TT Khuyến nông: Tập huấn nhân rộng kỹ thuật sản xuất lạc và liên kết tiêu thụ sản phẩm
Lượt xem: 20  | Ngày đăng: 27/05/2025

Mới đây, tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông tổ chức lớp tập huấn nhân rộng kỹ thuật sản xuất lạc và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật, nông dân, chủ trang trại, tổ viên hợp tác, thành viên hợp tác xã của huyện Tân Yên, Lạng Giang và Trung tâm Khuyến nông.

Tại lớp tập huấn, giảng viên đã chia sẻ đến học viên những tiềm năng phát triển của cây lạc như: Điều kiện tự nhiên của Việt Nam với khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới nên tương đối phù hợp để cây lạc sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, giảng viên chia sẻ những tiến bộ về giống lạc mới cho năng suất cao, hạn chế sâu bệnh gây hại như giống lạc L14, L23, L29, LDH01, TB25…  những tiến bộ trong kỹ thuật thâm canh lạc... Theo đánh giá, sản xuất lạc là cây trồng có thị trường tiêu thụ rất rộng lớn, vừa phục vụ cho nhu cầu gia đình, chế biến, có thể xuất khẩu. Do đó giá lạc thương phẩm trong những năm qua không ngừng tăng.

Học viên thực thảo luận nhóm Kỹ thuật nhận biết bệnh hại cây lạc

Cùng đó, học viên được giảng viên truyền đạt các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc từ khâu chọn giống, làm đất... Cây lạc, yêu cầu về đất đai không khắt khe, nên chọn các loại đất nhẹ như cát pha, thịt pha, thịt nhẹ.... Đất thịt nhẹ có cấu trúc thích hợp, vừa giúp việc làm đất dễ dàng cũng như thuận lợi cho lạc đâm tia và thu hoạch. Đất nhẹ và thoáng giúp cho vi sinh vật nốt sần phát triển thuận lợi hơn. Chọn đất có điều kiện tưới, tiêu thuận lợi. Tránh các chân đất trước đó trồng lạc đã bị nhiễm các bệnh như chết ẻo, thối quả, héo vi khuẩn và đất vụ trước trồng cây họ đậu, họ cà...

Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng và đúng cách. Đặc biệt, các học viên cần lưu ý cách phòng trừ một số sâu bệnh hại chính như:  Nhóm sâu hại lạc: Sâu hại hạt giống: Dế, kiến, mọt đất, mối; Sâu hại cây con: sâu xám; Sâu hại lá, nhóm này có số lượng lớn nhất, gồm các loại chích hút (rầy, rệp, nhện đỏ) và các loại miệng nhai (sâu khoang, sâu xanh, sâu đo, sâu róm, bọ nẹt, châu chấu...). Sâu hại củ và rễ như sùng trắng, bọ hung... Nhóm bệnh hại lạc: bệnh hại thân, rễ gồm có bệnh lở cổ rễ, héo xanh, héo vàng… do tập đoàn nấm đất gây hại; Bệnh hại lá: đốm vòng, gỉ sắt… do nấm gây hại; Bệnh hại củ: bệnh thối củ do nấm Fusarium Sp.

Đồng thời, học viên cần biết một số lưu ý khi thu hoạch lạc: Khi thu hoạch, lượng nước trong quả và hạt còn rất cao. Hơn nữa lạc không có tính ngủ nghỉ nên dễ nảy mầm ngay trên đồng ruộng hoặc khi đã mang về nhà mà chưa kịp phơi khô hoặc trời mưa không phơi được. Do vậy, sau khi thu hoạch lạc nên tranh thủ bứt quả khỏi thân cây. Dựa vào thời gian sinh trưởng, tình trạng cây lạc trên đồng ruộng hoặc có thể thu hoạch mẫu để xác định thời gian thu hoạch chính xác.

Thực hành tại đồng ruộng

Được biết, đây là chương trình tập huấn ngoài mô hình của Dự án phối hợp giữa Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang thực hiện dự án Khuyến nông năm 2025 “Xây dựng mô hình sản xuất các giống lạc mới phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh phía Bắc”.

Hồng Oanh
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên