TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, năm 2024, huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo phát triển và nâng cao chất lượng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, nhất là đối với các loại cây ăn quả chủ lực của huyện.
Toàn huyện Tân Yên hiện có trên 3.350 ha cây ăn quả, trong đó có 3.240 ha cho thu hoạch, duy trì 1.840 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng ước đạt gần 31.000 tấn, giá trị ước đạt 779 tỷ đồng. Trong đó, vải thiều là cây ăn quả cho sản lượng và giá trị kinh tế cao, giá trị đạt 600 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2023.
Vải thiều là một trong những loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn do đó được huyện Tân Yên quan tâm, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn huyện có gần 1.400 ha trồng vải thiều, trong đó có 900 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Huyện tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP với tổng diện tích 455 ha, trong đó duy trì 415 ha và mở rộng 40 ha. Diện tích mở rộng gồm 20 ha xây dựng mới vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobGAP tại thôn Lân Thịnh, Quất Du 2 của xã Phúc Hòa để phục vụ cho thị trường xuất khẩu và 20 ha sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hợp Đức và Tân Trung.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện đã tích cực chỉ đạo thực hiện cấp, quản lý giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hướng tới tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông sản. Từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp mới 03 mã số vùng trồng vải, ổi nâng tổng số mã số vùng trồng cây ăn quả toàn huyện lên 31 mã với tổng diện tích 954,2 ha, cụ thể có 29 mã vùng trồng vải xuất khẩu, 01 mã vùng trồng vú sữa xuất khẩu và 01 mã vùng trồng ổi tại các xã Phúc Hòa, Tân Trung, Hợp Đức, Liên Sơn và thị trấn Cao Thượng.