Điện Biên: Nông dân Mường Báng với phong trào xóa đói giảm nghèo
Lượt xem: 787  | Ngày đăng: 02/01/2022

Xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa), có 2.609ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 38,1% tổng diện tích tự nhiên. Thực hiện chủ trương của Nhà nước chuyển đổi phương thức canh tác từ trên nương xuống ruộng, đẩy mạnh phong trào khai hoang, cải tạo đất làm ruộng bậc thang trồng lúa nước. Trong 3 năm (2002 - 2005), xã Mường Báng khai hoang được 90ha ruộng bậc thang và nương có bờ.
Cùng với khai hoang, nông dân 20 thôn, bản trong xã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất: bón phân cho cây trồng, đưa cây màu vào trồng trên đất một vụ lúa; Các giống lúa, ngô, đậu tương có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt được đưa vào sản xuất đại trà, thay cho giống địa phương. Nhờ đẩy mạnh phong trào khai hoang, diện tích ruộng 2 vụ tăng từ 80ha (năm 2003) lên 115ha (năm 2009). Trước đây, nhiều mảnh ruộng sau thu hoạch lúa nông dân bỏ hoang, nhưng đến năm 2009 đã có 50ha đất một vụ được trồng đậu tương cho năng suất 11tạ/ha. Hai năm qua, cán bộ Trại giống Nông nghiệp huyện xuống cơ sở tư vấn KHKT nông dân Mường Báng trồng 10ha ngô giống VN10, sau thu hoạch Trạm tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết thúc đẩy bà con tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đưa các loại giống lúa mới IR64, Nghi hương 2308, Nhị ưu 838 có năng suất cao, chất lượng tốt vào thâm canh. Năng suất lúa bình quân của xã từ 23 tạ/ha (năm 2003), tăng lên 35 - 40 tạ/ha (năm 2009). Cánh đồng Mường Báng trở thành vùng lúa trọng điểm, có năng suất cao của huyện Tủa Chùa.
Được Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi, chủ động được nguồn nước, nông dân Mường Báng đầu tư vốn san ủi đào ao, mua cá giống phát triển nuôi trồng thủy sản, những nơi đất trũng, đầm lầy bỏ hoang được khai thác làm ao. Chăn nuôi đại gia súc được cấp ủy, chính quyền, nhân dân chọn là chủ lực trong phát triển kinh tế để giảm nhanh đói nghèo. Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CS - XH huyện nông dân các thôn, bản đầu tư mua trâu, bò, dê phát triển chăn nuôi. Ông Điêu Chính Dương, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Báng cho biết: Phát triển chăn nuôi là phát huy tiềm năng thế mạnh và phù hợp với trình độ, kỹ thuật sản xuất của nhân dân địa phương. Có nơi chăn thả, giá trị kinh tế cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, là những yếu tố thuận lợi để chăn nuôi đại gia súc phát triển. Hiện nay, Mường Báng có gần 3.000 con trâu, bò, bình quân mỗi hộ có 3 con, hàng năm đàn gia súc tăng trưởng 4,3%, đàn dê có 1.800 con. Nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đại gia súc nhiều hộ có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên, trở thành những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Gia đình các ông: Giàng A Khái, bản Háng Trở 2; Vàng A Mang, thôn Đông Phi I (dân tộc Mông), Lò Văn Dịn, Điêu Chính Von, đội I Mường Báng (dân tộc Thái) với mô hình kinh tế VAC mỗi năm thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng.
Có thành tích về phong trào khai hoang, thâm canh tăng vụ, thi đua phát triển kinh tế XĐGN nên tại đại hội các dân tộc thiểu số huyện Tủa Chùa cuối tháng 10 vừa qua đại diện nông dân xã Mường Báng được báo cáo điển hình cho nông dân các xã học tập làm theo.

Theo báo ĐB
theo: khuyennong.gov.vn

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên