Phát triển các giống cỏ bản địa làm thức ăn cho bò
Lượt xem: 486  | Ngày đăng: 02/01/2022

Để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ngoài chăn nuôi lợn, gia cầm, thì chăn nuôi bò đóng vai trò khá quan trọng.
Trong những năm qua, chăn nuôi bò thịt và bò sữa của các địa phương trong tỉnh có bước phát triển đáng kể về mặt số lượng, tỷ lệ bò lai Zebu đạt 80% tổng đàn, đàn bò sữa duy trì và phát triển ở Tiên Du, Từ Sơn, đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Tuy nhiên, nguồn thức ăn thô xanh vẫn còn thiếu, nhất là vào mùa đông nên phần nào hạn chế việc mở rộng chăn nuôi bò của nông dân. Khắc phục hạn chế này, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bắc Ninh đã thực hiện đề tài “khai thác, phát triển giống cỏ bản địa năng suất, chất lượng cao làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ”.
Thực tế chăn nuôi bò cho thấy, cùng với thức ăn tinh, nguồn thức ăn thô xanh được người chăn nuôi tận dụng từ các phụ phẩm nông nghiệp, trồng thêm cỏ và cắt cỏ tự nhiên. Trong quá trình thu gom cỏ tự nhiên, nông dân Cảnh Hưng (Tiên Du) đã phát hiện có 2 giống cỏ bản địa dùng làm thức ăn cho bò rất tốt, đó là cỏ Thừng và cỏ Sậy. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư đã nhân giống và năm 2008 triển khai xây dựng mô hình phát triển 2 giống cỏ bản địa với diện tích 3.600 m2 tại xã Cảnh Hưng. Cỏ Thừng sống ở nơi ẩm, sống nhiều năm, mọc tập trung thành đám, thân mềm, cao tối đa 60cm, có thể trồng được trên nhiều loại đất. Với khả năng cạnh tranh mạnh, gần như không có loại cỏ dại nào mọc được ở ruộng cỏ Thừng. Qua lấy mẫu phân tích tại Viện Chăn nuôi Quốc gia, cỏ Thừng có giá trị dinh dưỡng cao, tỷ lệ prôtein thô đạt từ 7-9%, vật chất khô đạt từ 18-20%. Độ ngon miệng cũng rất cao, khi cho ăn không phải cắt nhỏ như cỏ Voi, bò ăn hết không để thừa.
Cỏ Sậy sống nơi ẩm ướt, sống nhiều năm, chồi dài, mọc tập trung thành đám, thân cao đến 1m, khả năng sinh trưởng tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 18-40 độ C và phát triển kém ở nhiệt độ thấp, song lại tái sinh mạnh mẽ khi nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Giá trị dinh dưỡng và tính ngon miệng tương đương với cỏ Thừng. Theo ông Nguyễn Văn Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì kỹ thuật trồng cỏ bản địa rất đơn giản: Sau khi làm đất mịn, rắc cỏ như gieo mạ hoặc như phủ rạ rồi dùng vồ đập đất đập nhẹ, để tăng khả năng bám đất cho cỏ. Tuy đây là những giống cỏ chịu thâm canh nhưng chỉ cần làm đất 1 lần và không cần trồng lại. Mùa đông dù khô hanh song do cỏ có dạng thân bụi, mọc dày đặc nên có khả năng giữ ẩm tốt, cỏ vẫn cho năng suất cao nếu được tưới giữ ẩm chỉ 1 lần/tháng. Như vậy có thể khắc phục tình trạng thiếu thức ăn xanh trong mùa khô.
Chỉ sau 2 tháng trồng, cỏ Sậy và cỏ Thừng đã cho thu hoạch lứa đầu, bình quân 8 lứa/năm, 1 lứa 30-35 tấn/ha, cả năm đạt 240-280 tấn/ha. Cả 2 giống cỏ này có giá trị dinh dưỡng tương đương với những giống cỏ trồng phổ biến cho chăn nuôi bò hiện nay, bò sữa rất thích ăn, cho năng suất, chất lượng sữa cao và ổn định.
Ngoài một số giống cỏ năng suất cao như cỏ Voi mà người chăn nuôi bò đã trồng tương đối phổ biến, thì việc phát hiện và nhân rộng thêm 2 giống cỏ bản địa (cỏ Thừng, cỏ Sậy) góp phần làm phong phú nguồn thức ăn thô xanh, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày, tạo điều kiện cho bò sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Hơn nữa, việc phát triển các giống cỏ bản địa còn giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn thức ăn xanh cho gia súc trong mùa khô, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo Báo Bắc Ninh

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên