Tân Yên: Vải sớm Phúc Hòa – mở rộng thị trường tiêu thụ
Lượt xem: 725  | Ngày đăng: 02/01/2022

Vùng vải thiều Phúc Hòa, huyện Tân Yên bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, 80 ha vải thiều sớm Phúc Hòa sản xuất theo tiêu chuẩn Globalgap đủ tiêu chuẩn xuất vào thị trường Nhật Bản.

Bà Ngô Thị Thu Hiền, Giám đốc công ty cổ phần Ameii Việt Nam đánh giá, thị trường Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với hàng nông sản Việt Nam. Bởi đây là một thị trường dễ tính, tiêu thụ được hầu hết các mặt hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, chính sự dễ dãi đó nên trong nhiều năm, nông dân sản xuất theo kiểu xuề xòa, chưa chú trọng đến chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn cao hơn. Để nông sản Việt Nam đặc biệt là quả vải thiều có thể xuất vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Mĩ … đòi hỏi người trồng vải cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn. Theo đó, năm 2020 Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật đã thực hiện quy hoạch 80ha diện tích “Vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn Globalgap xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản” ở 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Trong đó, xã Phúc Hòa – huyện Tân Yên có 5ha vải chín sớm tham gia vào mô hình. Dự kiến vùng sản xuất vải 80ha này sẽ cung cấp 500 tấn vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Gia đình anh Ngô Văn Cường thôn Quất Du 2 – xã Phúc Hòa – huyện Tân Yên có 1ha vải U Hồng chín sớm tham gia vào mô hình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn Globalgap xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, vải của gia đình anh cũng chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch. Dự kiến năm nay sản lượng vải của gia đình anh Cường đạt khoảng 18 tấn, với giá bán 27.000 đồng/kg (theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Ameii Việt Nam) thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Sản xuất vải đạt tiêu chuẩn Globalgap không khó vì gia đình đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên 10 năm nay rồi, giờ chuyển sang tiêu chuẩn mới gia đình tôi cũng không lạ lắm, làm cẩn thận quen rồi” anh Cường vui vẻ cho biết.

Cùng với đó, bảo quản tươi quả vải theo công nghệ Israel đã được lắp đặt tại huyện Lục Ngạn để phục vụ công tác xử lý bảo quản khi xuất sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu bắt buộc của thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Cục BVTV, hỗ trợ các công ty lắp đặt xong hệ thống xông hơi khử trùng trong bảo quản vải, công nghệ này có thể đạt công suất 2 tấn/lần xông hơi, khử trùng 3 giờ/1 lần. Nhật Bản là thị trường khá thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu vải sang, bằng đường hàng không tầm 4 giờ, với đường biển từ 9-11 ngày trong khi thời gian bảo quản quả vải hiện nay được trên 3 tuần.

Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật – Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho rằng, việc tìm đến các thị trường mới ngoài Trung Quốc thì nông sản Việt nói chung và quả vải thiều Bắc Giang nói riêng cần phải đẩy mạnh sản xuất đạt các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn. Mô hình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn Globalgap tại Tân Yên và Lục Ngạn sẽ đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính: Nhật Bản, Mỹ, EU,… Đủ tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản thì chắc chắn đủ tiêu chuẩn vào các nước trên thế giới.

Bài, ảnh: Minh Nga

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên