Việt Yên: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện nông thôn mới
Lượt xem: 217  | Ngày đăng: 03/01/2022

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, huyện Việt Yên đã thu được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Xây dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Công nghiệp, xây dựng thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tái cơ cấu nông nghiệp phát huy hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo nhiều chuyển biến tích cực khu vực nông thôn.

Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật

Tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 đạt gần 39 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,12% bằng 104,59% kế hoạch. Trong đó, nông- lâm nghiệp- thủy sản tăng trưởng 1,19%, bằng 20,59% kế hoạch… Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2019 đạt 120 triệu đồng/ha, tăng 47,9 triệu đồng/ha so với năm 2015, đạt 101% so với kế hoạch.

Việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả, diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 16 thôn thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích gần 836 ha, bằng 66% giai đoạn 2011-2015. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất thay thế các giống cũ có hiệu quả kinh tế thấp. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất an toàn tiếp cận với xu hướng kinh tế thị trường tạo nhiều bước chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn. Các vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với 80 ha các sản phẩm rau chủ lực, đặc trưng như ớt, dưa lê xanh, bí xanh, khoai lang tại các xã Quảng Minh, Trung Sơn, Việt Tiến; trên 30 ha vùng sản xuất cây dược liệu tại xã Minh Đức, Nghĩa Trung. Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng nhà lưới tại xã Việt Tiến, Tự Lạn, Minh Đức với các loại cây trồng đang được cấp chứng nhận VietGAP xây dựng thương hiệu rau quả Việt Yên, sản phẩm OCOP… Xây dựng được 12 cánh đồng mẫu lúa, rau màu với tổng diện tích 423,8ha…

Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ tăng số lượng chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết và hợp tác, đặc biệt liên kết theo chuỗi khép kín. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 239 cơ sở chăn nuôi lợn trên 100 con, tăng 193 cơ sở so với năm 2015 và 06 cơ sở chăn nuôi gia cầm trên 1000 con, tăng 20 cơ sở. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại và an toàn sinh học theo hướng VietGAP đạt 43%.

Nuôi trồng thủy sản hướng đến tạo sản phẩm an toàn. Tổng diện tích thủy sản là 1.107 ha tăng 87 ha so với năm 2015, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học đạt khoảng 350 ha. Hiện đã và đang cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 33 ha tại xã Nghĩa Trung và Thượng Lan…

Xây dựng NTM đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn nâng lên. Tháng 5 năm 2018, huyện Việt Yên có 17/17 xã đạt chuẩn NTM, được Thủ trướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu 2 năm. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu; 17 xã lựa chọn ít nhất 1 thôn để triển khai thực hiện thôn NTM kiểu mẫu, vượt 2 thôn so với kế hoạch tỉnh giao. Năm 2020, huyện phấn đấu xây dựng 1 xã NTM nâng cao và 4 thôn NTM kiểu mẫu.

Phấn đấu trở thành thị xã

Song song các ngành khác, Nông nghiệp huyện Việt Yên lựa chọn phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao trên nền tảng chuỗi liên kết 4 nhà. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao… hướng đến phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến vào top đầu của tỉnh… là mục tiêu phấn đấu của toàn huyện đến năm 2022, Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại IV; năm 2025, tiệm cận các tiêu chí trở thành thị xã.

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 24-25%. Trong đó, công nghiệp- xây dựng đạt 24-25%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,4-1,5%/năm; dịch vụ đạt 12-14%/năm. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng; số xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt 6 xã, 12 xã nông thôn mới nâng cao, mỗi năm mỗi xã ít nhất đạt 01 thôn nông thôn mới kiểu mẫu...

Để đạt được các tiêu chí trên ngành Nông nghiệp huyện Việt Yên cần rà soát, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác; xây dựng mô hình sản xuất thâm canh theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển nhóm sản xuất chủ lực và sản phẩm đặc trưng của huyện. Chuyển tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Đẩy mạnh hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực, kết nối nông nghiệp với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; Khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở các nhà khoa học trong và ngoài nước liên doanh, liên kết với địa phương chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: Hương Giang

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên