Kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm, rạ
Lượt xem: 950  | Ngày đăng: 02/01/2022

Cây khoai tây đã được bà con nông dân ở nhiều địa phương trồng cho hiệu quả kinh tế cao và tận dụng được đất nghỉ của vụ đông, góp phần tăng được hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích đất canh tác. Trên địa bàn tỉnh nhiều huyện có truyền thống trồng khoai tây như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang… nhưng chủ yếu bằng phương pháp truyền thống.

Vụ đông năm 2010 được sự giúp đỡ của Văn phòng FAO-IPM và Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành triển khai 02 mô hình tại huyện Lạng Giang và Việt Yên, cùng với 14 tỉnh trong cả nước đã tiến hành triển khai mô hình từ năm 2009 đến nay. Kết quả mô hình của Chi cục và các tỉnh bạn đã khẳng định được ưu thế vượt trội của phương pháp này như: giảm 80% công lao động ở các khâu làm đất, thu hoạch, tưới nước, đồng thời giảm dịch hại và tăng năng suất 20- 25% so với phương pháp làm truyền thống, đặc biệt là tăng chất lượng củ thương phẩm cho kích cỡ củ to, nhẵn, sáng, đẹp, vì vậy làm tăng hiệu quả kinh tế. 

Các biện pháp kỹ thuật

1. Giống và thời vụ: khung thời vụ từ 15/10- 20/11 và bộ giống của địa phương.

2. Chọn đất- làm đất:

- Chọn chân đất cát pha, thịt nhẹ, thoát nước tốt, trước khi cày đất đủ ẩm.

- Sau khi thu hoạch lúa cắt ngắn gốc rạ sát đất, dọn sạch rạ trên ruộng.

- Tiến hành cày 1 xá xung quanh ruộng tạo rãnh và cày chia luống rộng khoảng 1,2m, mỗi rãnh cày 2 xá để lên luống. Sau khi bón phân lót lên luống như bình thường. 

3. Phân bón:

Lượng bón cho 1 sào bắc bộ: (Như biện pháp trồng thông thường)

- Phân chuồng hoai mục: 500-700 kg

- Lân lâm thao: 20kg

- Kali clorua    : 8-9 kg

- Đạm ure       : 7-8 kg

- Vôi bột         : 10- 15 kg

Có thể tăng giảm tùy theo từng chân đất.

Cách bón:

- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, lân, vôi, 50% kali, 50% đạm vào giữa luống (Lưu ý bón đạm, kali trước sau đó trộn phân chuồng + lân + vôi bón sau). 

- Bón thúc 1: sau khi mầm khoai mọc đạt khoảng 15- 20 cm, tưới 20- 25% lượng đạm. 

- Bón thúc 2: Sau khi trồng 40-45 ngày bón dúi gốc hoặc tưới nốt lượng phân còn lại. 

4. Kỹ thuật trồng:

- Sau khi bón phân, dùng cuốc lên luống cho gọn gàng, lưu ý phương pháp này không vun sới nên rãnh phải đảm bảo thoát nước tốt và kín phân.

- Đặt củ giống theo 2 rạch thẳng theo chiều dài của luống, hàng cách hàng 30-35 cm, cây cách cây 25-30 cm (mật độ như phương pháp trồng truyền thống). Đặt xong củ nào dùng tay bốc đất bột ở má luống hoặc dãnh phủ kín củ giống.

- Sau khi đã đặt củ giống xong toàn bộ ruộng tiến hành che phủ rơm, rạ kín mặt luống sao cho ép xuống lớp rơm rạ đó có độ dày khoảng 7 cm là được (theo tiêu chuẩn cứ 1 sào khoai cần 4 sào rạ, nhưng do trồng trên diện tích tập trung, nếu thiếu rơm rạ có thể lấy đất dưới rãnh để che đậy củ vào giai đoạn phát triển củ để củ không bị xanh vỏ) 

- Tiếp đến dùng ô doa tưới nước ướt đều lên mặt luống.

5. Kỹ thuật chăm sóc:

- Do che phủ rơm rạ và ruộng làm còn đủ ẩm nên ở trong luống được giữ ẩm rất tốt do vậy chỉ tưới nước khi nào ruộng thực sự khô (vì cây khoai tây không ưa độ ẩm cao). 

Kỹ thuật tưới rãnh, đưa nước chảy đều vào 2/3 các rãnh sau đó tháo kiệt ngay, không được ngâm nước lưu tại ruộng (vì để đất bị nhão sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển củ và gia tăng bệnh héo rũ, sương mai).

- Tiến hành nhổ cỏ dại và che đậy lại những nơi rơm rạ bị lật.

- Sau khi cây mọc được khoảng 7-10 cm tỉa bớt mầm mỗi cây chỉ giữ lại từ 2-3 mầm khỏe.

6. Bảo vệ thực vật: 

Theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại nếu thấy xuất hiện cần phải có biện pháp quản lý kịp thời, đặc biệt chú ý: bênh sương mai, héo rũ khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

7. Thu hoạch:

Chọn ngày khô ráo, cây khoai đã có biểu hiện xuống củ (lá chuyển màu vàng) tiến hành thu hoạch, phương pháp này do không vun sới nên củ khoai thường tập trung ở sát mặt đất nên không cần dùng cuốc để thu hoạch tránh gây sứt sát cho củ. 

Sau đó phân loại củ thương phẩm và củ có kích thước nhỏ để giống.

* Lưu ýNếu không đủ lượng rơm rạ đậy theo tiêu chuẩn thì có thể vun đất sau khi trồng khoảng 40-45 ngày, tức là giai đoạn phát triển củ để củ được phát triển trong điều kiện không có ánh sáng sẽ hạn chế củ bị xanh vỏ. Không vun đất quá sớm sẽ làm gia tăng sự đâm tia hình thành củ muộn sẽ làm tăng số củ/ khóm nhưng trọng lượng củ sẽ nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng củ thương phẩm.

Ths. Đỗ Thị Luyến

Chi cục Bảo vệ thực vật

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên