Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Lượt xem: 292  | Ngày đăng: 02/01/2022

Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được phát triển rộng khắp tỉnh Nghệ An và đã xuất hiện nhiều "lão nông" tiêu biểu. Bằng sự nhạy bén, năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất mới, họ đã thành công.
Nguyễn Quang Đại: Chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật
Trong tổng số 987 hộ nông dân được suy tôn gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện Nam Đàn giai đoạn 2007- 2009, phải kể đến mô hình trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Quang Đại ở xóm 4- xã Nam Xuân.
Nói đến ông Đại thì hầu hết người dân quanh vùng ai ai cũng biết rõ. Ông là một nông dân có "thâm niên" chăn nuôi lợn, đã từng tổ chức nhiều nội dung hoạt động hỗ trợ, liên kết sản xuất chăn nuôi lợn rất thiết thực và có hiệu quả cho bà con nông dân trong xã. Khởi nghiệp bằng nghề nuôi lợn từ rất lâu nhưng với phương thức nuôi truyền thống nên hiệu quả kinh tế đạt thấp. Năm 2005, ông nhận đấu thầu 4ha đất xa xấu vùng Đại Đẻn rồi mạnh dạn huy động vốn từ gia đình, bạn bè và ngân hàng, đầu tư tiền tỷ để xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái ngoại, áp dụng theo hướng công nghiệp. Hệ thống chuồng được xây cất có 4 dãy tách biệt, bao gồm chuồng nái chuẩn bị phối giống, nái chửa, đẻ, chuồng lợn con cai sữa và chuồng lợn thịt, được chia theo từng giai đoạn luôn đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông; có trang bị vòi tắm tự động, giàn phun nước, quạt thông gió... Với đàn lợn nái 110 con và 3 con lợn đực giống ngoại, bình quân mỗi năm trang trại của ông xuất bán hơn 100 con lợn nái hậu bị, 30 con đực giống và gần 2.000 liều tinh giống phục vụ cho các trang trại chăn nuôi lợn trong huyện, tỉnh.
Ngoài ra ông còn nuôi 700- 800 con lợn thịt, xuất chuồng được 100-120 tấn hơi/năm. Tận dụng nguồn phân, ông tiến hành đào 2,5 ha ao nuôi cá mỗi năm cho thu hoạch trên 10 tấn cá thịt. Để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, ông đã thuê 5 cán bộ chuyên ngành thú y phụ trách toàn bộ các khâu kỹ thuật. Hiện trang trai của ông Đại đã đi vào hoạt động được 4 năm, cho lãi ròng khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Đại chia sẻ kinh nghiệm: chăn nuôi lợn nái ngoại và lợn thịt hướng nạc đang được nhiều người dân quan tâm, song để thành công trong thời điểm hiện nay (dịch bệnh phát triển mạnh, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng cao) thì không phải là dễ. Theo kinh nghiệm riêng của cá nhân ông là phải thường xuyên cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường; áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý đồng bộ, chặt chẽ trên tất cả các khâu như dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, xử lý chất thải hạn chế ô nhiễm môi trường; thực hiện mô hình khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt, không đưa lợn giống chưa rõ nguồn gốc từ ngoài vào để tránh lây lan dịch bệnh.
Đinh Xuân Hồng: Từ nuôi trồng thuỷ sản
Ở xóm 10, xã Xuân Hoà, nhiều người biết đến anh Đinh Xuân Hồng như một điển hình của ý chí vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng. Sinh ra ở vùng quê thuần nông, gia đình anh cũng như bao gia đình khác ở trong xóm ngày ngày vác cuốc ra đồng chỉ trông trờ 2 vụ chiêm, mùa quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu ăn. Từ chủ trương của xã: Chuyển đổi sử dụng đất (những vùng đất xa xấu làm lúa kém hiệu quả) để nuôi cá thâm canh hoặc kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm.
Năm 2007 anh đã mạnh dạn nhận thầu vùng đất khó về nước để đào ao nuôi cá. Với diện tích hơn 5 sào anh chia làm 3 ao, một năm anh thả 3 vụ, 2 vụ đầu anh bán cá giống, vụ sau bán cá thịt; trung bình mỗi vụ thu được trên 15 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi gia đình anh một năm đã cầm chắc 50 triệu đồng. Ban đầu, bước vào nghề nuôi trồng thuỷ sản anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Không lùi bước trước những khó khăn, vừa làm vừa học kinh nghiệm qua sách báo và những người nuôi lâu năm để tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Nay chất lượng cá giống của anh luôn được đảm bảo, ngoài việc cung cấp cá giống cho mình, hàng năm anh còn cung cấp hàng vạn con giống các loại cho bà con quanh vùng. Ngoài ra anh Hồng còn xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn, vịt và trồng các loại rau, cây ăn quả quanh bờ ao vừa tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn trong gia đình...
Lê Anh Tuấn: Mô hình VAC thu nhập 120 triệu đồng/năm
Bằng sự năng động, ý chí quyết tâm làm giàu trên đất khó, Lê Anh Tuấn một nông dân ở xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn đã giàu lên từ phát triển kinh tế tổng hợp VAC trên đất cao cưỡng. Đến nay khu trang trại của anh có thu nhập đạt trên 120 triệu đồng/năm, đây là mô hình kinh tế đang được hội nông dân xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn nhân ra diện rộng.
Sau gần 10 năm xa quê hương với nhiều công việc khác nhau nhưng cuộc sống vẫn không ổn định, Lê Anh Tuấn quyết định trở về quê để khởi nghiệp. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện về giao đất, cho vay vốn phát triển sản xuất, Lê Anh Tuấn nhận 2,4 ha đất thuộc diện đất cao cưỡng, quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại VAC. Để sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao anh đã thuê máy móc, nhân công cải tạo đất. Nơi thấp trũng đào sâu thành ao, hồ nuôi cá, thuỷ cầm. Những gò đồi cao san bằng xây dựng chuồng, trại phát triển chăn nuôi. Chỗ thấp hơn để trồng lúa, trồng ngô và các loại cây màu lấy sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi.
Ngoài số vốn 14 triệu đồng của Hội Nông dân, anh mạnh dạn vay ngoài thêm 160 triệu đồng để đầu tư vào cải tạo hạ tầng và mua cây, con giống. Thời gian đầu, vợ chồng anh gặp không ít khó khăn, đồng vốn chủ yếu đi vay trong khi giá cả thị trường biến động thất thường, dịch bệnh lại thường xuyên diễn ra, việc tìm đầu ra cho sản phẩm không dễ. Do chưa có kinh nghiệm nên những năm đầu hiệu quả chăn nuôi không cao, có những lúc anh thấy nản lòng nhưng không vì thế mà anh từ bỏ quyết tâm làm giàu. Anh tập trung đầu tư hệ thống chuồng, trại hợp lý, khoa học, tìm hiểu học tập kinh nghiệm các mô hình trang trại có hiệu quả trong và ngoài tỉnh cùng với áp dụng KHKT và các loại giống mới vào sản xuất, chăn nuôi. Vì thế chăn nuôi không ngừng phát triển, mỗi năm bình quân xuất chuồng 4 lứa lợn thịt đạt gần 10 tấn, thu trên 220 triệu đồng, nuôi cá đạt trên 3 tấn thu 50 đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn phát triển nuôi trên 1000 con vịt, 100 con gà đẻ. Hiện nay anh Lê Anh Tuấn đang thí nghiệm nuôi giun quế làm thức ăn cho lươn, gà và vịt. Từ hai bàn tay trắng đến nay anh đã sở hữu trang trại cho thu nhập 120 triệu đồng/năm và là thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Anh Sơn.

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên