QUY TRÌNH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG CÁ NƯỚC NGỌT
Lượt xem: 1002  | Ngày đăng: 03/01/2022

I. PHÒNG BỆNH

Để giảm bệnh cá xảy ra trong quá trình nuôi, các cơ sở, vùng nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh tổng hợp, bằng các biện pháp sau:

Làm sạch môi trường nước và ao nuôi cá

Ao trước khi đưa vào nuôi cần tháo cạn nước, bắt hết cá, dùng vôi bột khử trùng và cải tạo chua với liều lượng 10 -12 kg vôi bột/100m2 ao (ao mới đào và những ao vụ trước đã có cá mắc bệnh dùng 15 kg/100m2 ao). Ao phải được phơi đáy dưới ánh sáng mặt trời từ 5 - 7 ngày. 

Tháo nước vào ao nuôi: Nguồn nước tháo vào ao nuôi phải hoàn toàn trong sạch, không bị nhiễm bẩn, không có các mầm bệnh và các yếu tố kim loại, hoá chất làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cá và các loại thuỷ sinh vật trong nước. Cần dùng lưới lọc nước để ngăn các loài cá tạp và địch hại theo nguồn nước vào ao nuôi.

2. Tăng sức đề kháng cho cá

- Cá giống đưa vào ao nuôi cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cá khoẻ mạnh, đều cỡ, mầu sắc tươi sáng. Mật độ nuôi trung bình từ 1 đến 3 con/m2. 

- Trong quá trình nuôi cần điều chỉnh khẩu phần ăn cho cá hợp lý, chú ý không để thức ăn thừa lãng phí và gây ô nhiễm. Cho cá ăn đủ chất và lượng, thức ăn không bị hư thối. Không nên để cá bị đói nhất là đối với các loài cá ăn trực tiếp như cá trắm cỏ, rô phi, trôi, chép… Tránh kéo lưới nhiều lần trong thời gian ngắn, tránh thay nước đột ngột. 

- Bổ xung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi với lượng 2 - 3 g/100kg cá/ngày, dùng liên tục 7 – 10 ngày.

- Cho cá ăn thuốc phòng bệnh vào thời gian tháng 3 – 5 và tháng 7 – 9.

3. Chủ động tiêu diệt các mầm bệnh:

- Trước khi đưa cá giống về ao nuôi, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2 % trong 7 - 10 phút để tiêu diệt mầm bệnh.

- Phân chuồng dùng để bón cho ao cần được ủ kỹ với vôi bột khoảng 20 ngày trước khi bón với liều lượng 4 - 5 kg vôi/100 kg phân chuồng để diệt hết các vi khuẩn gây bệnh cho cá

- Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ 2 tuần 1 lần với liều lượng 2 - 3 kg vôi bột/100 m3 nước ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối.

- Thường xuyên vệ sinh ao, vớt hết rong cỏ, thức ăn thừa và cọng rác của phân xanh. Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc khi thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh cá kịp thời, không để phát triển lây lan thành dịch.

- Khi cá bị mắc bệnh cần tách riêng những con bị bệnh ra ao riêng để điều trị tích cực. Không thải nước và bỏ cá chết từ ao có dịch bệnh ra ngoài làm lây lan dịch bệnh.

II. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

1. Bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá trong ao nuôi hoặc lồng nuôi khi mắc bệnh đốm đỏ thường giảm ăn hoặc bỏ ăn, cá bơi tách đàn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, màu sắc da chuyển sang tối sẫm.Trên thân xuất hiện các chấm xuất huyết đỏ, vẩy rụng thành mảng. Khi bệnh nặng các gốc vây xuất huyết, các tia vây rách nát, cụt dần. Các điểm xuất huyết viêm, tấy loét trong có nhiều mủ, máu và xung quanh có nấm ký sinh. Mang cá tái nhợt hoặc xuất huyết, mắt lồi có xuất huyết. Bệnh kéo dài từ 1 đến 2 tuần, cá có thể chết. Khi giải phẫu: Toàn bộ cơ quan nội tạng đều có xuất huyết. Khi nhấc đầu cá lên có máu nhạt chảy ra từ hậu môn.

- Tác nhân gây bệnh: Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn hình que có tên khoa học là Aeromonass Hydrophylla hoặc Pseudomonas gây ra.

- Phân bố và lan truyền của bệnh: Bệnh đốm đỏ thường gặp ở cá trắm cỏ nuôi lồng và nuôi ao, cá trắm thường mắc bệnh ở giai đoạn từ 0,2 kg trở lên. Ngoài ra cá chép, Trôi Ấn độ, cá Mè cũng bị mắc bệnh này. Ở Miền Bắc Việt Nam cá thường bị mắc bệnh vào 2 mùa chính là mùa xuân (tháng 3 - 4 dương lịch) và mùa thu (tháng 8 - 9 dương lịch).

- Phòng và trị bệnh: 

Phòng bệnh: Sử dụng phương pháp phòng bệnh chung đã nêu phần trên. Sử dụng thuốc tiên đắc để phòng bệnh với liều lượng từ 10g/50 kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 3 ngày.

Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Doxycyline với liều lượng 25 - 30g/100 kg cá/ngày, kết hợp với thuốc Tiên đắc 50 g/50 kg cá/ngày, sử dụng liên tục từ 5 – 7 ngày.

2. Bệnh xuất huyết (liên cầu khuẩn) trên cá rô phi

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá yếu, bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang xuất huyết. Khi giải phẫu thấy cơ bị xuất huyết, máu loãng, gan, thận, lá lách bị mềm nhũn. Cá bị bệnh nặng bơi quay tròn trên mặt nước, không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.

- Tác nhân gây bệnh: Do cầu khuẩn Streptococcus gây ra.

- Phân bố và lan truyền: Xảy ra nhiều trên cá rô phi nuôi với mật độ cao, thời gian bệnh phát triển mạnh là mùa hè khi nhiệt độ thời tiết tăng cao.

- Phòng và trị bệnh:

Phòng bệnh: Sử dụng phương pháp phòng bệnh chung đã nêu phần trên.

Trị bệnh: Sử dụng thuốc kháng sinh Doxycyline với liều lượng 25 - 30g/100 kg cá/ngày hoặc Erythromycine liều lượng 5 - 6 g/100 kg cá/ngày, trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày. Kết hợp bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá nuôi, liều dùng  2 – 3 g/100kg cá/ngày.

3. Bệnh nấm thuỷ mi (Bệnh trắng da)

- Dấu hiệu bệnh lý: Khi mới bị bệnh trên da cá, da ba ba... Xuất hiện những vùng trắng, xám, ở đó có những sợi nấm nhỏ, mềm; sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông, có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục, xung quanh có nhiều sợi nấm làm cho trứng bị ung.

- Phân bố và lan truyền: Bệnh nấm thuỷ mi không chọn các ký chủ, tất cả các loài thuỷ sản đều có thể bị bệnh. Trong các ao nuôi mật độ dày, nước bẩn đều có thể xuất hiện bệnh nấm. Bệnh nấm phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ nước từ 18 - 25 oC. Miền Bắc nước ta bệnh nấm phát triển mạnh vào mùa xuân, cuối thu và mùa đông...

- Phòng và trị: Bệnh này áp dụng phương pháp phòng chung. Có thể dùng muối ăn tắm cho động vật thuỷ sản ở nồng độ 2 - 3 % , tắm trong 7 - 10 phút. Hoặc dùng Chlorin hoà nước phun đều xuống ao với lượng 1 gam/1m3 nước. Phun trong 2 ngày liên tục.                                                                               

KS. Trần Thị Oanh 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên