Nghệ An: Làm kinh tế từ nghề nuôi ốc bươu đen
Lượt xem: 431  | Ngày đăng: 29/09/2022

Trong một lần ghé thăm huyện Tân Kỳ khi tham gia hoạt động của đoàn thanh niên, điều khiến tôi vô cùng ấn tượng là ở đây có rất nhiều tấm gương đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi từ sản xuất nông nghiệp. Một trong những tấm gương điển hình đó là anh Trần Trọng Dũng ở xóm Nghĩa Sơn, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

 Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn, gia đình anh có hơn 3500 m2 ao, chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống. Năm 2020, trong khi đang trăn trở chưa tìm được hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình, anh tình cờ xem được video hướng dẫn nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội. Nhận thấy, mô hình nuôi ốc bươu đen vừa ít chi phí vừa đem lại hiệu quả cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, bèo tây, rau… anh đã quyết định mạnh dạn đặt mua 4 vạn con ốc giống với giá 400 đồng/con về nuôi. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên anh chỉ dám đầu tư với quy mô nhỏ 500m2. Ngoài thời gian chăm sóc ốc, anh tranh thủ tìm hiểu thêm quy trình kỹ thuật nuôi ốc trên internet, sách, báo… Kết quả sau 4 tháng nuôi mô hình của anh cho thu hoạch 8 tạ ốc thương phẩm với giá bán 80.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi từ 40 - 45 triệu đồng/vụ nuôi.

Anh Dũng chia sẻ: “Ốc bươu đen là đối tượng khá dễ nuôi, tuy nhiên để ốc sinh trưởng phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người nuôi cần áp dụng tốt quy trình kỹ thuật và một lưu ý sau: khi mới mua con ốc giống về thả nuôi trong ao thì không nên đổ thẳng xuống ao vì làm như thế ốc rất dễ bị chết dẫn đến hao hụt con giống. Bà con nên để con ốc giống lên những miếng xốp được thả trên bề mặt nước, sau đó ốc con sẽ từ từ bò xuống ao mà sinh sống. Ngoài ra, ao nuôi phải có rãnh cho nước ra vào nhằm tạo môi trường nước sạch cho ốc sinh sống và phát triển, trong ao phải thả rêu, bèo để tạo ra độ mát cho ốc trú ẩn và nguồn thức ăn bổ sung”.

Bên cạnh việc bán ốc thương phẩm, anh còn tìm hiểu cách ấp trứng và phát triển con giống để bán cho những người có nhu cầu nuôi. Để thuận tiện cho việc thu gom trứng ốc, anh tiến hành thả nhiều tấm xốp trong ao để ốc leo lên đẻ trứng. Trứng ốc được anh thu gom về và ấp trong thùng xốp. Sau khoảng 20 ngày thì trứng ốc sẽ nở và ốc con sau khoảng 15 ngày nuôi thì có thể đem bán giống với giá bán 400 đồng/con. Hàng năm, từ việc bán ốc thịt và ốc giống gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Bằng sự đam mê, sự kiên trì, chịu khó, dám đầu tư mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, anh Trần Trọng Dũng đã lựa chọn được hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho gia đình. Sự thành công của anh là nguồn động lực to lớn để cổ vũ, tiếp lửa cho các thế hệ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế trong thời gian tới. Với những kết quả đạt được, tin rằng mô hình của anh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện./.

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên