Phòng trừ sâu đục cuống quả vải
Lượt xem: 224  | Ngày đăng: 03/01/2022

Cây vải là cây ăn quả có thế mạnh về kinh tế của tỉnh. Trong các đối tượng sâu bênh gây hại hiện nay, sâu đục cuống quả (tên khoa học Conopomorpha sinensis Bradlaythuộc bộ Lepidoptera) luôn là đối tượng cần phòng trừ hàng đầu. Nó không những làm giảm năng suất, chất lượng hàng hóa mà còn giảm giá thành sản phẩm và hạn chế việc xuất khẩu ra thị trường ngoài.

Để phòng trừ có hiệu quả đối tượng gây hại này thì người sản xuất vải phải biết được những đặc điểm sinh học cũng như tập tính, qui luật phát sinh phát triển của nó.

1. Đặc điểm sinh học:

Vòng đời của sâu đục cuống quả vải từ 22-33 ngày. Sau khi vũ hóa trưởng thành thường đẻ trứng trên lá lộc non, hoa và quả. 

Trên một quả vải thường có từ 1-6 trứng, cá biệt có quả 21 trứng. Trứng rất nhỏ giống như vảy, sau khi đẻ từ 3-5 ngày trứng nở. 

Sâu non có 5 tuổi, màu trắng trong. Sau khi nở chúng đục vào gân lá ở thời kỳ phát triển lá và vào hạt ở giai đoạn quả nhỏ ăn hết phần cơm hạt, khi quả đã có cùi sâu non đục vào cùi và chủ yếu ăn phần thịt xung quanh cuống quả.

 Sâu non thành thục sẽ đục lỗ trên gân lá, cuống hoa và cuống quả để chui ra ngoài hóa nhộng. Nhộng của chúng thường làm phía trên lá, chúng nhả tơ kết kén là một màng mỏng có màu trắng trong, có hình bầu dục. 

Trưởng thành thường vũ hóa vào ban đêm và chúng tập trung trú ở mặt dưới của cành, chúng ưa thích những vườn có ẩm độ cao, trong tán cây rậm rạp ít ánh sáng, thường tập trung ở các phần gốc và các cành lá (cành phân bố dưới 45o độ so với chiều thẳng đứng) phía trong tán cây.

Một năm có từ 10 – 11 lứa.

2. Biện pháp quản lý:

a. Biện pháp cắt tỉa tạo tán, vệ sinh vườn:

Phương pháp này được ứng dụng ngay sau khi thu hoạch 15 ngày để điều chỉnh số lộc hữu hiệu, chất lượng cành lộc, nhất là lộc thu làm tăng khả năng ra hoa, tăng năng suất và cũng là hạn chế nơi cư trú của trưởng thành sâu đục cuống quả, làm hạn chế sự gây hại của sâu đục cuống quả đáng kể. 

Sau khi thu hoạch cũng như trong thời kỳ chăm sóc, người trồng vải đặc biệt lưu ý đến phát quang các bụi rậm xung quanh vườn để hạn chế nơi cư trú của sâu đục cuống quả vải.

b. Biện pháp chăm sóc:

Bón phân cân đối để tạo điều kiện ra hoa, phát triển quả đồng đều và giúp cây có khả năng đền bù cho những quả bị mất, đảm bảo năng suất của vườn vải.

Tưới nước hợp lý không để vườn quá khô hoặc quá ẩm nhằm hạn chế sự phát triển và gây hại của đối tượng này.

c. Biện pháp hóa học:

Kết hợp với các biện pháp quản lý dịch hại trên, khi mật độ sâu đục quả trên vườn lên cao cộng với giai đoạn xung yếu thì biện pháp hóa học là rất cần thiết nhưng lưu ý không được phun trừ tùy tiện để tránh lãng phí thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong một vụ quả thì lứa 3, 4, 5 là lứa quan trọng (thường từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 7). Trong thời gian này người trồng vải cần tập trung theo dõi vào các buổi sáng sớm và chiều tối (là thời gian trưởng thành hoạt động mạnh), nếu thấy trên cành xuất hiện từ 3- 5 con trưởng thành trở lên hoặc trưởng thành rộ thì tiến hành phun bằng các thuốc thuộc nhóm: Cypermethrin, Abamectin, Emamectin benzoate hoặc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn địa phương.

Lưu ý khi phun thuốc nên sử dụng bình phun có áp suất lớn, phun từ trong tán phun ra và chụp từ ngoài tán vào thì hiệu quả phòng trừ đạt cao hơn. Phải đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch theo khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm.

Đỗ Thị Luyến

Chi cục Bảo vệ thực vật

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên