Lục Ngạn: Vườn xanh, quả ngọt nhờ biogas
Lượt xem: 236  | Ngày đăng: 03/01/2022

Đó là khẳng định của nhiều người dân huyện Lục Ngạn khi nói về hiệu quả của hầm biogas trong việc phát triển kinh tế gia đình từ vườn cây ăn quả kết hợp với mô hình chăn nuôi lợn có xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường.

Ông Hà Văn Cương ở thôn Trể, xã Phượng Sơn là hộ chuyên trồng bưởi Diễn hơn chục năm nay cho biết, trung bình mỗi năm gia đình mất 40-50 triệu đồng chi phí mua phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Nhờ điều kiện đất đai phì nhiêu, màu mỡ của địa phương đã giúp cho người dân có “nghề” trồng cây ăn quả mà không phải đi xa. Tuy nhiên, người trồng phải biết tận dụng cái mới vào sản xuất cho hiệu quả cao. Theo đó, khi mô hình hầm biogas phát triển, ông Cương đã đăng ký và được Dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng. “Cái lợi của hầm là giảm 50% chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật so với trước đây. Cây trong vườn xanh tốt quanh năm” – ông Cương tâm sự. Hiện nay 400 cây bưởi diễn của gia đình đã có thương lái đến tận vườn đặt hàng Tết Nguyên Đán bởi kinh nghiệm chăm sóc nhiều năm kết hợp với lượng phân bón hữu cơ phù hợp nên bưởi của vườn ông Cương ăn có vị đậm, ngọt sắc.

Hay như ông Hà Văn Luận cùng thôn, được Dự án LCASP hỗ trợ hầm biogas, ngoài lợi ích dùng nước tưới cho cây trồng, ông còn tận dụng bã phân đã qua xử lý hầm biogas trộn cùng vôi, trấu rổi bón cho cây trồng và bán cho các hộ xung quanh. Lượng phân này có độ tơi xốp cao, nhẹ nhàng cho việc vận chuyển và rắc bón sạch sẽ. Nhìn vườn cây ăn quả vừa mới cải tạo của gia đình ông đang xanh mơn mởn, hứa hẹn những vụ mùa bội thu sau này.

Kế thôn Cầu Trì của xã có hộ ông Giáp Văn Hỉ là dân tộc Nùng được Dự án LCASP hỗ trợ 5 triệu đồng xây hầm biogas xử lý phân thải của lợn, vịt cũng đánh giá cao về hiệu quả của nước tưới. Trước đây khi giá lợn ổn định, ông Hỉ thường nuôi 20-30 lợn thịt cùng 2 nái sinh sản, phân thải được xả thẳng ra suối bốc mùi hôi thối nặng, khiến người dân xung quanh phàn nàn, khó chịu. Năm 2017 có hầm biogas, giá lợn xuống thấp, gia đình đã giảm đàn và chuyển sang nuôi vịt sinh sản. Phân thải của gần 300 vịt được rửa sạch cho xuống hầm biogas xử lý, tạo nguồn gas đun dồi dào và nước tưới rất tốt cho 3 sào vườn cây ăn quả. Ông Hỉ nói: “Dùng phân hữu cơ đã qua xử lý vừa không có mùi mà hàm lượng dinh dưỡng cao, do đó từ đầu năm đến nay gia đình mới chỉ hết gần 10 triệu đồng mua phân hóa học bón kết hợp, giảm nhiều so với trước”.

Đánh giá của người dân huyện Lục Ngạn cho thấy, phân hữu cơ qua xử lý hầm biogas có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vườn đồi, đặc biệt thích hợp với các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi, quýt… mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất tiềm năng này. Dự án đã và đang nhân rộng mô hình hỗ trợ hầm biogas đến nhiều người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại vườn đồi của huyện Lục Ngạn phát triển trở thành vùng sản xuất cây ăn quả đứng top đầu của cả nước.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên