TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang năm 2025 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu, năm 2025 luỹ kế tối thiểu có 425 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (trong đó, có 237 sản phẩm mới tham gia đánh giá, 75 sản phẩm đánh giá lại, 11 sản phẩm nâng hạng sao); tùy theo điều kiện thực tế phấn đấu xây dựng, phát triển các sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP, Đề án OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện. Ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề, sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương. Hạn chế các sản phẩm tươi sống có tính chất mùa vụ, sản lượng nhỏ, thị trường tiêu thụ hẹp, không có nguồn gốc bản địa, không mang tính đặc trưng sản xuất riêng của vùng, của địa phương và các sản phẩm có tên gọi khác nhau nhưng có cùng tính chất, quy trình, nguyên liệu, quy cách đóng gói do cùng một chủ thể sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, triển khai Chương trình OCOP ở địa phương, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình ở các huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên Website Chương trình OCOP của tỉnh; tổ chức cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận. Đặc biệt lưu ý kiểm tra các nội dung: duy trì thực hiện các chứng nhận quản lý đã được cấp, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hồ sơ tự công bố, tiêu chuẩn cơ sở, nội dung bao bì, tem nhãn phù hợp với quy định.
Hướng dẫn, kiểm tra chủ thể OCOP thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn thực hiện các nội dung về môi trường trong đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.
Được biết, việc tổ chức đánh giá, phân hạng đối với cấp huyện: Đợt 01, xong trước ngày 15/6/2025; đợt 02, trước ngày 15/10/2025. Cấp tỉnh, đợt 01, trước ngày 10/7/2025; đợt 02, trước ngày 30/10/2025. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước dự kiến thực hiện năm 2025 trên 21 tỷ đồng.