Vụ đông ở Quảng Bình
Lượt xem: 225  | Ngày đăng: 02/01/2022

Rau màu vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới)(chú thích ảnh)
Nếu đảo qua tỉnh hình sản xuất vài ba năm gần đây ở Quảng Bình điều dễ nhận thấy là có một số cây không phát triển được như ngô, lạc. Vụ đông năm ngoái, huyện Lệ Thủy dự kiến sản xuất khoảng 600 ha, nhưng do gặp phải mưa, lụt kéo dài ngày nên chỉ thực hiện có kết quả được 240 ha, số còn lại không đưa vào sản xuất được.
Nhìn rộng ra qua 4 vụ đông gần đây ở huyện Lệ Thủy cho thấy, bà con nông dân bước đầu đã áp dụng các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với thời tiết. Theo ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện thì: “Từ năm 2006 đến nay, bình quân vụ đông gieo trồng khoảng 250 ha ngô và lạc, nhưng số diện tích thu hoạch được chỉ đạt hơn một nửa và năng suất cũng rất thấp. Sau khi trừ các khoản chi phí, giá trị thu nhập còn lại của cây vụ đông không đáng là bao. Từ thực tế sản xuất cây vụ đông có thể rút ra bài học là vụ này chỉ phù hợp với một số loại cây trồng ngắn ngày là các loại rau xanh (hành, tỏi, bắp cải, cải bẹ, củ cải, su hào)”.
Diện tích trồng rau ở Quảng Bình những năm gần đây có biến động không lớn: từ 5.500 đến 6.000ha, riêng vụ đông xấp xỉ 2.000ha. Năng suất rau khoảng 95 đến 100 tạ/ha. Rau được sản xuất trên địa bàn bao gồm các nhóm: rau ăn lá, rau ăn củ và rau gia vị; trong đó diện tích trồng các loại rau ăn lá chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 60%. Hầu hết các huyện, thành phố đều trồng rau song chủ yếu tập trung ở các huyện vùng cát ven biển như Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy và Đồng Hới. Rau ăn lá chiếm diện tích cơ cấu lớn, tập trung chủ yếu tại huyện Bố Trạch (trên 1.000 ha); và Quảng Trạch (650ha); Lệ thủy (300 ha)...
Đối tượng rau ăn quả bao gồm cà chua, dưa chuột... được phát triển với diện tích khá nhưng thời gian sinh trưởng dài nên gặp nhiều bất lợi do hậu quả của thời tiết, thiên tai. Chính vì vậy mà nhóm rau gia vị lại phát triển khá nhanh, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch, Quảng Trạch (400 ha) và Lệ Thủy (150 ha). Ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố trạch cho hay: “Đây là các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao nên được người nông dân mở rộng diện tích qua năm. Tính chung mức độ chi phí đầu tư cho một ha rau bình quân trên 10 triệu đồng là khá thấp và phù hợp với nông dân hơn cả...”.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn giai đoạn 2009-2015. Mục tiêu đến năm 2015 có 100% diện tích rau quả tại các vùng trong tỉnh được quy hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất an toàn, toàn bộ rau quả sản xuất trong vùng quy hoạch được cấp giấy chứng nhận rau an toàn.
Trước mắt quy hoạch sản xuất rau an toàn từ 20-25 ha đối với các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và từ 10-15 ha đối với huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Đồng Hới. Tiêu chuẩn mỗi vùng an toàn tập trung có diện tích từ 1 ha trở lên và phải sản xuất liên tục từ 9 tháng/năm trở lên. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ vốn cho các địa phương quy hoạch và sản xuất rau an toàn, dự kiến năm 2009 là 2,9 tỷ đồng và giai đoạn năm 2010- 2015 là 10 tỷ đồng.
Để nâng giá trị của cây rau vừa qua, một số địa phương trong tỉnh đã hình thành các mô hình trồng rau an toàn, trong đó nổi lên ở Cam Thủy (Lệ Thủy) với gần 30ha, Đức Ninh (Đồng Hới) 50 ha và Cửa Phú (Bảo Ninh) 25ha... Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn tại thôn Đức Hoa và thôn Cửa Phú (xã Bảo Ninh - Đồng Hới) đã đạt được kết quả bước đầu, tạo uy tín tên thị trường thành phố, từng bước giúp người dân thay đổi cách nhìn nhận đối với rau trồng trên quy mô lớn. Thu nhập bình quân của trồng rau màu đạt gần 50 triệu đồng/ha.
Để sản xuất cây vụ đông thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, Quảng Bình không tổ chức sản xuất với quy mô lớn, trồng nhiều loại cây mà tập trung vào những vùng đất có điều kiện tự nhiên thích hợp và các loại rau màu. Về lâu dài, muốn sản xuất vụ đông mang hiệu quả kinh tế, nhất là vùng ngập lụt tỉnh cần nghiên cứu đưa ra các loại cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu vùng đất này vào canh tác cho các giống cây hiện nay. Trước mắt các địa phương nên tập trung phát triển các loại rau xanh, vừa dễ trồng vừa đầu tư ít vốn mà chu kì thu hoạch ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế. Ngành NN-PTNT chỉ đạo đối với các địa phương tính toán kỹ từng loại cây, từng chân đất, né tránh thời tiết khắc nghiệp để sản xuất vụ đông sát với mỗi vùng. Bài học rút ra là không nên sản xuất vụ đông bằng mọi giá, tránh mất giống, mất công mà còn không thu lại hiệu quả kinh tế.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên