Lục Ngạn: Tập trung chỉ đạo chăm sóc vải thiều giai đoạn hoa và đậu quả
Lượt xem: 101  | Ngày đăng: 27/02/2024

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trà vải sớm đã ra hoa đạt tỷ lệ 50 - 60%, diện tích ra hoa kèm lộc 15 - 20%; trà vải thiều chính vụ khoảng 20 - 25% diện tích đã ra lộc, 20 - 30% diện tích vừa ra hoa và ra lộc, 45 - 50% diện tích chưa báo hoa. Nguyên nhân vải thiều chính vụ có tỷ lệ ra hoa thấp là do mùa Đông năm 2023 ấm hơn so với trung bình hàng năm khoảng 1,50C làm ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa.

Hiện, các trà vải thiều đang ra hoa và phân hóa mầm hoa, chuẩn bị cho giai đoạn đậu quả. Đây là thời điểm rất quan trọng trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả vải. Để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho cây vải phân hóa mầm hoa, bật hoa, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo các thành viên Tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều và kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói năm 2024 thường xuyên đi cơ sở để theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình tỷ lệ ra hoa, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều giai đoạn ra hoa và đậu quả.

Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyền truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vải giai đoạn ra hoa; phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với các xã thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

- Đối với trà vải sớm: Cần tập trung chăm sóc, tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, sử dụng chế phẩm phân bón qua lá để tăng khả năng đậu hoa, quả; tập trung điều tra theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại như: Bệnh sương mai, thán thư, sâu đo, bọ xít, rệp muội bằng những loại thuốc đặc hiệu.

- Đối với trà vải chính vụ: Diện tích vải thiều đã thấy rõ chùm hoa: Cần tưới nước đủ ẩm kết hợp bón bổ sung các loại phân bón lá nhằm kéo dài chùm hoa, tăng chất lượng hoa, giúp quá trình thụ phấn được thuận lợi và tăng khả năng giữ quả. Diện tích vải thiều vừa ra hoa vừa ra lộc: Thực hiện giữ ẩm và phun các chế phẩm phân bón trung lượng, vi lượng qua lá nhằm kích thích phát triển hoa, đậu quả và có tác dụng ức chế sinh trưởng của lộc non. Nếu lộc ít tiến hành ngắt lộc thủ công tạo điều kiện cho hoa phát triển. Diện tích vải bắt đầu có hiện tượng bật mầm hoa: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thực hiện đồng bộ các biện pháp: Giữ ẩm đất và phun các chế phẩm phân bón lá có hàm lượng đạm thấp, hàm lượng lân và kali trung bình, kết hợp với chất điều hòa sinh trưởng để kích thích phát triển mầm hoa, ức chế sinh trưởng của lộc non.

UBND các xã, thị trấn: Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã về các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thời kỳ ra hoa và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Chỉ đạo cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm tình hình tỷ lệ ra hoa trên các trà vải. Đồng thời, hàng tuần báo cáo tình hình sản xuất, tỷ lệ ra hoa trên vải thiều về Phòng Nông nghiệp và PTNT.

Tin: Trần Vĩnh
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên