Yên Dũng: Chuyển biến sau gần 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Lượt xem: 249  | Ngày đăng: 03/01/2022

Sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Dũng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng giá trị gia tăng; hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch; xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thị theo chuỗi giá trị.

Kế hoạch, chính sách hỗ trợ

Ngay khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào tháng 12/2014, lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng đã kịp thời tập trung chỉ đạo, thực hiện các kế hoạch, chương trình trọng tâm như Kế hoạch số 37/KH-UBND về dồn điền, đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu giai đoạn 2014-2016; Kế hoạch số 11/KH-UBND về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 28/KH-UBND về mở rộng các mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020; Đề án số 01/ĐA- UBND về Xây dựng mô hình điểm vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Dũng; Đề án xây dựng nông thôn mới.

Rau sạch Yên Dũng hiện có đầu ra sản phẩm ổn định tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh

UBND huyện rà soát các chỉ tiêu quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung cụ thể hóa một số quy hoạch sản phẩm chủ lực như vùng lúa hàng hóa, lúa chất lượng, cây rau màu chế biến, rau an toàn; quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung; quy hoạch khu giết mổ… Đặc biệt huyện có 9 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng CNC giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt gồm 04 vùng sản xuất rau ứng dụng CNC tại các xã Tiến Dũng 100 ha, liên xã Cảnh Thụy – Tư Mại 100 ha, xã Đức Giang 100 ha và liên xã Đồng Việt – Đồng Phúc 100 ha; 05 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Lão Hộ 30 ha, Xuân Phú 50 ha, Đồng Việt 30 ha, Đồng Phúc 40 ha và Tiến Dũng 20 ha.

Cùng đó nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành như hỗ trợ giá giống lúa chất lượng, lúa hàng hóa; hỗ trợ mô hình sản xuất rau an toàn tập trung; mô hình cánh đồng mẫu; vùng nuôi cá thâm canh, nuôi cá an toàn sinh học và nuôi theo VietGAP; hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; cứng hóa giao thông nội đồng, kiến cố hóa kênh mương và hệ thống điện phục vụ sản xuất tại các vùng tập trung…

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn liên kết tiêu thụ

Triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị làm nên bức tranh sản xuất nông nghiệp huyện Yên Dũng với nhiều khởi sắc. Một số giống lúa truyền thống năng suất thấp được thay bằng giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, Nàng xuân… đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, sử dụng phương pháp gieo cấy mới SRI, gieo sạ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2017, tổng diện tích lúa toàn huyện đạt trên 14.600 ha; năng suất bình quân trên 57 tạ/ha, tăng 3,6 tạ so với năm 2013; sản lượng trên 84 nghìn tấn; tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích lúa chất lượng khoảng 8.900 ha, tăng hơn 4.100 ha so với năm 2013 và chiếm gần 61% tổng diện tích lúa. Năng suất lúa chất lượng ổn định từ 55-56 tạ/ha, sản lượng trung bình trên 48 nghìn tấn, giá trị thu nhập trên 1 ha lúa hàng hóa cao hơn lúa thường từ 5-6 triệu đồng, chất lượng gạo thơm ngon được thị trường ưa chuộng, đặc biệt hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại các xã Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Việt, Đức Giang, Tiến Dũng… Năm 2017, tỷ lệ cơ giới hóa bình quân trên địa bàn huyện đạt 65-70%, trong đó sản xuất lúa khâu làm đất 100%, khâu thu hoạch 80%, chăm sóc 30-40% sử dụng các loại máy phun thuốc BVTV, hệ thống tưới chủ động.

Gạo thơm Yên Dũng là một trong ba sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng đang vươn xa trên thị trường tiêu thụ

Hàng năm duy trì 2.500 ha cây rau màu; trong đó tập trung chỉ đạo mở rộng sản xuất rau màu chế biến, an toàn theo VietGAP, đến nay đạt 250 ha; có được vùng liên kết sản xuất khoai tây chế biến tập trung tại xã Tư Mại quy mô 50 ha, xã Đức Giang 20 ha, xã Yên Lư 35 ha… Bước đầu hình thành mô hình sản xuất rau ứng dụng CNC tại xã Tiến Dũng quy mô 30 ha, mô hình ứng dụng CNC tại xã Cảnh Thụy với quy mô nhà màng hơn 2.880 m2, mô hình ứng dụng CNC tại xã Trí Yên quy mô nhà màng hơn 2.100 m2. Ngoài ra đã chỉ đạo thực hiện 03 mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Đồng Việt, Xuân Phú, Cảnh Thụy với quy mô trên 10 ha. Thành công của mô hình điểm về cánh đồng mẫu lớn tại xã Cảnh Thụy và Tư Mại năm 2012 đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu thực hiện đến nay là 35 cánh đồng với tổng diện tích trên 1.200 ha. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và luân canh cây trồng hợp lý nên đến năm 2017 giá trị sản xuất/ha đất canh tác của huyện Yên Dũng đạt trên 106 triệu đồng, tăng hơn 22 triệu đồng so với năm 2013.

Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong Tái cơ cấu, đặc biệt chú trọng đến tái cơ cấu trong hình thức sản xuất. So với năm 2013, năm 2017 tổng đàn vật nuôi của huyện đều tăng với đàn lợn gần 81 nghìn con, tăng hơn 8 nghìn con; đàn trâu, bò hơn 11.500 con, tăng hơn 1.400 con; đàn gia cầm, thủy cầm 766 nghìn con, tăng 138 nghìn con; tỷ lệ bò lai Sind, Zebu gần 94%, tăng gần 9%; sản lượng thịt xuất chuồng đạt hơn 16 nghìn tấn, tăng hơn 4.600 tấn. Các hộ chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi trang trại, 80% số hộ nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Trên địa bàn huyện có trên 20 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt có lắp đặt hệ thống làm mát, sưởi ấm, ánh sáng và hệ thống máng ăn, máng uống tự động, mỗi năm có thể cung cấp ra thị trường trên 120 nghìn con gà, trên 20 nghìn con vịt và trên 52 nghìn con lợn. Trong chăn nuôi tái cơ cấu hình thức bắt đầu hình thành các hình thức liên kết sản xuất như doanh nghiệp liên kết với các hộ dân cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh là chủ yếu. Năm 2017 toàn huyện có 1.100 ha nuôi trồng thủy sản, so với năm 2013 diện tích tăng 33 ha; tổng sản lượng đạt gần 4.600 tấn, tăng 787 tấn.

Ngành chế biến nông, lâm sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Một số sản phẩm chế biến đặc thù của huyện đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa vươn ra thị trường như gạo thơm Yên Dũng, Tương Trí Yên, rau sạch Yên Dũng.

Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nhiều thôn, xã. Đến nay 100% số xã có đường nhựa, bê tông; thu nhập bình quân/năm của người dân nông thôn đạt 36 triệu đồng, tăng gần 18 triệu đồng/người/năm so với năm 2013. Dự kiến đến năm 2018 toàn huyện có 11/19 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 58% tổng số xã; số tiêu chí đạt bình quân chung đạt 15,9 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để đẩy mạnh kinh tế tập thể, kinh tế HTX phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, phát triển ngành nghề, kinh doanh… Toàn xã hiện có 36 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 54 trang trại sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn mới gồm 35 trang trại chăn nuôi, 06 trang trại nuôi trồng thủy sản và 13 trang trại kinh doanh tổng hợp.

Nhờ vậy hết năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 1.215 tỷ đồng, tăng trên 150 tỷ đồng so với năm 2013.

Giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Dũng còn gặp một số khó khăn như tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng; sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ; HTX, trang trại điển hình còn hạn chế; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; chương trình xây dựng NTM ở một số xã còn hạn chế; vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo…

Xác định Tái cơ cấu ngành là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nên cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và bà con nông dân. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện Yên Dũng đạt 4,5-5%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất ngành chiếm 16-15%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 80 nghìn tấn/năm; giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 130-135 triệu đồng/ha/năm. Tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa chất lượng, rau sạch Yên Dũng, Tương Trí Yên.

Theo đó các cấp, ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Rà soát các chỉ tiêu quy hoạch, tập trung cụ thể hóa một số quy hoạch sản phẩm chủ lực. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, giao thông, thủy lợi nội đồng. Đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tuyên truyền và khuyến khích thành lập mới HTX, các tổ đội sản xuất, HTX liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hoặc liên kết một số khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi xã lựa chọn 2-3 cây, con chủ lực để ưu tiên chỉ đạo phát triển.

Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ…

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên