TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Người trồng quế xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai không còn loay hoay với sổ sách, không cần những lần “hô hào” khuyến cáo người trồng quế thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế của trưởng nhóm. Bây giờ chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có thể quản lý cả chục có khi đến cả trăm hecta quế.
Cụm từ “chuyển đổi số” hay “ứng dụng thông minh” không còn xa lạ với người dân trồng quế nơi đây. Người dân vùng quế Liêm Phú không còn bỡ ngỡ khi sử dụng những ứng dụng thông minh trên điện thoại áp dụng vào sản xuất. Họ thuần thục những thao tác trong hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS (nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp).
Những cánh rừng trồng các loại cây khác của Liêm Phú nay được phủ xanh với trên 500 ha quế, không chỉ sản xuất đơn thuần mà người dân trồng quế xã Liêm Phú đã tiếp cận Chương trình sản xuất quế hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm và ổn định thị trường cho các sản phẩm từ quế. Trong những chiếc điện thoại thông minh của bà con trồng quế khi mở app QGS có từng mục nội dung: kế hoạch canh tác hằng năm (diện tích, số cây, tình trạng hữu cơ, sản lượng/năm); mua và tiếp nhận vật tư đầu vào (ngày mua, loại vật tư, sản lượng, ngày hết hạn sử dụng, địa chỉ cung cấp); theo dõi trồng và chăm sóc (thời gian, công việc thực hiện); thu hoạch và bán quế… đã mang lại những thông tin hữu ích nhanh chóng và hiệu quả cho bà con.
Áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp có thể gặp nhiều “điểm nghẽn” đặc biệt đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai nhưng đối với xã Liêm Phú đang dần dần thay đổi có thể nói đây là nền tảng thực hiện mô hình làng/xã thông minh. Định hướng và phát triển sản xuất quế hữu cơ đáp ứng các thị trường khó tính như các nước Châu Âu đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch… Không bằng những lối mòn, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, phối hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp - chính quyền - người dân. Được sự ủng hộ của chính quyền, năm 2020 Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex) - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quế, hồi Việt Nam sang các thị trường cao cấp trên thế giới, như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã quyết định áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp. Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc trong canh tác theo tiêu chuẩn bền vững (organic, FSC, RA...) và là yêu cầu tất yếu của hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Phương Liên, Công ty Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex), tập huấn viên chương trình chia sẻ: “Bước đầu khi triển khai việc truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS gặp nhiều khó khăn, yêu cầu rất nhiều thông tin ghi chép và lưu giữ lại, điều đó thật khó đối với người nông dân khi họ không có thói quên ghi chép lại công việc sau khi làm cũng như mất, thất lạc hồ sơ lưu trữ, các hộ hợp tác cùng công ty chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế... Vì vậy, chúng tôi thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo nhắc lại cho người nông dân về việc sử dụng phần mềm, phương pháp ghi chép cũng như việc sử dụng tài khoản qua quét mã QR thay cho việc sử dụng mật khẩu để tránh quên, nhầm mật khẩu và tài khoản”.
“Mưa dầm thấm đất”, với một năm song hành cũng người dân trồng quế, đến nay 70% các hộ dân trong vùng trồng quế đã thuần thục thực hiện các thao tác trên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS - nhật ký điện tử dành cho sản xuất nông nghiệp đặt nền tảng đầu tiên để “chuyển đổi số” trong sản xuất nông nghiệp mở ra một hướng đi mới cho vùng quế Liêm Phú. Với trên 2.000 lao động, lao động qua đào tạo chiếm trên 33%; chủ yếu là lực lượng lao động trẻ. Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại kết nối mạng trên 70%. Xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 8/9 thôn có đường dây Intenet đến thôn bản; có 02 trạm thông tin Viettel; 01 trạm Vinaphone; 03 cột ăng ten… Đây là yếu tố cần để xây dựng nền tảng chuyển đổ số một cách vững chắc.
Với những nền tảng công nghệ số, xã Liêm Phú đang dần thay đổi diện mạo mới, có những bước chuyển mình vững chắc trên con đường hướng tới làng/xã thông minh, mở ra một kỷ nguyên mới: Coi khoa học và công nghệ là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống nông dân. Hi vọng trong tương lai không xa Liêm Phú sẽ thực hiện hóa thành công xây dựng làng/xã thông minh và là một trong các xã tiên phong trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời đại mới, tạo sức mạnh lan tỏa góp phần hiện đại hóa nông nghiệp trên toàn tỉnh.
NT ( Theo KNQG)