TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Sau gần bốn năm nuôi lươn, anh Trần Quang Đạo (phường 12, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu) đã làm chủ được quy trình nuôi lươn trong bể lót bạt, các đợt nuôi có tỷ lệ
sống ổn định luôn ở mức trên 70%, thu lãi nửa tỷ đồng/năm.
Đúng hẹn chúng tôi đến cơ sở nuôi lươn trong bể bạt của anh Đạo nằm sâu trong con hẻm nhỏ, đường 2/9, thành phố Vũng Tàu. Vừa làm vệ sinh cho các bể nuôi lươn anh Đạo vừa bộc bạch, lúc này nuôi lươn đã thành một nghề làm kinh tế chính của gia đình. Trước khi bắt tay vào đầu tư nuôi lươn hầu như anh không biết gì về kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt. Làm nghề lái xe lâu năm nhưng cuộc sống vẫn hoài khó khăn. Tình cờ nhận chở một chuyến xe lươn thương phẩm từ miền tây về Sài Gòn. Qua trao đổi với chủ hàng anh cảm thấy nghề nuôi lươn có vẻ phù hợp với bản thân, rồi anh lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt, tìm số điện thoại gọi nhờ tư vấn kỹ thuật từ các chủ trang trại cung cấp giống. Đầu năm 2019, anh Đạo thống nhất với gia đình tạm gác nghề lái xe, xây dựng cơ sơ nuôi lươn với 3 bể, mỗi bể có diện tích 6m2. Khởi nghiệp từ một nghề lạ nên không dám mạo hiểm, anh Đạo chỉ đặt mua 3.000 con lươn giống (cỡ giống 500 con/kg), giá mỗi con 4.000 đồng về thả nuôi trong một bể. Vừa nuôi anh Đạo vừa học hỏi, rút kinh nghiệm chăm sóc. Sau hai tháng, đàn lươn phát triển tốt, anh phân cỡ và san ra nuôi ba bể. Thấy lươn lớn nhanh, không hao hụt, anh quyết định mở rộng số lượng bể nuôi.
Nhà ở thành phố diện tích đất không có nhiều ngoài phần đất xây căn nhà, phần còn lại khoảng 120m2 anh thiết kế khung sắt, lót bạt chia thành 22 bể nuôi. Mỗi bể có diện tích từ 3 - 6m2, có mái che bằng tôn. “Bể nuôi làm bằng khung sắt lót bạt nên chi phí thấp hơn nhiều so với bể xây lót gạch men”, anh Đạo chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi anh Đạo cho biết nguồn nước nuôi lươn tại cơ sở sử dụng nước ngầm (có pH từ 7,2 - 7,5 ổn định quanh năm), bơm vào bể lọc (có đá, cát và đá nâng pH), chảy vào bể lắng sau đó chuyển về các bể nuôi. Con giống thả nuôi được mua từ các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang. Biết rõ nguồn gốc, đúng cỡ, biết ăn thức ăn công nghiệp dạng viên. Giai đoạn đầu, ngày cho ăn 2 - 3 lần, thức ăn có độ đạm 45%. Khi lươn đạt cỡ 20 - 30con/kg, ngày cho ăn 1 lần. Lúc này sử dụng thức ăn có độ đạm 35%. Ngoài thức ăn, định kỳ sử dụng Vitamin C, men tiêu hóa, các loại khoáng để tăng sức đề kháng và ổn định đường ruột cho lươn. Khi lươn sắp đến kỳ thu hoạch (khoảng 2 tháng cuối) sử dụng thức ăn viên Lái Thiêu (Bình Dương) (chuyên dùng cho cá trê vàng) để tạo màu cho lươn. Để lươn phát triển tốt và không xảy ra dịch bệnh hàng ngày thay nước hai lần. Một lần vào buổi sáng và một lần sau khi cho lươn ăn khoảng 1 giờ. Luôn giữ cho lươn ổn định nằm quần đàn trong giá thể. Khi lươn đạt cỡ 50 - 70 con/kg tiến hành phân cỡ tách đàn tránh lươn cắn nhau và cạnh tranh thức ăn.
Sau 4 năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, anh đã làm chủ được quy trình nuôi lươn theo phương pháp vệ sinh thay nước hàng ngày, không sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh mà chỉ sử dụng men vi sinh bổ sung để kích thích tiêu hóa cũng như tăng sức đề kháng cho lươn. “Hiện đàn lươn nuôi trong các bể có khoảng 40.000 con đủ kích cỡ. Trong đó có khoảng 5 tấn lươn thương phẩm cỡ 3 - 4 con/kg đang cho thu hoạch. Nuôi lươn thả con giống cuốn chiếu, không thả cùng một lúc. Trong năm chia làm 5 lần thả giống, mỗi lần thả 10.000 con. Vì vậy mà cơ sở có nhiều kích cỡ lươn. Thời gian này giá lươn đang thấp khoảng 120.000 đ (trước đây giá lươn có lúc lên đến 160.000 đ/kg). Với giá này, sau khi trừ chi phí mua con giống, thức ăn và các chi phí khác, mỗi tấn lươn thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Một năm cơ sở thu được khoảng 10 tấn lươn thương phẩm, lợi nhuận tương đương 500 triệu đồng./.
Trọng Hoàng - TTKN Bà Rịa - Vũng Tàu