Lạng Giang: Hiệu quả mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao
Lượt xem: 706  | Ngày đăng: 02/01/2022

Hương Sơn là xã miền núi của huyện Lạng Giang, nơi hội tụ của 06 dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp so với các xã khác trên địa bàn huyện, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lạng Giang đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Thực hiện chủ trương đó, người dân xã Hương Sơn đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình để phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của các khu, cụm công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng thì một hướng đi mới đã mở ra cho người dân cơ hội để làm giàu ngay trên chính mảnh đất đồi núi này, đó là nghề trồng hoa cung cấp cho thị trường thành phố Bắc Giang và các vùng lân cận, thu nhập của người dân cũng ngày được cải thiện.

Mô hình trồng hoa lily trong nhà lưới của gia đình anh Phạm Văn Thương- thôn Phú Lợi, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang là một trong số các mô hình như thế. Đến thăm mô hình, qua tìm hiểu anh Thương cho biết, với diện tích 4000 m2, của gia đình sau dồn, đổi, trong đó có trên 2000 m2 nhà lưới để trồng hoa lily, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập khoảng trên 400 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi anh Thương phấn khởi cho biết, trước đây gia đình anh cũng như bao gia đình khác chỉ chuyên canh trồng lúa, cây màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao, qua tìm hiểu về kỹ thuật trồng hoa lily trên sách, báo và trên mạng Internet, qua các lớp tập huấn khuyến nông. Năm 2017, anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, ban đầu gia đình thuê, dồn, đổi ruộng, san lấp được 4000 m2, trên diện tích đó đầu tư làm gần 2000 m2 nhà lưới để tránh côn trùng, trồng thử nghiệm giống hoa lily Hà Lan. Do nắm chắc kỹ thuật canh tác nên hoa sinh trưởng, phát triển tốt, khi thu hoạch gia đình anh đã thu lãi trên 300 triệu đồng, nhận thấy giá trị kinh tế mang lại từ trồng hoa lily cao hơn hẳn trồng lúa, đầu năm 2018 anh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới lên hơn 2000 m2, được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng theo đề án đầu tư mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tiện chăm sóc, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, nhiệt độ và phòng trừ sâu bệnh. Vụ hoa vừa qua, với giá bán buôn từ 30.000- 40.000 đồng/cây, trung bình mỗi sào hoa gia đình anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với cấy lúa, trồng màu.

Khi được hỏi về bí quyết đem lại thành công với nghề trồng hoa, anh Thương cho biết, trồng hoa lily không quá vất vả nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình kỹ thuật từ chọn giống đến thời điểm trồng, chú ý đến thời gian bón phân, tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sánh phù hợp và phòng trừ sâu bệnh kịp thời là đem lại thành công.

Theo lãnh đạo xã Hương Sơn, mô hình trồng cây hoa lily của anh Phạm Văn Thương là người đầu tiên áp dụng trồng trên địa bàn của xã. Qua theo dõi cho thấy, mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết, thổ nhưỡng nên bước đầu đã đem hiệu quả kinh tế cao. Đây là loại cây trồng triển vọng được cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn định hướng, chú trọng khuyến khích phát triển trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Làm vườn của xã tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và nông dân. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói chung và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã nói riêng để nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, từ việc mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất hoa lily của gia đình anh Phạm Văn Thương, đã giúp cho gia đình anh có nguồn thu nhập cao, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, khuyến khích xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc tuyên truyền, vận động và sự hưởng ứng tích cực của người dân cũng cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng của Nhà nước, sự định hướng trong quy hoạch để phát triển thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Chú trọng việc hỗ trợ tạo mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả trong sản xuất tránh rủi ro cho người dân và tạo điều kiền cho phát triển kinh tế bền vững.

Bài, ảnh: Hà Văn Hồng - Hội Làm vườn Lạng Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên