VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG TRONG PHÁT TRIỂN CÂY CÓ MÚI BỀN VỮNG Ở TỈNH BẮC GIANG
Lượt xem: 232  | Ngày đăng: 03/01/2022

Bắc Giang là tỉnh có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đặc trưng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả. Đến nay diện tích cây ăn quả toàn tỉnh trên 51 nghìn ha, đứng thứ 4 toàn quốc. Trong đó vải thiều diện tích 28 nghìn ha, chiếm 55,7%, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trên 15 nghìn ha, sản lượng từ 150-200 nghìn tấn, doanh thu từ bán vải và các dịch vụ khác từ 5.000-6.500 tỷ đồng. Bên cạnh thế mạnh về phát triển cây vải thiều, cây có múi ở Bắc Giang cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển. Đến nay, diện tích đạt 10.800 ha, sản lượng hằng năm từ 90-100 nghìn tấn, doanh thu từ 1.500-2.000 tỷ đồng. Trong đó diện tích cam 5.100 ha tăng 2,9 lần và diện tích bưởi 5.300 ha tăng 3,2 lần so với năm 2015. Về cơ cấu giống đối với cam gồm có: Cam Đường Canh, cam lòng vàng, cam V2, trong đó chủ yếu là cam Đường Canh với diện tích 2.300 ha chiếm 45% diện tích; đối với bưởi gồm có: Bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi đỏ Tân Lạc, trong đó chủ yếu là bưởi Diễn với diện tích 2.750 ha, chiếm 51,8% diện tích. Cây có múi ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu các loại cây ăn quả của tỉnh, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong nước tin tưởng sử dụng. Hiệu quả kinh tế cho 01 ha cây có múi cho doanh thu trên 500 triệu/ha/năm, lợi nhuận thu được trên 350 triệu/ha/năm.

Mô hình liên kết trong sản xuất tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cây có múi ở Bắc Giang được quan tâm. Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo và xác định liên kết chuỗi giá trị, liên kết hộ nông dân, Hợp tác xã với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ là hết sức quan trọng. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp để ký kết, liên kết với các hộ sản xuất, Hợp tác xã. Một số mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cam bưởi có hiệu quả như mô hình liên kết của HTX nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ Tổng hợp Hồng Xuân liên kết sản xuất cam, bưởi theo quy trình VietGAP. HTX ký kết hợp đồng, sản phẩm được tiêu thụ chính ở siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Toàn bộ sản phẩm quả của HTX đều truy xuất được nguồn gốc. HTX Cây ăn quả Lục Ngạn được thành lập từ năm 2017 trên địa bàn xã Tân Quang, hiện có hơn 20 thành viên. 100% diện tích cây có múi của HTX đang được sản xuất theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường. Sản phẩm của HTX đã vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng mua sắm tiện lợi…

Đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, nghình, chính quyền địa phương thì công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng. Trung tâm khuyến nông tỉnh và hệ thống khuyến nông huyện, xã hằng năm xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho nông dân sản xuất cây có múi...  Một số mô hình điển hình như mô hình sử dụng sản phẩm phân bón NPK do Công ty Việt Nhật sản xuất trên cây cam Vinh, cam Đường Canh tại xã Tân Quang (Lục Ngạn); mô hình sản xuất cam chín sớm CS1 tại hai xã Tân Mộc và Kiên Lao; mô hình trồng cam Cara với quy mô gần 5 ha tại hai xã: Trù Hựu và Tân Quang, huyện Lục Ngạn; Mô hình sử dụng túi bao trái cây ăn quả thực hiện tại các xã Quý Sơn, Phượng Sơn; mô hình tưới nhỏ giọt cho 1,5 ha cam ngọt tại thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang; mô hình trồng bưởi Diễn theo VietGAP tại xã Lương Phong Hiệp Hòa; mô hình sản xuất, chăm sóc bưởi Da xanh theo tiêu chuẩn VietGap tại gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải đạt hiệu quả cao, thuận lợi cho việc tiêu thụ, mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. ... Hệ thống khuyến nông ở Bắc Giang với lợi thế là lực lượng KNCS 100% có trình độ đại học trở lên hằng năm tổ chức 4-5 nghìn lớp tập huấn cho nông dân.  Các lớp tập huấn TOT về sản xuất cây có múi đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ tiểu giáo viên cấp tỉnh, huyện xã trở thành lực lượng tinh nhuệ, bám sát cơ sở giúp bà con nông dân canh tác cây có múi sản xuất hiệu quả. Các hoạt động thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên như phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Bắc Giang, trang thông tin điện tử khuyến nông, tuyên truyền qua đài truyền hình các huyện, qua loa truyền thanh xã, thôn... đem lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, hằng năm vào mùa quả cây có múi Trung tâm Khuyến nông mang sản phẩm cam, bưởi và các nông sản đặc trưng của tỉnh đi tham gia các triển lãm ở các tỉnh như Cao Phong (Hòa Bình), Hà Nội, Hải Phòng,... Diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi ở các tỉnh phía Bắc”  với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ, các nhà khoa học, các nhà quản lý, Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh... đạt kết quả tích cực, gây tiếng vang lớn. Thông qua các hoạt động khuyến nông, nông dân đã nắm được cơ bản quy trình canh tác, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, bước đầu hình thành các mô hình liên kết, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cây có múi, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, trong thực tế chỉ đạo phát triển sản xuất cây có múi của tỉnh vẫn đang gặp phải không ít những khó khăn và thách thức, như quy hoạch vùng, bà con nông dân phát triển vùng trồng vẫn theo phong trào, tự phát. Tỷ lệ cây giống sạch bệnh, chất lượng tốt đưa ra sản xuất đại trà còn thấp. Vấn đề canh tác, việc trồng và chăm sóc vẫn còn có nơi chưa đúng quy trình, chưa có tài liệu về canh tác cây có múi cho từng vùng sản xuất cụ thể. Nhiều hộ vẫn trồng theo tập quán và kinh nghiệm, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc hóa học. Việc tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ chưa chặt chẽ. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, mà chủ yếu thu gom nên khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều. 

Để cây có múi ở Bắc Giang phát triển bền vững cần tăng cường công tác khuyến nông thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền, tập huấn đào tạo... với phương châm: "Một người làm, nghìn người biết, vạn người làm theo". Áp dụng các biện pháp thâm canh và quản lý tổng hợp sâu bệnh hại để chống tái nhiễm bệnh trên đồng ruộng. Hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây có múi, dùng bẫy bả, hạn chế sử dụng thưốc bảo vệ thực vật. Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học. Điều chỉnh năng suất phù hợp với tuổi cây, sức cây tránh khai thác quá mức đẫn đến kiệt cây, làm cây yếu và dễ nhiễm các đối tượng dịch hại. Tập trung vào sản xuất sản phẩm chất lượng, sản xuất cam an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó ngành nông nghiệp cần chỉ đạo sản xuất cây có múi đảm bảo đúng theo quy hoạch, phát triển sản xuất thành vùng tập trung, kiểm soát chặt chẽ công tác chuyển đổi, trồng mới cây có múi tránh phát triển và mở rộng ồ ạt dẫn đến dư thừa. Thực hiện tốt công tác quản lý về giống cây ăn quả có múi trên địa bàn, đảm bảo nguồn giống tốt, chất lượng sạch bệnh. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình, áp dụng mở rộng sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tem nhãn có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để mỗi sản phẩm của Bắc Giang có đặc trưng riêng, nhãn hiệu riêng dễ nhận biết, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tập trung xây dựng và vận hành chuỗi liên kết sản xuất ở vùng sản xuất quy mô lớn. Tuyên truyền vận động nông dân tự tham gia các hình thức hợp tác liên kết như: Câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã,… Quan tâm công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đầu tư hạ tầng...

Bài: Lê Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên