Kỹ thuật trồng cây mét
Lượt xem: 758  | Ngày đăng: 03/01/2022

Cây mét còn có tên gọi khác là: Mạy sang, Mạy sang mu, Mạy sang mún, Mạy mén; tên khoa học: Dendrocalamus membranaceus Munro. Thuộc họ: Phụ tre nứa (Bambusoideas), họ hoà thảo (Graminaceas)
I. Đặc điểm hình thái
Thân có đường kính 20-30 cm, cây cao tới 20-30m. Màu sắc thân thay đổi theo tuổi. Khi cây còn non (1-2 tuổi) có màu xanh nhạt, bóng, có phấn trắng ở gần các đốt. Khoảng 3-4 tuổi màu xanh xẫm. Đến 7-8 tuổi có màu xanh nhạt hoặc xanh xám có nhiều rêu (thường gọi hoa đá)
Đốt mét đặc (nơi tiếp giáp giữa hai lóng). Mỗi đốt có mầm thường gọi là mắt mét. Nơi phát sinh ra cành lóng mét, bổ dọc có 3 lớp rõ rệt: Phía ngoài có vỏ mỏng màu xanh; Lớp giữa là lớp “thịt” chiều dày trung bình khoảng 2-3 cm; Lớp trong là màng mỏng dính liền với thịt, có nhiều phấn trắng, xốp. Lóng mét dài ngắn khác nhau, nhìn chung cây cao lớn có lóng dài, cây nhỏ thấp thì ngắn
Gốc mét (củ) nằm dính mặt đất, hơi cong, to hơn thân, dài khoảng 30-40 cm. Lóng và đốt ở phần gốc đều đặc không rỗng như thân. Rễ chùm phát sinh từ các đốt, rễ được phân thành rễ chính và rễ phụ:
- Rễ chính: Phát sinh từ các đốt nằm kín trong đất, dường kính 2-4mm, chiều dài 2-3cm, có thể ăn sâu 1-2m.
- Rễ phụ: Phát sinh từ các đốt của thân ở gần mặt đất, các đốtxa mặt đất không mọc rễ phụ.
Cành mét: Mọc từ các đốt, ở đốt phát sinh thường có một cành to nhất và 2-3 cành nhỏ. Phần gốc cành tiếp giáp với đốt phình to một chút, có khả năng phát sinh mầm và rễ. Trên mỗi đốt của cành lại phát sinh nhiều cành phụ. Những bụi mét lớn, cây to cao, cành tập trung vào những đốt ở phần trên ngọn.Trái lại ở những bụi mét bé, cây nhỏ và thấp, cành lại có nhiều ở các đốt sát mặt đất.
Lá mét: Hình thuôn dài, có mũi nhọn, trên xanh thẫm, dưới nhạt hơn, màu lá thay đổi theo mùa và tuổi cây. Mo thân, mo cành đều dính liền với đốt và bao bọc lấy lóng. Mo thân to hơn nhiều so với mo cành.
II. Đặc điểm sinh thái, lâm sinh
Mét phát triển tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình 23-25 0 C, lượng mưa từ 1600-1800 mm/năm, độ ẩm không khí trên 80%. Đòi hỏi đất tốt, phát triển trên các nền đá mẹ Mácma kiềm, Poacphia, Badan. Mọc thuần loại hay hỗn loại với các cây gỗ trong rừng thứ sinh. Mét ưa ánh sáng, mọc rất nhanh, sau 24 giờ có thể cao thêm 20-30 cm. Mét ra hoa từng bụi, nhưng chưa bao giờ gặp mét kết hạt và tái sinh hữu tính.
III. Phân bố
Mét phân bố tại nhiều nơi ở miền bắc Nghệ An (Con Cuông, Tương Dương, Quế phong, Quì Hợp, Nghĩa Đàn, Quì Châu), Thanh Hoá (Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lạc), Hoà Bình (Mai Châu), Hà Nam, Ninh Bình. Song vùng Ngọc Lạc, Lang Chánh vẫn được coi là cái “nôi” của mét. Đây là vùng mét chủ yếu của Việt Nam .
Giá trị kinh tế: Mét được dùng để xây dựng nhà cửa, bè đánh cá, cầu phao, cột buồm, vật liệu đan lát trong gia đình. Mét còn được làm nguyên liệu giấy, ván sợi ép thay gỗ. Măng làm thực phẩm. Mét là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao .
IV. Kỹ thuật trồng
1. Tạo giống
Theo tập quán trước đây, nhân dân trồng mét chỉ dùng giống gốc, giống chét. Qua nhiều năm nghiên cứu, tới nay mét còn được trồng bằng giống cành, hom thân có cành, hom thân có chồi ngủ, trong đó giống cành được trồng nhiều nhấtbởi khả năng tạo được nhiều giống.
Tất cả các giống trên đều phải chọn ở cây mẹ 10-14 tháng tuổi, thân cây xanh thẫm hoặc xanh lá mạ, phát triển đầy đủ cành lá, không lấy cây khuy (cây ra hoa). Trừ giống gốc và giống chét được trồng trực tiếp, 3 loại còn lại đều phải tạo giống qua vườn ươm.
Giống cành: Để có giống cành chất lượng tốt trước khi đem ươm ta tiến hành theo các bước sau:
- Giống cành ra rễ tốt ở những tháng có nhiệt độ không khí trung bình từ 22 đến 25 oC (từ tháng 4 đến tháng 8). Để có giống tốt, chọn cành mét có đường kính lớn hơn 1cm, nếu chọn những cành nhỏ hơn, giống sinh trưởng chậm. Những cành bẹ mo đã rụng, không còn vết trắng, rễ khi sinh đã chuyển sang màu xám, mắt cua hoặc màu vàng sáng thì ra rễ ít và măng mọc kém. Cành có dáng đùi gà nhẵn, không có vành rễ thì khi ủ cành không ra rễ do đó giống bị chết.
- Dùng dao thật sắc chặt gốc cành sát phần thân cây, tránh làm dập đùi gà. Độ dài cành lấy dài từ 35-40 cm (2-3 lóng) kể từ gốc cành. Giống cành lấy vềphải đem ngâm trong chất kích thích sinh trưởng (không được để quá 2 ngày). Trong thời gian chờ đợi bảo quản cành vào chỗ râm mát và, tưới cho khỏi héo.
- Dùng một trong các chất sau để kích thích sinh trưởng: 2,4 D; 2,45 T, muối Natri, Kali của 2,4D bằng cách hoà tan các chất kích thích trên vào cồn 96 0 với tỷ lệ 1g thuốc/8-10 cm3 cồn hoặc trong rượu trắng 40 o với liều lượng 1g/20-25cm3. Sau đó đổ dung dịch hoà tan nói trên vào bể ngâm với lượng nước lã và khuấy đều theo tỷ lệ sau:
+2,4 D: hoà tan trong 50 lít nước
+2,45 T: hoà tan trong 55 lít nước
+Với muối kali, natri của 2,4 D hoà tan trong 10 lít nước.
- Ngâm cành ngập phần gốc với độ sâu 10-13 cm. Nếu nhiệt độ không khí từ 20-28 oC thì thời gian ngâm từ 12 đến 15 tiếng. Nhiệt độ không khí trên 29 oC thì ngâmtừ 9-11 tiếng.
- Sau khi ngâm cành, vớt ra ủ trong mùn cưa (1kg mùn cưa/1 lít nước lã) hoặc trong cát ẩm (1kg cát khô/0,5 lít nước). Cành xếp nghiêng 60 o , mỗimột lớp cành phủ một lớp cát hoặcmùn cưa dày 20cm. Thời gian ủ từ 20 đến 23 ngày thì cành đã có rễ cám, 15 ngày đầu giữ độ ẩm của mùn cưa hoặc cát khoảng 85-90%, những ngày tiếp theo độ ẩm có thể giảm đi chút ít. Sau thời gian ủ, chọn cành có rễ đem ươm,số còn lại tiếp tục ủ cho đến khi ra rễ cám.
Ươm giống
Ươm trong vườn
Yêu cầu vườn ươm phải bằng phẳng, đất thịt hoặc đất thịt nhẹ.Nếu vườn cao thì không cần lên luống mà ươm theo rạch.Đất vườn thấp dễ úng thì phải lên luống. Bón lót 3-4 kg phân chuồng/m2.
Cành được ươm theo rạch, rạch sâu 10cm, cành cách cành 20cm, rạch cách rạch 50cm. Cành đặt nghiêng 60 o so với mặt đất, 2 mắt cua nằm 2 phía thành của rạch. Dùng đất vụn lèn chặt phần đùi gà sau đó tưới ẩm, phủ rơm rạ kín mặt luống.
Chăm sóc: Cành ươm được che khoảng 40-50% ánh sáng. Giàn cao 1,2-1,3m, sau 45-60 ngày dỡ dần giàn che. Giữ ẩm đều cho đất. Làm cỏ thường xuyên.
Bón thúc: Trong thời gian ở vườn, cành ươm được bón thúc 2 lần với hỗn hợp phân như sau: 30g U rê + 25g super + 10g sunfát kali + lít nước tưới cho 2m chiều dài rạch. Lần thứ nhất bón vào lúc 20 ngày sau khi ươm, lần thứ 2 sau 50 ngày.
Ươm trong bầu
Dùng bầu với thành phần đất thịt nhẹ + 15% phân chuồng hoai. Vỏ bầu bằng P.E thủng đáy, đường kính 12-13cm, chiều cao 18-20cm. Cho hỗn hợp đất, phân vào bầu đến chiều cao 1/3, lèn chặt, đặt cành vào bầu cho đầy đất ắp, lền chặt, tưới ẩm rồi tiếp tục cho hỗn hợp đất phân đầy bầu.
Bầu đặt cách nhau 15 m trên luống, phủ kín đất đến 3/4chiều cao bầu. Vườn có dàn che ánh sáng. Chăm sóc như đối với ươm ở vườn.
2. Trồng Mét
- Thời vụ: Vụ chính vào mùa xuân, và 1 vụ phụ trồng vào vào mùa thu.
- Xử lý thực bì:
+ Trường hợp thực bì là trảng cỏ, cây bụi thì phát quang rộng 2,2 m nơi cuốc hố trồng. Mật độ 300 bụi/ha. Cự li 6x6 m
+ Thực bì là rừng gỗ thứ sinh, tre nứa hỗn giao hoặc thuần loại thì phát rộng 2m, rạch cách rạch 10-12m theo hướng đông tây hay đường đồng mực. Mật độ 150 đến 200 bụi/ha.
- Kích thước hố trồng: 50 x 50 x 50 cm,đào trước vụ trồng ít nhất 1 tháng, đào xong phải lấp lại để giữ ẩm.
- Cây giống đem trồng:
+ Giống gốc, giống chét có ít nhất 1-2 chồi ngủ khoẻ mạnh.
+Giống cành, tối thiểu phải có một thế hệ cây con (măng mắt cua).
- Chăm sóc rừng non: Chăm sóc trong 4 năm. Phát dây leo, cây bụi, mỗi lần chăm sóc đều phải cuốc xới đất quanh hố. Khi chăm sóc phải giữ lại tất cả cây gỗ tái sinh./.

Theo Cục Kiểm Lâm

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên