Bệnh không truyền nhiễm ở cây trồng và biện pháp phòng trừ
Lượt xem: 895  | Ngày đăng: 02/01/2022

Bệnh không truyền nhiễm hay còn được gọi là bệnh sinh lý là nhóm do những điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi gây ra. Bệnh không có tính chất xâm nhiễm và truyền lan từ cây này sang cây khác, vùng này sang vùng khác; nguồn bệnh không hình thành, không tích lũy ở hạt giống hoặc tàn dư cây bệnh. Tuy nhiên bệnh lại lại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng hoặc có thể là nguyên nhân để bệnh truyền nhiễm phát sinh gây hại. Do đó cần quan tâm đến bệnh không truyền nhiễm và đưa ra biện pháp phòng trừ là cần thiết.

1. Về nguyên nhân

- Bệnh có thể phát sinh do nhiệt độ thấp kéo dài, đặc biệt là mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp, có năm rét đậm rét hại kéo dài cây trồng nhiệt đới dừng phát triển thân lá, rễ không có khả năng hút nước và dinh dưỡng, sức sống giảm sút và có biểu hiện bên ngoài như: héo khô, vàng lá, trắng lá, nứt thân, bong vỏ, hoa thụ phấn kém, rụng hoa, rụng quả, hạt lép.

Điển hình như mạ vụ chiêm xuân bị rét đậm rét hại kéo dài có hiện tượng táp ngọn, héo vàng, lá trắng do dinh dưỡng đạm bị rối loạn và mất khả năng tạo diệp lục. Thời kỳ lúa phân hoá đòng gặp nhiệt độ thấp bông lúa bị trắng đầu bông, lúa trỗ gặp nhiệt độ thấp hạt lép nhiều. Cây rau gặp nhiệt độ thấp, sương muối thường bị thui búp, táp lá, vàng lá, lá chết từng vạt từ rìa mép lá vào trong; cây lấy quả gặp nhiệt độ thấp bị rụng lá, thụ phấn kém, rụng hoa, rụng quả...

- Bệnh có thể phát sinh do nhiệt độ quá cao: xuất hiện vào những tháng mùa hè kết hợp với gió phơn tây nam khô nóng, có thể gây ra hiện tượng chậm lớn, hạt lép, chín không đều, chín ép quá sớm, rụng lá, cháy xém lá… Nếu kết hợp với thiếu nước cây bị khô héo và có thể bị chết.

Ví dụ: trồng cà chua trái vụ vụ xuân hè gặp tiết trời khô hạn và nóng dễ bị hiện tượng cuốn lá, lá thô dày, quả non bị quắt...

- Bệnh có thể phát sinh do thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng trong đất gây ra:

+ Thiếu đạm cây trồng có triệu chứng bị biến đổi màu sắc lá, lá vàng từ lá dưới lên lá trên, vàng từ chóp lá vào bên trong thịt lá và lan dần ra mép lá, cây cằn cỗi, năng suất thấp. Bón thừa đạm thân lá phát triển nhanh nhưng non yếu, dễ lốp đổ, cơ quan sinh thực kém phát triển, sâu bệnh dễ phát sinh gây hại.

Thiếu lân: Cây bén rễ hồi xanh chậm; rễ kém phát triển, lá lúa có màu xanh đậm, lá nhỏ thô dày, trên lá xuất hiện các chấm màu nâu đỏ, chót lá có màu đỏ khô chết; cây ngô thiếu lân ở giai đoạn cây con xuất hiện bệnh huyết dụ, cây còi cọc chậm lớn.

+ Thiếu kali triệu chứng xuất hiện trên lá già trước, rìa mép lá hoá nâu đỏ, lá vàng lan từ mép lá vào bên trong thịt lá, trên lá có các mô bị chết màu nâu đỏ, năng suất không cao, chất lượng và mẫu mã kém.

- Bệnh có thể phát sinh cho chế độ nước bất thường trong đất gây ra: Đất trồng khô hạn thiếu nước cây sẽ bị khô héo và dễ gây ra hiện tượng rụng lá, hoa, quả. Khi đất quá thừa nước, nhất là ở các vùng sâu trũng, lầy thụt quanh năm không được cày phơi ải, hiện tượng yếm khí sẽ sảy ra, đất thiếu ôxy, tích luỹ nhiều khí độc, gây cản trở cho hoạt động của bộ rễ, rễ thối đen, bệnh nghẹt rễ vàng lá xuất hiện làm cây khô vàng, héo lụi và chết. Độ ẩm đất thay đổi đột ngột từ khô hạn chuyển sang mưa ẩm, độ ẩm đất cao cũng dễ dẫn đến tình trạng làm rạn nứt quả, củ, gây thối rễ. Mưa to ẩm độ đất cao cũng gây ra hiện tượng đóng váng bề mặt đất, ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự sinh trưởng của bộ rễ.

- Bệnh có thể phát sinh do khí độc, khói, bụi, nước thải tại các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất phân bón, thức ăn, gạch ngói, ximăng…làm táp lá, khô úa, lá khô chết, rụng hoa quả, thụ phấn kém, ngộ độc rễ….

- Bệnh có thể phát sinh do chất độc hoá học gây ra: Phun thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu không đúng kỹ thuật gây ra hiện tượng cháy lá, cây chậm phát triển, vàng lá, thui chồi, hạt lép...

2. Tác hại

Từ những nguyên nhân trên cho thấy bệnh không truyền nhiễm không những làm cho cây trồng suy yếu, sinh trưởng phát triển kém, năng suất không cao, mà còn làm cho sức chống chịu sâu bệnh bị giảm sút, là điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm xâm nhập và gây hại.

Ví dụ: Cây lúa thiếu kali dễ bị bệnh tiêm lửa, đốm nâu; Bón quá thừa đạm cây lúa phát triển thân lá mạnh sẽ dễ bị bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá; Củ quả bị nứt dễ làm nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh thối củ, quả; Ẩm độ đất cao dễ gây bệnh lỡ cổ rễ....

3. Biện pháp phòng trừ:

Để ngăn ngừa bệnh không truyền nhiễm biện pháp phòng trừ chủ yếu là áp dụng kỹ thuật canh tác và biện pháp thâm canh phù hợp như:

- Bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý, căn cứ vào điều kiện ngoại cảnh thích ứng của từng giống cây trồng và đảm bảo thời điểm ra hoa, tạo quả gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Nếu trồng trái vụ phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp để cây sinh trưởng phát triển tốt .

- Chọn giống tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai và trình độ thâm canh: Ví dụ: vùng khô hạn, đồi núi, vùng không chủ động tưới tiêu, nên lựa chọn các giống chịu hạn, chịu nhiệt...luân canh cây trồng hợp lý, không gieo trồng một giống liên tục trong 3 vụ.

Cày ải phơi đất, làm đất kỹ, xới phá váng khi đất đã ráo sau đợt mưa to.

- Bón phân đầy đủ, cân đối giữa đạm - lân, đạm - kali, vô cơ - hữu cơ; bổ sung phân vi lượng để tăng sức chống chịu cho cây, bón đầy đủ lân để tăng khả năng chống rét, chống hạn cho cây. Nếu bộ rễ bị ảnh hưởng có thể áp dụng biện pháp phun phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây. Bón đạm cần bón tập trung, đủ lượng, không bón lai rai, không bón khi cây đang bị bệnh, không bón khi nhiệt độ ngoài trời <160C. Áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi bón phân, kết hợp biện pháp làm cỏ, xới xáo và lấp kín phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Tưới tiêu chủ động hợp lý, sử dụng nước sạch hoặc nước mương, nước sông có dòng chảy, không tưới bằng nước tù ao đọng.

- Sử dụng thuốc hoá học theo nguyên tắc 4 đúng, pha và phun đúng kỹ thuật. Có thể phun phòng bệnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh nhất là trên ruộng có nguy cơ nhiễm bệnh cao: ruộng bón thừa đạm thân lá phát triển xanh tốt, ruộng bị nhiễm bệnh từ vụ trước, cây có hiện tượng bị nứt củ, nứt thân….

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác như: tủ gốc, che phủ nilon, che phủ rơm rạ, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp, để để chống rét, giữ ẩm, giữ ấm, định cây; điều chỉnh lượng nước tưới, tưới phun mưa vào buổi sáng để đuổi sương; làm giàn che bằng lưới đen để giảm nhiệt vào mùa hè, hạn chế mưa to vào mùa mưa bão.

Bài: Mạnh Hùng

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên