TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia sáng (19/7) bão WIPHA đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2025. Hiện nay, khu vực tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với rìa phía tây hoàn lưu bão WIPHA (bão số 3) đang hoạt động, từ chiều tối 19/7 trở đi sẽ gây mưa rào và dông, có nơi có mưa to đến rất to diện rộng trên địa bàn tỉnh; từ ngày 21 - 24/7 các sông trong tỉnh khả năng xảy ra một đợt lũ, đỉnh lũ phổ biến ở mức từ báo động 2 đến báo động 3.
Để chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu mưa, lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các phường, xã tập trung chỉ đạo một số nội dung trọng tâm sau:
Đối với sản xuất lúa: Phối hợp chặt chẽ với các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; huy động các lực lượng phương tiện khơi thông dòng chảy, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa; khoanh vùng những nơi trũng thấp có nguy cơ ngập úng cao, nhất là những diện tích đã gieo cấy lúa mùa để tiêu thoát nước kịp thời khi có ngập úng. Với những diện tích chưa gieo cấy, cần bám sát diễn biến thời tiết, tạm dừng gieo cấy trong thời gian mưa bão; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tập trung sản xuất khi thời tiết thuận lợi. Bên cạnh đó, có phương án bảo vệ nguồn mạ đã gieo và chuẩn bị giống dự phòng bằng các giống lúa ngắn ngày, để chủ động gieo, cấy bổ sung kịp thời diện tích bị thiệt hại.
Đối với rau màu: Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch diện tích rau, màu đã đến thời kỳ thu hoạch; gia cố hệ thống nhà lưới, nhà màng, giàn cây, vun gốc và các biện pháp che chắn bảo về diện tích còn lại; khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng, có giải pháp tiêu thoát nước nhanh cho diện tích úng ngập; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi kết thúc mưa bão.
Đối với cây ăn quả: Khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích đã chín; đối với cây đang mang quả chưa đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động tỉa bỏ bớt cành, lá, quả trên chùm, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn, va đập khi gặp gió mạnh, chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây. Sau mưa, bão cần sớm vệ sinh vườn cây, tăng cường chăm sóc để cây sớm hồi phục.
Theo dõi thường xuyên diễn biến của bão số 3 để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất. Sau mưa, bão cần khẩn trương rà soát diện tích ngập úng, thiệt hại (nếu có) để kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại nhằm sớm khôi phục sản xuất.