. Cá thu hoạch được chuyển lên bể bạt có chứa nước sạch để phân loại theo kích cỡ trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Bài: Kim Lan

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên