Sử dụng phân bón hợp lý trên cây trồng
Lượt xem: 795  | Ngày đăng: 03/01/2022

Bón phân hợp lý là bón đảm bảo cân đối, phù hợp với đặc điểm cây trồng, tính chất của đất đai, điều kiện khí hậu thời tiết, đặc điểm mùa vụ và hệ thống canh tác của địa phương, nhằm đạt hiệu quả sản xuất cây trồng cao nhất.

          I. Các nguyên tắc bón phân hợp lý

          Bón phân cũng tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: Đúng loại phân, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách

1. Đúng loại:

– Sử dụng đúng loại phân mà cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất.

– Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

- Cây trồng yêu cầu phân gì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 4 loại chính là: N, P, K, S; mỗi loại có chức năng riêng.

– Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ ổn định của môi trường đất.

2. Đúng liều

– Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn. Để sử dụng đúng liều lượng phân bón nhằm tiết kiệm được kinh tế, phù hợp với yêu cầu của cây trồng, tránh lãng phí phân bón, thì người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kết hợp với quan sát hình thái và tình trạng của cây, đất đai nơi trồng cây, thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp.

– Trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu  và nuôi quả của cây trồng mà bón lượng phân cho hợp lý, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.

3. Đúng lúc

– Đúng lúc là bón đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây trồng cần. Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậynên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc.

4. Đúng cách

– Bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng phân bón vào (đúng theo hướng dẫn của nhà SX).

– Một khi đã xác định được đúng phân, đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng.

– Sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lácần phải phun tập trung ở mặt dưới lá.

– Trong sử dụng phân bón hữu cơ khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây, phân hóa học như NPK bón theo đường rãnh cách  gốc 2/3 hình chiếu của tán cây, bởi cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, mà hệ thống lông hút lại tập trung ở gần đầu chóp rễ và tồn tại không quá 24 tiếng do quy luật phát triển của cả hệ thống rễ, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu tán, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.

* Việc sử dụng đúng 04 nguyên tắc trên ngoài việc giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

          II. Các cơ sở để bón phân hợp lý

Để bón phân hợp lý cần phải biết và hiểu được nhu cầu dinh dưỡng, hệ số sử dụng phân bón của cây, khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất, kỹ thuật trồng trọt và các phương pháp bón phân;

          1. Bón phân dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của cây

          Nhu cầu dinh dưỡng của cây là lượng dinh dưỡng cây cần từ khi trồng đến khi thu hoạch để cho năng suất tốt đa.

          + Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của cây qua các thời kỳ sinh trưởng và phát triển. Ở các thời kỳ sinh trưởng phát triển khác nhau của cây đòi hỏi một lượng dinh dưỡng khác nhau. Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây có một thời kỳ cây hút chất dinh dưỡng mạnh nhất thông thường thời kỳ này trùng với giai đoạn cây sinh trưởng phát triển mạnh nhất tích luỹ chất khô nhiều nhất.

          + Bón phân cần lưu ý đến thời kỳ khủng hoảng chất dinh dưỡng và thời kỳ hiệu suất cao của cây. Thời kỳ khủng hoảng chất dinh dưỡng là thời kỳ cây cần có đủ một lượng chất dinh dưỡng nào đó mà nếu thiếu thì các thời kỳ sau không bù được. Thời kỳ hiệu suất cao là khoảng thời gian chất dinh dưỡng có tác dụng tốt nhất đến năng suất cây trồng;

                   + Dựa vào sản phẩm thu hoạch: Lá hay củ, quả và yêu cầu chất lượng sản phẩm như thế nào?

          2. Bón phân dựa vào khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất

          Các loại đất khác nhau có tỉ lệ, hàm lượng các chất dinh dưỡng (đa lượng, vi lượng …) ở dạng dễ tiêu, khó tiêu khác nhau. Dinh dưỡng dễ tiêu là các chất dinh dưỡng mà cây trồng dễ dàng hấp thụ. Dinh dưỡng khó tiêu là các chất dinh dưỡng tồn tại ở dạng hợp chất cây chưa sử dụng được. Dựa vào lượng dinh dưỡng có trong đất nhiều hay ít để bón phân hợp lý cho cây.

          3. Bón phân dựa vào hệ số sử dụng phân bón của cây trồng

Các loại cây trồng khác nhau có hệ số sử dụng phân bón khác nhau

Hệ số sử dụng phân bón là tỉ lệ phần trăm phân bón cây hấp thu được trên tổng lượng phân bón vào cho cây. Dựa vào hệ số sử dụng phân bón của cây để xác định lượng bón cho phù hợp.

          4. Bón phân dựa vào kỹ thuật trồng trọt.

          - Cây trồng trong các mùa vụ khác nhau thì yêu cầu loại phân và liều lượng bón cũng khác nhau.

          + Cây vụ đông bón nhiều P, K , bón ít đạm bởi vì bón đạm nhiều cây sinh trưởng quá mạnh tạo ra nhiều bộ phận non sức chống chịu kém, bón nhiều P, K để tăng cường khả năng chống chịu cho cây;

          + Vụ hè thu để tăng khả năng chống nóng và chống hạn (tăng khả năng hút nước của tế bào) cần chú ý bón P, K, Ca.

          - Theo mật độ trồng .v.v.

          Mật độ trồng khác nhau thì yêu cầu về lượng phân bón khác nhau. Khi tăng mật độ trồng cần tăng thêm liều lượng phân bón và số lần bón để cây trồng cho năng suất cao.

          5. Bón phân dựa vào yếu tố khí hậu thời tiết

+ Nghiên cứu vùng khí hậu: Để xây dựng chế độ sử dụng phân bón cho vùng.    

+ Xem xét diễn biến thời tiết: Nhiệt độ, lượng mưa, thời gian chiếu sáng (số giờ nắng) để chọn cách bón, thời điểm bón.

          + Trời âm u không nên bón đạm vì bón cây sinh trưởng thân lá mạnh nhiều bộ phận non dễ nhiễm các loại sâu bệnh.

          6. Các phương pháp bón phân

          - Phương pháp bón lót: Đối với các loại phân hữu cơ và vô cơ khó tan

          - Phương pháp bón thúc: Đối với các loại phân vô cơ dễ tan cây dễ hấp thu

          Hiện nay có một số nơi dùng toàn bộ lượng phân để bón lót. Bón lót có ưu điểm là ít tốn công nhưng cây không thể sử dụng hết chất dinh dưỡng ngay một lúc nên dễ bị rửa trôi mất phân. Bón lót kết hợp bón thúc thì hiệu quả sử dụng phân bón cao hơn nhưng nhưng tốn công. Tuỳ điều kiện của từng địa phương mà người ta có thể sử dụng phương pháp bón khác nhau nhưng xu hướng chung là giảm số lần bón song vẫn đảm bảo được năng suất để giảm số công đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ giới hoá.

              - Cách bón. Thường bón vào đất hay hoà vào nước để tưới.

Có thế dùng để phun qua lá thường sử dụng đối với các loại phân vi lượng phương pháp này thường tiết kiệm được phân bón, thời gian, sức lao động nhưng đòi hỏi hiểu biết và kỹ thuật cao.

Lê Giang

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên