Chàng trai mở hướng làm giàu từ nông nghiệp an toàn
Lượt xem: 208  | Ngày đăng: 03/01/2022

Anh Trần Mạnh Quảng ở thôn Trại Đông (xã Nghĩa Trung, Việt Yên) đã từ ra nước ngoài học cách làm nông nghiệp kiểu mới, mở hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Một buổi sáng nọ, Trần Mạnh Quảng theo bố mẹ ra ruộng rau sau làng. Anh lặng lẽ quan sát người làng làm ruộng cần mẫn. Anh chợt nhận ra suốt bao đời nay, người dân quê anh quanh năm vất vả đồng ruộng mà thu nhập chẳng là bao. Chàng trai ấy tự nhủ, phải có cách làm nông kiểu mới…

Chọn cho mình một lối đi riêng

Đó là thời điểm Trần Mạnh Quảng vẫn còn là sinh viên năm cuối của Đại học Nông – Lâm Bắc Giang. Anh nhận ra, người nông dân ở quê mình vẫn làm nông theo cách cũ có phần lạc hậu. Thêm nữa lại sử dụng phân hóa học và thuộc trừ sâu. Làm nông như vậy vừa hiệu quả thấp, sản phẩm không an toàn và giá trị kinh tế không cao.

Đau đáu với những bất cập trong cách làm nông của bà con, anh Quảng quyết tìm ra một hướng đi mới, một điều gì đó mới lạ trong nông nghiệp.

Trần Mạnh Quảng chia sẻ: “Tôi vốn yêu đồng ruộng từ bé nên luôn muốn khởi nghiệp từ nghề nông. Tôi luôn tự nhủ với mình phải làm điều gì đó tạo ra sự khác biệt và quan trọng nhất là một hướng đi hiệu quả, thân thiện với môi trường cho sản xuất nông nghiệp ở quê nhà”.

Ngày sắp ra trường, bạn bè trong lớp chuẩn bị những bộ hồ sơ thật đẹp để xin việc ở các công ty. Riêng anh chọn cho mình một lối đi khác. Anh xách ba lô sang Israel làm thực tập sinh với mục đích học cách làm nông công nghệ cao. Tại đây, anh đã thực sự “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thu lượm được cách tư duy, quản lý và đưa tiến bộ khoa học vào làm nông nghiệp.

Chưa thỏa chí tò mò, ham học hỏi, Trần Mạnh Quảng tiếp tục sang Nhật Bản để tìm hiểu về nông nghiệp sạch ở đất nước mặt trời mọc. Ở đây, anh đã nhận được nhiều lời mời “hấp dẫn” với mức lương cao ngất ngưởng.

“Nói thực là khi họ mời mình làm việc với múc lương trong mơ thì mình cũng băn khoăn, có lúc cũng dao động muốn ở lại Nhật làm việc. Nhưng rồi tình yêu với quê hương đã thôi thúc mình về nước” – anh Quảng nhớ lại thời điểm quyết định cho giấc mơ làm nông của mình.

Nông nghiệp an toàn

Mùa đông này, những thửa ruộng ở xã Nghĩa Trung nứt nẻ, bỏ hoang sau vụ mùa thu hoạch. Giữa cánh đồng sau làng, nổi lên trang trại trồng các loại rau nhuốm màu xanh tươi của anh Trần Mạnh Quảng như một mảng màu sáng trong bức tranh nông nghiệp quê nhà. Thỉnh thoảng lại có vài ba chiếc ô tô đến trang trại anh “ăn hàng” để cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Vậy mà 2 năm về trước, khu đất ấy vẫn làm những ruộng bỏ hoang vào vụ đông.

Hơn 2 năm trước, Trần Mạnh Quảng đã có một quyết định táo bạo để hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp an toàn.

“Mới đầu, mình cũng khó khăn lắm, phải kêu gọi vốn đầu tư, rồi sự hoài nghi của những người xung quanh. Nhưng mình vẫn quyết làm vì đó là con đường mình đã chọn” – Trần Mạnh Quảng tâm sự ngày đầu khởi nghiệp.

3 năm về trước đánh dầu một bước ngoặt trong cuộc đời của chàng trai trẻ giàu nghị lực Trần Mạnh Quảng. Đó là thời điểm cuối đại học, anh đã đăng ký với trường học để đi thực tập sinh tại Israel. Anh đã bị “chinh phục” hoàn toàn bảo cách làm nông hiện đại ở đất nước này.Tại đây anh đã thu lượm được nhiều kiến thực hữu ích về tư duy làm việc và quản lý, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Tiếp đó, anh đi thêm một bước nữa là sang Nhật Bản học làm nông dân.

Anh bắt đầu thực hiện ước mơ của cuộc đơi không chỉ bằng niềm đam mê mà tiến hành một cách bài bản, từng bước một. Tự anh khảo sát đồng đất quê hương, rồi lập dự án trồng rau an toàn. Anh móc nối với các mối quen biết để “chào hàng” ý tưởng của mình cho các công ty nông nghiệp trồng rau an toàn của minh.

Giao đoạn đầu, anh gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, thậm chí có lúc tưởng như dự án của mình phải đáp chiếu. Nhưng sự nhiệt huyết của anh cũng được đền đáp khi một công ty cổ phần về nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đã chú ý đến. Qua một vài lần gặp gỡ, anh đã “chinh phục” được đối tác tin vào dự án trồng rau an toàn của mình. Công ty đã chấp nhận rót vốn đầu tư 2 tỷ đồng để anh thực hiện dự án đó.

Chị Nguyễn Thị Tình, Cán bộ Khuyến nông xã Nghĩa Trung đã không tiếc lời khi nói về anh Quảng: “Dự án này có thể mang lại hướng đi mới về sản xuất nông nghiệp cho các bạn trẻ trong xã. Đây là dự án trồng rau an toàn lớn đầu tiên mà một thanh niên trong xã làm được từ trước đến nay. Anh ấy đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ ở địa phương dám ước mơ và thực hiện ước mơ của mình”.

Hiện, công ty nông nghiệp của anh vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực, với những bước phát triển khả quan. Một số công ty chế biến thực phảm, trường học và nhà máy đã tin tưởng đặt bút ký kết hợp đồng nhận mua rau của anh lâu dài.

Bài, ảnh: Dương Thơm

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên