Tân Yên: Gặp người thanh niên năng động
Lượt xem: 229  | Ngày đăng: 03/01/2022

Đến thôn Khánh Giàng, xã Ngọc Châu hỏi anh Đỗ Văn Khương có lẽ ai cũng biết. Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu về người thanh niên giàu nghị lực vượt khó và năng động trong phát triển kinh tế.

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và mảnh vườn đồi không mấy cây trồng giá trị như keo, vải nên cả ba anh em Khương đều học hành dở dang. Trưởng thành số phận không may mắn đẩy anh vào hoàn cảnh neo đơn: Mẹ tai nạn giao thông mất sớm, bố bị ung thư hạch. Cuộc sống gia đình do một tay anh Khương lo toan. Không chỉ lo "cơm áo gạo tiền" cho gia đình riêng, hai người em trai còn đi học, anh Khương phải bươn trải làm đủ nghề để lấy tiền chữa trị bệnh cho bố. Mỗi năm vài chục triệu đồng cho bố mổ u, sạ trị thuốc hóa học... khiến anh vừa mệt về tinh thần lẫn thể chất. Sau 7 năm chống chọi, căn bệnh quái ác đó đã cướp đi người bố của Khương vào đầu năm 2015, hai em của anh lúc này đã trưởng thành đến lúc phải lo gia đình riêng. Khó khăn chồng chất khó khăn, đôi lúc khiến Khương cảm thấy mệt mỏi nhưng không chùn bước. Vốn bản tính chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh Khương tận dụng mọi nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế. Thuộc diện gia đình chính sách hộ cận nghèo, anh Khương vay vốn ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm để mua 2 nái lợn giống về gây. Lợn đẻ ra đến đâu anh để nuôi hết đến đó kết hợp với nghề nuôi ong lấy mật truyền thống đã 15 năm, dần dần cuộc sống của gia đình trở nên khấm khá hơn giúp anh Khương xây được ngôi nhà cấp 4 để ở và lo cho các em có cuộc sống riêng.

Hiện, gia đình anh Khương có 1 con bò, gần 20 con lợn thịt, 2 nái lợn sinh sản, 6 cầu nuôi ong và vườn cây ăn quả rộng hơn 2 sào trồng vải, táo. Do chưa có điều kiện kinh tế nên chuồng nuôi của gia đình anh Khương còn đơn sơ, cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống là chính. "Một điều may mắn là giữa năm 2017, gia đình tôi được Dự án LCASP - Sở Nông nghiệp và PTNT tư vấn, hỗ trợ 5 triệu đồng xây 1 hầm biogas với dung tích trên 30 m3 để xử lý chất thải trong chăn nuôi, giúp giảm chi phí và an toàn môi trường" - anh Khương phấn khởi chia sẻ. Công trình đi vào hoạt động đến nay được gần 5 tháng, đang vận hành tốt và không bị rò rỉ.

Anh Khương nói, trước đây khi chưa có hầm biogas gia đình anh ngày nào cũng phải dọn chuồng 2-3 lần gánh phân thải lên vườn bón cây, những hôm mưa gió mùi hôi nặng và môi trường ô nhiễm. Nhưng nay phân được rửa thải xuống hầm sạch sẽ nền chuồng, nước giải qua xử lý anh Khương bơm lên tưới cây, giảm tiền mua phân hóa học và công lao động đáng kể. Hơn nữa khí gas được sinh ra từ hầm biogas được gia đình anh dùng đun nấu thoải mái thay vì trước đây ngày nào cũng phải lên rừng kiếm củi. Để tận dụng triệt để nguồn gas dồi dào, mỗi khi lợn nái đẻ anh Khương còn dùng để úm lợn con thay cho điện công nghiệp. Ước tính mỗi tháng gia đình anh tiết kiệm khoảng 200 - 300 nghìn đồng.

Nhìn gia cảnh của anh Đỗ Văn Khương, chúng ta hiểu rằng thu nhập của gia đình anh hiện nay có thể chưa đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người nhưng tin rằng, với nghị lực vượt khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của anh Khương và sự đoàn kết của anh em trong nhà thì một ngày không xa cuộc sống của gia đình anh sẽ được cải thiện và nâng cao hơn nhiều.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên