Yên Dũng: Ổn giá nhờ chăn nuôi gia công
Lượt xem: 223  | Ngày đăng: 03/01/2022

Thời gian qua, người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá cả sụt giảm mạnh. Nhiều trang trại chăn nuôi hộ gia đình quy mô lớn phải dừng tái đàn, bỏ trống chuồng; hộ nuôi nhỏ lẻ tận dụng thức ăn sẵn có từ nông nghiệp nhằm giảm chi phí, hạn chế thiệt hại kinh tế. Trong khi đó một số trang trại nuôi theo hình thức gia công cho các doanh nghiệp lớn lại chiếm ưu thế, vừa mang lại lợi nhuận, vừa bảo đảm an toàn bởi người chăn nuôi được bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ về chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng.

Trang trại nuôi lợn Lưu xuân 2 tại thôn Tân Ninh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng của anh Nguyễn Văn Trung là một điển hình chăn nuôi gia công. Cách đây 2 năm, tận dụng diện tích rộng, xa khu dân cư, anh Trung đấu thuần 16.000 m2 quy hoạch thành trang trại chăn nuôi tổng hợp. Trong đó 16.000 m2 anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn, một nửa diện tích dùng thả cá kết hợp nuôi gà, vịt, chim bồ câu… Qua nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình, anh Trung đã từng gặp rủi ro về dịch bệnh, giá cả. Qua tìm hiểu bạn bè, anh được biết đến hình thức chăn nuôi gia công của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam – chuyên sản xuất thức ăn, con giống và chế biến thức ăn trâu, bò, lợn và quyết định cùng bạn hợp tác chăn nuôi lợn với Công ty này.

Anh Trung chia sẻ: “Lợi thế của chăn nuôi gia công là người nuôi được đối tác đầu tư trọn gói từ con giống, kỹ thuật, còn người nuôi chỉ tốn công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, đặc biệt đầu ra được bao tiêu nên rất an toàn”. Theo hợp đồng, trung bình 1 kg lợn hơi anh Trung hưởng 4.000 đồng. Như vậy, với 1.000 con lợn thịt/lứa như hiện nay, trung bình mỗi năm anh thu lãi trên nửa tỷ đồng.

Nhận thấy chăn nuôi với số lượng đàn lớn, phân thải ra hàng năm nhiều nên anh Trung đầu tư xây dựng hầm biogas đậy bạt cỡ lớn, có hệ thống bể lọc tương đối hoàn chỉnh, kết hợp với hố ủ phân của Dự án LCASP hỗ trợ năm 2017 nên hiện nay việc xử lý phân thải của trang trại được triệt để. Tổng kinh phí xây hố trên 20 triệu đồng và được cán bộ kỹ thuật của Dự án hướng dẫn kỹ thuật ủ phân compost theo quy trình. Lượng phân bã sau khi được xử lý tại hầm biogas và phân hủy hoai mục tại hố ủ, anh Trung dùng để bón cho các loại cây ăn quả của gia đình như chuối, nhãn, bưởi… và bán cho các hộ xung quanh làm thức ăn cho cá, bón cây, bón lúa. Nhờ vậy mà môi trường chăn nuôi tại trang trại và xung quanh gia đình anh luôn sạch sẽ, thoáng mát, vật nuôi không bị dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Trung nói: “Giống là yếu tố tiên phong, kết hợp với kỹ thuật nuôi khoa học và kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó cần giải quyết tốt vấn đề môi trường, bởi vật nuôi cũng giống như con người có sạch sẽ mới khỏe mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao”. Dự án LCASP triển khai chương trình hỗ trợ xây hố ủ phân compost nhằm xử lý triệt để hơn lượng phân thải từ chăn nuôi, bảo vệ môi trường được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp trang trại chăn nuôi gia công của anh Nguyễn Văn Trung phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Phúc


 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên