Quy trình nhân giống Ba kích tím
Lượt xem: 627  | Ngày đăng: 04/01/2022

1. Vườn ươm

- Chế độ ánh sáng: Cây Ba kích tím ưa ẩm và chịu bóng, thích hợp với độ che tán từ 30 - 60%. Vì vậy, vườn ươm phải thiết kế hệ thống lưới cắt nắng. Trên thị trường có nhiều loại có khả năng cắt nắng, tốt nhất ta nên dùng loại 30-50%.

 - Chế độ nước và ẩm độ: Cây Ba kích tím thích hợp với ẩm độ từ 82 - 89%. Vì vậy, đất trong vườn ươm phải có độ tơi xốp và thoát nước để chủ động tưới tiêu.

 - Nhiệt độ và độ thông thoáng: Thích hợp nhất với nhiệt độ từ 22,5 – 23,1 độ C .

2. Nhân giống Ba kích tím bằng hạt

a. Nguồn giống

- Hạt giống phải được thu hoạch từ vườn giống cây mẹ khỏe mạnh đạt 3 năm tuổi trở lên, đã qua tuyển chọn nhằm đảm bảo kế thừa các yếu tố di truyền.

b. Xử lý hạt giống

- Ba kích ra hoa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và quả chín rộ vào tháng 12. Chọn từng quả chắc mẩy chín đỏ, quả không dập thối. Sau khi thu hái về, cho quả vào bao tải ủ vài ba ngày để vỏ quả chín nhũn ra sau đó đem chà xát lớp vỏ quả, rửa sạch lớp vỏ quả, Trước khi xử lý hạt, thả hạt vào nước (có thể pha thêm muối) để loại bỏ những hạt nổi.

- Xử lý hạt: ngâm hạt trong nước 2 ngày sau đó vớt ra, rửa sạch và ngày thứ 3 ngâm với nước có pha Basudin 0,5% + Benlate C 0,5% để hạn chế nấm bệnh và kiến, Sau đó vớt ra đem gieo:

- Gieo vào thùng cát: cát được làm sạch, rang hoặc sấy nóng khử trùng để nguội, rải 1 lớp cát dưới đáy, tưới nước đủ ẩm. Hạt được trộn đều với cát theo tỷ lệ 1/5, vẩy nước cho đủ ẩm rồi rải đều trên mặt cát sau đó rải một lớp cát mỏng lên trên, phun nhẹ nước cho đủ ẩm, đậy kín, để ở điều kiện có mái che. thường xuyên theo dõi và phun nước tạo độ ẩm.

- Gieo thẳng vào bầu: Trước khi tra hạt vào bầu phải tưới phun sương trên mặt luống bầu để tạo độ ẩm cho đất bầu, dùng que tạo lỗ chính giữa bầu rồi thả 3 – 4 hạt vào mỗi bầu, lấp kín đất. Cắm rào che mặt bầu và tưới nước đủ ẩm

* Tạo bầu và cấy cây

- Tạo bầu: Sử dụng bầu PE kích thước 8 x 15 cm. ruột bầu được đóng bằng 90% đất thịt vườn ươm (tốt nhất là đất đồi feralis vàng đỏ) làm nhỏ, loại bỏ rễ cỏ và tạp chất + 9% phân chuồng hoai + 1% supe lân tính theo trọng lượng bầu. Bầu đóng đầy, chặt, xếp thành luống rộng 0,8 – 1m, dài 5m, rãnh rộng 50 – 60cm. mặt bầu bằng phẳng, lấp đất quanh luống cao 2/3 bầu, cho đất bột vào các khe hở giữa các bầu.

-  Cấy cây: Khi hạt ủ trong thùng cát bắt đầu mọc mầm, đổ cát và hạt ra, chọn hạt đã mọc mầm cho vào bầu. hạt chưa mọc mầm cho vào thùng ủ tiếp. Đối với hạt đã được gieo thẳng vào bầu thì tiến hành nhổ tỉa, chỉ để 1 cây/bầu. sau khi cấy và tỉa cần cắm ràng hoặc che mặt luống và tưới nước đủ ẩm.

 -  Đảo bầu: Sau khi gieo hạt vào bầu được 2 tháng thì tiến hành đảo bầu lần đầu và tiến hành đảo lần thứ 2 trước khi xuất vườn 1-1,5 tháng, đảo bầu vào ngày râm mát, che nắng và tưới nước sau khi đảo bầu cho đến lúc cây ổn định.

 

 

3. Chăm sóc cây con

-  Trong 20 ngày đầu cây phải được che bóng 100%, sau đó giảm xuống 50%. Khi cây ra 1 – 2 lá thật (khoảng 40 ngày) giảm che bóng xuống 25% và bỏ hoàn toàn từ trước khi trồng 1 – 2 tháng vào ngày râm mát để tránh cây con bị nắng đột ngột.

- Tưới nước: Trong 15 ngày đầu cần tưới nước 1lần/ngày sau đó giảm xuống 2 ngày/lần cho đến trước khi xuất vườn một tháng, lượng nước tưới phụ thuộc vào thời tiết, nhưng phải đảm bảo cho cây đủ ẩm.

- Làm cỏ: Định kì 20 ngày nhổ cỏ phá váng kết hợp với điều chỉnh cho cây con đứng thẳng 1 lần. Vào mùa Đông cần đề phòng sương muối bằng cách che cho cây và tưới rửa vào sáng sớm. Chống úng sau cơn mưa và phòng trừ sâu bệnh, chuột cắn cây con.

-  Bón phân: Sau khi cây con đã ra lá kép, chiều cao đạt 10cm thì tiến hành bón thúc phân NPK (tỉ lệ 2:3:1) với liều lượng 0,2kg hoà tan vào 10 lít nước, tưới 3lít/m2 phải tưới trước khi cây xuất vườn từ 1,5 – 2 tháng.

*  Tiêu chuẩn cây con: Cây sau 3-4 tháng, cao 20 - 30 cm bắt đầu vươn ngọn leo, thân mập khoẻ, lá đều, không dấu hiệu sâu bệnh, là đạt tiêu xuất vườn.

4. Phòng trừ sâu bệnh

 Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và phòng trừ các loại bệnh cho cây con, cây Ba kích con thường dễ bị mắc các loại bệnh sau:

+ Kiến cắn cây con: Khi phát hiện kiến cắn cây con phải tưới dầu hoả xung quanh luống.

+ Bệnh thối cổ rễ: Thường gặp vào mùa mưa khi cây trong bầu không thoát nước kịp. Có thể sử dụng Bordeaux 1:4:15 (1 CuSO4: 4 CaO: 15 H2O) và các loại thuốc có gốc Cu phun vào gốc.

+ Bệnh nấm rỉ sắt: Bệnh thường gặp khi cây bị suy yếu do thiếu phân. cây có hiện tượng lá màu vàng có nhiều đốm đen như sắt bị rỉ. Dùng Sameton 25wp  Pha 6-8g/8l nước phun đẫm lên lá, ngoài ra có thể dùng Bumper 25EC, Benzen 70WP.

Bài: Mạnh Hùng

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên