Việt Yên: Nông dân xã Tiên Sơn với công tác Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 281  | Ngày đăng: 03/01/2022

Những năm trở lại đây, một số người dân thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng sang nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, việc thay đổi chưa tạo ra hiệu quả do bà con nông dân nơi đây vẫn chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật sâu để đưa nghề nuôi cá nước ngọt phát triển "bứt phá". Chính vì vậy, khi UBND xã phối hợp cùng Trung tâm KN tuyển sinh lớp Đào tạo nghề Nuôi cá nước ngọt trong ao cho lao động nông thôn trong xã đã có rất nhiều bác trong thôn đăng kí tham gia học tập.

Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhã, gia đình ông hiện thả hơn 3.000 con cá giống các loại bao gồm 1.000 cá trắm, gần 1.000 chép, còn lại là các loại cá mè, trôi, rô phi... trên diện tích mặt nước trên 1.200 m2. Tháng trước, ao cá giống của ông có biểu hiện cá chết rải rác, ông tìm đủ mọi cách xử lý nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Sau khi được thông báo về lớp đào tạo nghề về nuôi cá ông đã viết đơn đăng kí tham gia học. Ngay buổi học đầu tiên, ông đã nêu ra biểu hiện tại ao cá nhà mình và được giảng viên tham gia giảng dạy trực tiếp về tại ao nuôi mổ khám và test thử độ PH cũng như nồng độ oxy trong ao nuôi và biết được cá tại ao nhà mình chết là do môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Sau khi nghe tư vấn, ông đã mua vôi về hòa nước té khắp mặt ao kết hợp với mua một số loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cá nên sau đó tình trạng cá chết đã không còn. Ông Nhã chia sẻ, lớp học giúp ông nắm được thêm nhiều kiến thức mới, qua đó vừa áp dụng tại gia đình mình, ông vừa truyền đạt lại cho những hộ dân nuôi cá nhưng không có thời gian đi học. Qua quá trình học, ông thấy rằng nuôi cá giống cũng như nuôi cá thương phẩm, quan trọng nhất là phải đảm bảo được môi trường nước không bị ô nhiễm nhằm tránh dịch bệnh lây lan, khi phát hiện dịch bệnh cần phải tìm cách điều trị để tránh “mất trắng”. Sau khi được giảng viên tư vấn, ông đã chú ý đến môi trường nước và mua vôi về dự trữ trong nhà để khi màu nước có sự bất thường thì nên hòa vôi vào nước và té khắp mặt ao, điều này sẽ phần nào hạn chế được mầm bệnh.

Chia tay ông Nhã, chúng tôi sang nhà ông Trần Văn Khải cùng thôn, ông cũng là một trong những học viên tham gia khóa đào tạo nghề Nuôi cá nước ngọt trong ao do Trung tâm KN tổ chức. Nhà ông thả gần 4.000 con cá giống các loại gồm trên 1.000 con cá trắm, trên 1.000 con cá chép, còn lại là các loại cá mè, trôi... Rót nước mời chúng tôi, ông cho biết, trước đây, ao của ông là đất ruộng chỉ dùng để cấy lúa nên hiệu quả kinh tế không cao do năng suất lúa không ổn định nên năm 2003 ông mạnh dạn chuyển đổi sang đào ao thả cá. Ban đầu ông thả cá thương phẩm, mỗi năm cũng thu được gần 3 tấn cá thương phẩm các loại, đem về thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm 2017, ông cũng thu được hơn 2 tấn cá thương phẩm nhưng vì là năm không được giá nên ông chỉ thu được hơn 60 triệu đồng. Vì vậy, năm nay ông chuyển sang nuôi cá giống để tránh mất giá. Ông cho biết, đối với nghề nuôi cá, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, trung bình 1 tháng ông vãi vôi sát trùng ao 1 lần, phải thường xuyên kiểm tra và nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cá để chăm sóc cho cá đạt trọng lượng cũng như chất lượng cao nhất. Tuy vậy, nhiều lúc cá bị bệnh, ông vẫn loay hoay trong việc tìm cách xử lý. Nay thấy xã cũng như tỉnh tạo điều kiện mở lớp học nghề nuôi cá nên ông rất phấn khởi đăng kí tham gia. Qua hơn nửa thời gian học trên lớp, ông đã nắm được thêm nhiều kinh nghiệm nuôi và phòng trị bệnh cho các loại cá nước ngọt để sang năm mở rộng quy mô nuôi cá tại gia đình mình.

Khóa đào tạo nghề Nuôi cá nước ngọt trong ao do Trung tâm KN phối hợp với UBND xã Tiên Sơn tổ chức đã kết thúc và được bà con nông dân nơi đây nhiệt tình đón nhận. Mong rằng sau khóa đào tạo nghề này, các hộ dân trong thôn Kim Sơn và xã Tiên Sơn sẽ có thêm kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển kinh tế tại hộ gia đình nhà mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Khương

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên