Hòa Bình: Thu lãi trên 200 triệu đồng từ mô hình nuôi ong
Lượt xem: 814  | Ngày đăng: 02/01/2022

Đó là hiệu quả mỗi năm có được từ mô hình nuôi ong lấy mật và bán ong giống của gia đình anh Trần Văn Hưng ở tổ 4- phố Ngọc- xã Trung Minh- thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).

Trong chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức cho cán bộ khuyến nông các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng… tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình anh Hưng - hộ có số lượng đàn ong lớn nhất xã. Anh Hưng đến với nghề nuôi ong rất tình cờ. Cách đây 5 năm, qua tìm hiểu bạn bè thấy nuôi ong tốn ít thời gian lại cho hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định mua 3 tổ ong về nuôi thử. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc ong bị chết nhiều, không nản chí, anh Hưng tiếp tục tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi ong qua mạng, sách báo rồi tham quan nhiều mô hình thực tế trong tỉnh, qua lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông... nhờ đó giúp anh lấy lại niềm tin.

Sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm về nuôi ong, đến nay anh nhận thấy nuôi ong lấy mật khá đơn giản, chỉ cần người nuôi chịu khó, tỷ mỉ và am hiểu về các đặc tính của loài như xây tổ, chia đàn, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào, phương pháp duy trì đàn để ong không bỏ tổ...

Khu nuôi ong của gia đình anh Hưng rộng khoảng 3.000 m2 , xung quanh có nhiều cây cối do vậy không phải di chuyển đàn ong đến các vùng khác. Các thùng ong được thiết kế theo hình chữ nhật xếp theo các hàng song song. Trong mỗi thùng có chứa từ 4-5 cầu ong. Gần khu nuôi ong anh Hưng xây bể chứa nước riêng cho ong sử dụng. Thời gian thu mật từ tháng 3 đến tháng 9, vào mùa hoa thì cứ khoảng một tuần cho thu mật một lần, lúc chính vụ nhiều nhất là quay được gần 400 lít mật ong.  

Chia sẻ về kinh nghiệm trong nghề nuôi ong, anh Hưng cho biết, nuôi ong đem lại hiệu quả cao vì không cần diện tích đất rộng, chi phí đầu tư thấp và đặc biệt tốn ít công chăm sóc. Khi nuôi ong cần bố trí địa điểm đặt các thùng ong phải cách xa các khu chăn nuôi. Trong quá trình chăm sóc chú ý đến bệnh thối ấu trùng ong, khi phát hiện nên nhốt ong chúa và giũ sạch cầu ong bị bệnh trách lây sang các thùng khác. Để duy trì đàn trong các tháng ong không cho thu mật cần cho ong ăn thêm đường để chúng không bỏ đi...

Từ 3 tổ ban đầu đến nay anh mở rộng quy mô lên 160 đàn ong, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 2.000 lít mật, giá bán trung bình 150.000 đồng/lít và chủ yếu được khách quen đặt hàng mua hết. Ngoài lấy mật thì gia đình anh còn bán ong giống cho các hộ có nhu cầu với giá từ 130.000- 200.000 đồng/cầu ong tùy từng thời điểm. Các sản phẩm của ong như mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa... đều có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh, làm đẹp rất tốt nên dễ tiêu thụ. Nhờ đó giúp gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi ong của gia đình anh Hưng còn là một trong những địa chỉ tin cậy để mọi người tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm. Hơn nữa, mô hình nuôi ong lấy mật có thể kết hợp với những nơi có diện tích vườn đồi nhiều cây ăn quả, lâm nghiệp... để phát triển kinh tế trang trại bền vững.

Bài, ảnh: Kim Lan 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên