Yên Thế: Lãi 500-550 triệu đồng từ nuôi gà thả vườn
Lượt xem: 746  | Ngày đăng: 02/01/2022

Với bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Lăng Văn Liệu ở thôn La Thành xã Tiến Thắng huyện Yên Thế đã thành công cao với mô hình nuôi gà thả vườn thương phẩm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó. Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Anh Liệu, chị Hường biết tận dụng tán cây vải thiều làm bóng mát để chăn thả gà đồi. Từ một hộ nghèo, sau 10 năm chăn nuôi kinh tế gia đình đã trở nên khá giả và tiến tới làm giầu. Anh Liệu kể, sau khi kết hôn, vợ chồng anh được bố mẹ cho hơn 1 ha diện tích đồi trọc để trồng vải mục đích phủ xanh đất trống đồi núi chọc. Tận dụng diện tích đồi vải, vợ chồng anh đầu tư chăn thả gà đồi để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1998, nhờ nguồn vốn từ ngân hàng, vợ chồng anh được vay với số tiền là 5 triệu đồng đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu anh nuôi với số lượng ít từ 100 đến 200 con. Nhận thấy chăn thả gà đồi mang lại hiệu quả kinh tế nên anh chị mở rộng quy mô từng năm. Hiện, trang trại của vợ chồng anh Liệu có 6 chuồng nuôi, thường xuyên duy trì khoảng 6.000 con gà Ri lai và nuôi theo phương pháp gối vụ. Trung bình 1 năm anh xuất bán khoảng 12 lứa, mỗi 1 lứa thời gian nuôi gần 4 tháng, gà đạt trọng lượng khoảng 2,5 kg. Với giá gà hiện tại 58-60 nghìn đồng/1 kg, trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng/1 nghìn gà. Một năm trung bình anh duy trì tổng đàn trên 2 vạn con, tương đương với tiền lãi 500-550 triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết thành công, chị Hường – vợ anh nói: “Điều quan trọng để chăn nuôi gà thả vườn đạt hiệu quả kinh tế cao là phải đảm bảo công tác vệ sinh luôn sạch sẽ bằng cách sử dụng đệm lót sinh học, khử trùng định kỳ và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thông thoáng, 100% số gà khi mới nhập về đều được anh tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y, đặc biệt là vaccine phòng cúm A/H5N1. Sau mỗi lứa gà cần để chuồng trống 2 tháng trở lên nhằm tiêu diệt, ngăn chặn các mầm bệnh tồn tại trong đất”. Theo anh Liệu, ưu điểm của chăn gà thả đồi so với chăn nuôi nhốt lồng kiểu công nghiệp là chất lượng của sản phẩm. Thời gian đầu là nuôi cám hỗn hợp, sau 30 ngày tuổi bắt đầu cho gà ăn cám ngô là chính kết hợp với rau cỏ, giun dế trong vườn nên chất lượng thịt của gà đồi bao giờ cũng hơn hẳn so với nuôi nhốt theo kiểu công nghiệp, do đó thịt thơm chắc, người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của vợ chồng anh, trong những năm qua anh Lăng Văn Liệu đã được TW Hội nông dân Việt Nam tặng bằng khen về sản xuất kinh doanh giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp và là một đại diện tiêu biểu cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Yên Thế về nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Minh Nga

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên