Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Liên kết phát triển quy mô lớn, hỗ trợ mô hình nhỏ lẻ
Lượt xem: 243  | Ngày đăng: 03/01/2022

Sau 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến nay đàn vật nuôi đã có sự tăng trưởng nhanh, chất lượng con giống được nâng lên, phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và tăng chăn nuôi quy mô trang trại.

Kết quả toàn diện

Xác định chăn nuôi có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của ngành sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, các cấp, ngành đã vào cuộc tích cực chỉ đạo phát triển toàn diện. Hiện, tổng đàn bò có sự tăng trưởng khá nhanh về số lượng và chất lượng với hơn 140 nghìn con; đàn trâu trên 47 nghìn con; đàn gia cầm 16 triệu con. Riêng về chăn nuôi lợn do giá cả thị trường có sự sụt giảm sâu nên tổng đàn cũng giảm theo, nhưng đến nay trở lại ổn định bình thường với gần 1,1 triệu con.

Từ năm 2014, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng con giống bằng việc đưa các giống ngoại bổ sung vào cơ cấu thông qua đội ngũ dẫn tinh viên ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò; hàng năm cung ứng trên 3.700 con lợn ngoại giống bố mẹ, 100 nghìn liều tinh lợn ngoại, 20-25 triệu gia cầm giống, trên 50 nghìn liều tinh trâu, bò, đáp ứng 40% nhu cầu thay thế bổ sung đàn lợn nái, 50% nhu cầu phối tinh đàn lợn, 30% nhu cầu con giống gia cầm, phối tinh nhân tạo cho 50% đàn bò sinh sản trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, HTX đều đã thực hiện nghiêm việc công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng con giống, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học, bình tuyển đánh giá chất lượng giống cuối năm. Năm 2017 Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo triển khai thực hiện tốt “Đề án nâng cao chất lượng giống gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020” đã góp phần tạo ra trên 10 triệu con gà giống thương phẩm đảm bảo chất lượng cung ứng cho người chăn nuôi; thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ với 10 nghìn liều tinh bò cao sản ngoại nhập, 95,6 nghìn liều tinh lợn ngoại… Từ đó làm phong phú cơ cấu giống vật nuôi của tỉnh với chất lượng con giống được bảo đảm đến người chăn nuôi.

Phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung, tăng số vòng quay chăn nuôi. Từ 543 trang trại năm 2014 tăng lên 700 trang trại vào cuối năm 2017; đàn vật nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò ít biến động về số lượng nhưng chất lượng ngày càng được nâng cao với 45% tỷ lệ đàn lợn nhiều nạc, tăng 5% so với năm 2014, 73% tỷ lệ bò lai Zebu so với năm 2014 là 60%. Loại vật nuôi được phát triển tương đối đa dạng theo lợi thế vùng. Mô hình chăn nuôi theo VietGAHP, an toàn sinh học ngày càng nhân rộng, chiếm khoảng 30% tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các hình thức liên kết như tổ hợp tác, HTX, liên kết chăn nuôi gia công với doanh nghiệp, liên kết chuỗi được hình thành và ngày càng thu hút nhiều hộ chăn nuôi tham gia, chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, điển hình là tại Sơn Động tập đoàn Hòa Phát đầu tư chăn nuôi công nghệ cao với quy mô trên 25 nghìn con lợn, tại Hiệp Hòa có HTX Trường Thành chăn nuôi lợn hữu cơ với 160 nái, 600 lợn thịt/lứa. Chăn nuôi công nghệ cao và chăn nuôi hữu cơ ngày càng khẳng định về giá trị gia tăng và chiếm lĩnh thị trường nội địa, là hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Nhờ vậy, đến nay sản lượng thịt hơi các loại đạt 137 nghìn tấn, giá trị sản xuất các ngành hàng chăn nuôi đều tăng cao so với năm 2014. Cụ thể là ngành hàng chăn nuôi gia cầm sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu tăng 10,6%, tương đương trên 3,3 nghìn tỷ đồng; giá trị chăn nuôi lợn đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng; chăn nuôi gia súc ăn cỏ đạt trên 297 tỷ đồng.

Chú trọng tăng chất lượng, chăn nuôi quy mô lớn và hỗ trợ mô hình nhỏ lẻ

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi còn bộc lộ một số hạn chế về các giải pháp thực hiện chưa đồng bộ, cơ quan liên quan chưa có kế hoạch cụ thể, nhiều địa phương thực hiện còn chậm, công tác dự báo, dự tính thị trường còn chưa chính xác… Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp vào lĩnh vực chăn nuôi. Tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng sản xuất cung ứng giống vật nuôi. Tổ chức theo hướng hợp tác liên kết chặt chẽ trong chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ chế biến, sản phẩm trong chăn nuôi. Phối hợp với ngành, địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, giảm khâu trung gian, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Giai đoạn 2018-2020 tỉnh chú trọng chỉ đạo phát triển chăn nuôi giữ ổn định về số lượng đàn vật nuôi nhưng tăng về chất lượng sản phẩm và số vòng quay (lứa nuôi), tăng sản lượng sản phẩm xuất bán đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn tập trung bảo đảm an toàn sinh học, đồng thời quan tâm đầu tư hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cải thiện tình hình chăn nuôi hiện tại, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

Triển khai các mô hình khuyến nông chăn nuôi theo hướng thâm canh, quay vòng cao; lai tạo đàn gia súc, gia cầm chất lượng tốt; đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến người chăn nuôi. Tuyên truyền người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động kinh phí, thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến bất thường của thời tiết và dịch bệnh, khuyến khích chăn nuôi trang trại và chăn nuôi tập trung có kiểm soát.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 đàn trâu 45 nghìn con, đàn bò 135 nghìn con, đàn lợn 1,3 triệu con, đàn gia cầm 18 triệu con, riêng đàn là trên 15 triệu con, trong đó tập trung vào hai đối tượng chính là chăn nuôi lợn và gà thả vườn; có 460 trang trại chăn nuôi lợn; 280 trang trại chăn nuôi gà; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 275 nghìn tấn các loại.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên