Kinh nghiệm trồng ớt sai quả
Lượt xem: 805  | Ngày đăng: 02/01/2022

Thời gian qua giá ớt tăng cao giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt nhờ trồng ớt. Tham quan thực tế vùng trồng ớt tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và trao đổi kinh nghiệm với nhiều nông dân xin đưa ra một số kinh nghiệm thực tế để cây ớt sai quả.

1. Bố trí thời vụ thích hợp: Ớt có thể trồng được ở vụ đông xuân hoặc vụ hè thu. Song vụ hè thu nên trồng ớt vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, vụ đông xuân trồng cuối tháng 1 đầu tháng 2. Vì trồng sớm hay muộn quá, cây ớt sẽ sinh trưởng kém, hoa dễ bị rụng khi gặp lạnh giá hoặc nắng nóng.

2. Chọn giống: Tùy theo mùa vụ người trồng có thể lựa chọn các giống sao cho phù hợp, bảo đảm năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt, chống chịu được nhiều bất lợi thời tiết, giống ớt phân cành nhiều, quả to vừa phải, cùi dày… Hiện nay các giống ớt lai cay được nhiều nông dân các vùng lựa chọn là Demon Tiela, GS 888 Gold, giống số 20…

3. Thực hiện tốt các biện pháp canh tác: Đất trồng ớt phải được xử lý nguồn sâu bệnh hại bằng cách rắc vôi tả (25kg/sào) hoặc dùng thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Hexaconazol… để xử lý nấm bệnh. Đất trồng ớt thích hợp là đất thịt nhẹ, giàu mùn, có kết cấu, thoát nước tốt… Đất phải được bổ sung Ca để ớt không bị thối quả do thiếu chất này.

+ Lên luống trồng ớt 30-35 cm nhằm thoát nước tốt sau mưa và bộ rễ cây ít bị thối hỏng khi úng nước.

Bón phân cho ớt tốt nhất là phân gà ủ mục (7-8 tạ/sào). Loại phân này bón cho ớt sẽ làm cây xanh bền, sai quả, ớt cay, thơm, màu sắc đẹp, ít bị bệnh…

Phân hóa học dùng cho ớt nên chia thành nhiều lần để bón. Lượng dinh dưỡng ở mỗi lần bón lót hay thúc cần điều chỉnh sao cho tỷ lệ đạm: lân: kali là 1:1:1. Trong giai đoạn nuôi quả và sau mỗi lần thu hoạch người trồng cần bổ sung dinh dưỡng hóa học cho cây bằng cách bón phân vào một bên hàng cây hoặc giữa 2 hàng hay đục lỗ để vùi phân xuống đất. Tuyệt đối không nên hòa phân tưới vào gốc ớt sẽ dễ làm ớt bị thối rễ chết cây. Phân bón qua lá được ưu tiên ở các thời kỳ: cây con, cây đang nuôi quả, quả chín…

+ Làm giàn cho ớt: Tốt nhất là cắm trụ cứng xung quanh hàng ớt, dùng dây nilon chằng xung quanh và cột cây sao cho chắc chắn để cây ớt không bị gãy đổ khi gặp mưa, gió, nhất là thời điểm mang quả.

4. Bệnh gây hại nghiêm trọng cho cây ớt là các loài nấm và vi khuẩn dưới đất khi xâm nhập làm rễ cây bị thối hỏng và ớt héo hàng loạt. Kinh nghiệm phòng trị bệnh này là không lạm dụng quá nhiều phân đạm, không nên bón phân đạm đơn mà thay thế bằng phân NPK + TE (vi lượng). Cần bổ sung thêm các chế phẩm xử lý đất để tưới vào vùng rễ định kỳ (3-4 lần/vụ)… Ngoài ra, cần phòng trừ tốt các loài côn trùng chích hút ngọn ớt, bệnh thán thư gây cháy quả, bệnh sương mai gây thối lá, rụng quả.

Bài, ảnh: Kim Lan

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên