Yên Thế: Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững
Lượt xem: 208  | Ngày đăng: 03/01/2022

Yên Thế là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và có nhiều tiềm năng thế mạnh phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng và toàn diện.

Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực

Huyện Yên Thế có 31% diện tích đất nông nghiệp và 48% diện tích đất lâm nghiệp. Đây là lợi thế rất lớn để huyện phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng với các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm mũi nhọn. Phát huy những lợi thế đó cùng sự quan tâm, chỉ đạo, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân, đến nay sản xuất nông nghiệp của Yên Thế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất sản phẩm an toàn ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với sản phẩm thế mạnh, đáp ứng theo yêu cầu thị trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; an ninh lương thực được đảm bảo. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn sản xuất với sơ chế, chế biến sản phẩm. Tiếp tục duy trì, giữ vững các thương hiệu, nhãn hiệu đã có và xây dựng mới các nhãn hiệu hàng hóa nông sản có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường… Qua đó góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác từ 55 triệu đồng/ha/năm năm 2015 lên 80 triệu đồng/ha/năm 2020.

Nhiều sản phẩm của huyện đã được khai thác và phát triển mạnh mẽ, được tập trung chỉ đạo thực hiện để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong đó, gà đồi Yên Thế - một sản phẩm chủ lực của tỉnh đã trở thành con vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Tận dụng lợi thế về vườn đồi, huyện đã sớm hình thành vùng chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn. Sản phẩm gà đồi không ngừng được nâng lên, đã được tiêu thụ trên nhiều thị trường trong cả nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội đem lại doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Yên Thế đã quan tâm thực hiện đa dạng vật nuôi, trong đó tập trung phát triển đàn dê. Với hơn 500 ha trên toàn địa bàn, cây chè đã trở thành sản phẩm chủ lực của huyện, sản lượng búp chè tươi đạt 4.300 tấn mỗi năm. Cùng đó, huyện chú trọng khai thác tiềm năng, phát triển các vùng cây ăn quả, trọng điểm là cây nhãn và cây có múi theo hướng hàng hóa. Toàn huyện hiện có gần 1.000 ha cây có múi, chủ yếu là cây bưởi với sản lượng khoảng 2.500 tấn mỗi năm.  Đặc biệt, lâm nghiệp là ngành mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao với sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm từ 15-20 triệu cây; mỗi năm trồng mới trên 1.100 ha rừng tập trung và trên 300 nghìn cây phân tán. Diện tích có thể phát triển thành rừng gỗ lớn là trên 350 ha/năm; sản lượng gỗ rừng kinh tế hàng năm đạt trên 100 nghìn khối. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững

Nhằm phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng đa dạng, bền vững phát huy lợi thế địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, UBND huyện Yên Thế xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn.

Theo đó, mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt đối với cây vải thiều và cây nhãn duy trì diện tích ổn định đến năm 2025 khoảng 2.600 ha; vùng sản xuất thâm canh cao đạt tiêu chuẩn VietGAP từ 500  - 700 ha. Cây bưởi tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các giống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng sản xuất bưởi tập trung với tổng diện tích 550 - 600 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 250 ha.  Cây chè tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất hữu cơ; đến năm 2025 tổng diện tích ổn định 500 - 550 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 200 - 250 ha…

Đối với chăn nuôi ổn định tổng đàn gia cầm đến năm 2025 từ 4- 4,3 triệu con, trong đó đàn gà 3,8 - 4 triệu con; xây dựng vùng chăn nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi gia súc lớn gồm trâu, bò, ngựa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y gắn với hình thành các hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn gia súc lớn đạt 10.000 - 12.000 con. Chăn nuôi lợn ổn định quy mô tổng đàn từ 90.000 - 100.000 con/ năm; phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch vùng theo trang trại tập trung an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển chăn nuôi dê, hươu và phát triển đàn ong trên địa bàn.

Lĩnh vực lâm nghiệp duy trì tổng diện tích rừng kinh tế đạt trên 14.000 ha; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, rừng trồng ứng dụng công nghệ cao; mở rộng diện tích rừng trồng thâm canh gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn đạt 2.500ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2.500ha; phấn đấu cơ bản sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu; phát triển vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô cung cấp từ 10 - 15 triệu cây/năm.

Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao về giống, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè nhằm phát huy lợi thế diện tích mặt nước của các hồ đập lớn của huyện…

Để hoàn thành mục tiêu, Yên thế tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của huyện. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời phát triển kinh tế tập thể khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gắn với sản phẩm chủ lực. Phát triển công nghệ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản. Cùng đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất…

Bài, ảnh: Kim Lan

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên