Vĩnh Phúc: Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Lượt xem: 351  | Ngày đăng: 16/08/2022

Trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng có nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường. Là tỉnh tiên phong đi đầu cả nước về chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ như sau:

Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

Giải pháp về chính sách: Các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất NNHC như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất... Đồng thời có những chính sách hỗ trợ, quan tâm tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan tới phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học... Yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển NNHC. Vì vậy, các ngành liên quan cần quan tâm, tìm hiểu thị trường tiềm năng giúp doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp về khoa học và công nghệ:

+ Đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện: quản lý, chất lượng, thương mại sản phẩm để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp cho phát triển NNHC.

+ Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, để rút ra bài học trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và chiến lược phát triển trong thời gian tới.

+ Nghiên cứu lựa chọn và điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi; cách thức, kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn) của từng vùng sinh thái.

+ Nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NNHC: Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khó lường, gây ra nhiều bất lợi cho canh tác NNHC vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết do không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun nước tự động (nhỏ giọt hoặc phun sương), hệ thống cảm biến tự động... trong phát triển NNHC sẽ giúp giảm một cách đáng kể ảnh hưởng của thời tiết đến hoạt động sản xuất NNHC và giảm chi phí nhân công, từ đó đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như năng suất các sản phẩm NNHC.

Giải pháp về hợp tác quốc tế: Cần có sự trao đổi kinh nghiệm, học tập, đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, giúp các doanh nghiệp nước ta được giao lưu, học hỏi, tìm ra giải pháp cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nền NNHC nói riêng thông qua việc kêu gọi sự đầu tư của các chương trình, dự án nước ngoài về NNHC; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội nghị, các khóa tập huấn thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm.

Giải pháp khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất NNHC: Cần khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm NNHC; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây sẽ là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về việc ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp.

Giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ:

+ Người sản xuất phải định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Mỗi thị trường có yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng, vì vậy để đáp ứng các yêu cầu đó, sản xuất phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm theo luật.

+ Hỗ trợ xây dựng hàng hóa nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu, mang tính tập thể và được chứng nhận địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu.

+ Hỗ trợ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường đối với sản phẩm hữu cơ ở các thành phố lớn.

+ Đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các tổ nhóm, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.

+ Cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước để có định hướng mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ./

NT (Theo Mard.gov.vn)

 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên