TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương) cũng là một trong những vùng chè nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, các hộ dân đã mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Mô hình sản xuất chè trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Đinh Quốc Văn đã mang lại kết quả khả quan.
Anh Đinh Quốc Văn sinh năm 1976 tại xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Gia đình anh hiện có hơn 1 ha chè, chủ yếu là các giống chè cành như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và Kim Tuyên.
Trước đây mỗi năm gia đình anh chỉ thu hoạch 6 -7 lứa chè chính vụ (từ tháng 3 – tháng 10 hàng năm). Năm nào thời tiết thuận lợi, không giá rét được thu thêm 1 – 2 lứa chè đông. Giá bán chè trái vụ cao hơn chè chính vụ từ 1,5 đến 2 lần, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ chè tăng cao.
Để chủ động sản xuất chè vụ đông tăng thu nhập cho gia đình, qua tìm hiểu nhận thấy nhiều hộ nông dân áp dụng nhà kính để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, lại vốn đam mê áp dụng khoa học kỹ thuật nên anh Văn quyết tâm đầu tư thử nghiệm nhà kính tại vườn chè gia đình mình.
Năm 2014, tận dụng tre, nứa tại vườn nhà, anh mua màng nilon làm dàn che cho chè, diện tích ban đầu chỉ 200 m2. Có kinh nghiệm chăm sóc chè, diện tích chè được che phủ nilon đã tránh được thời tiết giá lạnh nên phát triển tốt. Mùa đông năm đó gia đình anh thu thêm 2 lứa chè trái vụ. Năm 2015, gia đình anh mở rộng diện tích nhà kính lên 700 m2.
Anh Văn cho biết, sản xuất chè trong nhà kính có rất nhiều ưu điểm như ở điều kiện thời tiết mùa đông trong nhà kính vẫn đảm bảo được nhiệt độ thích hợp cho cây chè; bảo đảm ánh sáng, tránh được sương muối ảnh hưởng đến búp chè; hơn nữa trong nhà kính độ ẩm của đất được giữ tốt hơn nên giảm được lượng nước tưới cho cây… Đặc biệt nhà kính ngăn cản bị côn trùng, sâu bệnh xâm nhập, phá hoại nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với sản xuất chè thông thường.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm chè, anh Văn vận động bà con trong vùng đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất chè an toàn, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Cuối năm 2015 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương do anh Đinh Quốc Văn là tổ trưởng được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) cho 26 hộ dân, với diện tích 10 ha chè. Cở sở sản xuất chè gia đình anh Văn đảm nhận thu mua, chế biến, tiêu thụ chè của các tổ viên tổ hợp tác chè an toàn. Hiện tổ hợp tác đang làm thủ tục xin gia hạn chứng nhận trong 2 năm tiếp theo.