Bắc Giang: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”
Lượt xem: 232  | Ngày đăng: 03/01/2022

Sáng 6/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”.

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu, trong đó 140 nông dân đến từ 5 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang và các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN). Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Bắc Giang chủ trì Diễn đàn.

Hiện nay, một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm (Hòa bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang,…). Tổng diện tích cây có múi của cả vùng Miền Bắc năm 2019 khoảng 103,3 nghìn ha; sản lượng đạt 894,5 nghìn tấn (chiếm 52,7% diện tích cam bưởi cả nước và bằng 48,7% sản lượng so với cả nước). Cùng với sự tăng trưởng về diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi nước ta đang đứng trước một số hạn chế, thách thức chủ yếu: Bộ giống cây chất lượng chưa cao, giá thành sản xuất cao kéo theo giá thành sản phẩm cao giảm sức cạnh tranh trên thị trường, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng ATTP.

Bắc Giang hiện có khoảng hơn 50,4 nghìn ha cây ăn quả. Trong đó, cây có múi đạt khoảng 10,8 nghìn ha; sản lượng trên 80 nghìn tấn. Năm 2013, diện tích cây có múi khoảng 1,8 nghìn ha, nay tăng lên hơn 10,8 nghìn ha; ước tính giá trị cây ăn quả có múi đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.

Việc trồng và phát triển mở rộng sản xuất, đa dạng hóa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã tận dụng và phát huy được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai của tỉnh. Trong những năm qua, phát triển cây có múi có giá trị trên địa bàn tỉnh được nhiều cấp ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm: Chương trình, Đề án, chính sách được ban hành: Chương trình phát triển sản xuất Nông nghiệp hàng hóa; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đối với vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh là huyện Lục Ngạn cũng xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đang xây dựng dự thảo Đề án xây dựng huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm Quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Diễn đàn @ nông nghiệp tại Bắc Giang chính là cơ hội giúp bà con trong tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực phía Bắc được tiếp cận, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các: chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, các hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng. Trong sản xuất cây có múi của Bắc Giang cũng như các tỉnh phía Bắc đang gặp không ít khó khăn, như: Việc quản lý theo quy hoạch và bản đồ số vùng sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn, nông dân phát triển vùng trồng theo phong trào, tự phát. Quản lý giống, vật tư đối với cây có múi còn nhiều bất cập, thiếu các nguồn giống sạch bệnh. Dịch bệnh vẫn xảy ra, việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến sinh thái nông nghiệp, môi trường, rút ngắn chu kỳ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chuỗi liên kết chưa nhiều và chưa bền vững… chính vì vậy tại Diễn đàn này tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc thông qua các chia sẻ của các chuyên gia các nhà quản lý và kinh nghiệm của các hộ sản xuất tiêu biểu tin chắc vụ trồng quả tiếp theo gặp nhiều thắng lợi.

Trong khuôn khổ diễn đàn các câu hỏi và ý kiến của các đại biểu.đều được các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp chia sẻ và thảo luận xung quanh chủ đề của Diễn đàn. Nhiều nhà vườn mang các mẫu cây, quả có múi bị bệnh đến Diễn đàn để đề nghị các nhà khoa học giải đáp, hướng dẫn cách phòng trừ. Trên tinh thần đó, các nhà khoa học trong Ban cố vấn đã dành phần lớn thời gian trả lời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý tốt chất lượng giống cây trồng; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi. Các cơ quan nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả cao, bền vững và thân thiện với môi trường. 

Các cơ quan, đơn vị chuyển giao cây giống, kỹ thuật… cần tăng cường xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả cao, an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn; xây dựng mô hình gắn với tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền với phương châm: “Một người làm, nghìn người biết, vạn người làm theo”. Ông Tiêu đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phải đóng vai trò là cầu nối gắn kết bà con với khoa học, công nghệ, kết nối người sản xuất với thị trường để có đầu ra bền vững. Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình mới, mô hình hiệu quả để bà con nông dân biết, học tập và làm theo.

Bài, ảnh: Minh Nga

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên