Rải vụ na dai Lục Nam
Lượt xem: 209  | Ngày đăng: 03/01/2022

Những năm trước về huyện Lục Nam thời điểm này khó có thể gặp được các chủ vườn bởi mùa na nhộn nhịp nhưng năm nay nhiều nhà vườn đã kết thúc vụ thu hoạch lứa na thứ nhất, thứ hai và đang tiến hành chăm sóc cho lứa na tiếp theo thu hoạch vào tháng 11 âm lịch.

Quả ngọt giá cao

Khác với nhiều loại nông sản như vải, nhãn, dứa… rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” thì năm nay na được đánh giá là mặt hàng có giá bán cao và giữ giá ổn định cho đến thời điểm này.

Cuối tháng 8, chúng tôi về Chợ na ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn thấy cảnh bà con tấp nập mua bán na, ai nấy đều phấn khởi vì một năm được mùa được giá. Hai tay thoăn thoắt xếp na vào thùng, anh Phùng Văn Lũy chia sẻ, những năm trước từ đầu tháng 8 dương lịch trở ra, na chín rộ nhiều, thương lái về mua đông nhưng năm nay na gần như cuối vụ, còn ít chỉ đủ phục vụ tư thương Hà Nội là chủ yếu. Nguyên nhân là do nhà vườn đã biết cách tỉa cành bấm ngọn, thụ phấn và chăm sóc na cho chín rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch tăng từ 2-3 tháng. Nếu trước đây thu hoạch na khoảng hơn 1 tháng thì nay kéo dài đến hơn 4 tháng.  “Trong khi đó chất lượng quả vẫn ngọt sắc vị đặc trưng của na dai Huyền Sơn nên giá luôn ổn định ở mức cao, bán buôn dao động mỗi cân từ 25-35 nghìn đồng/ 1kg loại 5-6 quả, đầu vụ lên tới 40-45 nghìn đồng, tăng gần 10/kg so với năm ngoái.” – anh Lũy nói.

Kỹ thuật này do người dân địa phương tự mày mò, tìm hiểu rồi học hỏi nhau qua kinh nghiệm từng năm. Theo đó, khi cây na chuẩn bị cho thu hoạch quả lần 1 vào cuối tháng 6 dương lịch tiến hành cắt bỏ những cành không hoa, để cây ở mức khoảng 1,5-1,8 m; khoảng 1 tháng sau trên thân những cành cắt này sẽ cho hoa, chủ vườn thực hiện thụ phấn cho hoa vừa lúc lứa quả lần 1 cho thu hoạch. Công việc này làm kéo dài đến gần Tết dương lịch (tháng 11 âm lịch), mỗi lần cách nhau 1 tháng. Do vậy, chủ vườn phải là người chăm chỉ, tỉ mỉ và yêu nghề thì cây sẽ cho năng suất quả cao.

Ông Quang thực hiện cắt tỉa cành không hoa, quả nhỏ năng suất thấp giúp tạo độ thông thoáng cho cây

Phát triển chỉ dẫn địa lý

Ông Bùi Văn Quang – Giám đốc Hợp tác xã na dai Lục Nam cho biết, đặc sản na dai chủ yếu sản xuất ở các xã Huyền Sơn, Đông Phú và Nghĩa Phương nhưng nhiều nhất ở xã Huyền Sơn với 3 thôn Khuyên, Văn Giang và Giếng Giang, tổng diện tích khoảng 130 ha, trong đó 110 ha Hợp tác xã đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện làm chỉ dẫn địa lý.

Na dai Lục Nam có ưu điểm vị ngọt sắc, quả to, mã trắng có thể giữ được thời gian 1 tuần nên thương lái ưa chuộng. Toàn huyện có hơn 1.700 ha na với 70% số hộ dân áp dụng thành công kỹ thuật chăm sóc na rải vụ, trung bình mỗi năm cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 12.000 tấn quả, năng suất cao hơn từ 1,2-1,5 lần và giá trị kinh tế tăng gấp đôi so với trước đây.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian tới huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc na an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm; quy hoạch và mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; nhân rộng kỹ thuật chăm sóc na rải vụ nhằm ổn định đầu ra sản phẩm; phấn đấu hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai Lục Nam trong năm nay – ông Đặng Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

 

 

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên