Kỹ thuật nuôi ong ngoại khai thác mật ong trên thùng kế theo hướng VietGAHP
Lượt xem: 321  | Ngày đăng: 18/08/2023

1. Địa điểm nuôi ong:

Điểm đặt ong mật là nơi có tối thiểu 50 đàn ong nội hoặc 100 đàn ong ngoại; Khoảng cách tối thiểu giữa 02 điểm đặt ong nội là 01 ki-lô-mét; giữa 02 điểm đặt ong ngoại là 02 ki-lô-mét; giữa 02 điểm đặt ong nội với ong ngoại là 02 ki-lô-mét.

Ngoài ra cần đảm bảo các yêu cầu có tính đặc thù đối với chăn nuôi ong mật như:  Gần nguồn mật, phấn trữ lượng lớn, tập trung (dưới 1km), không bị ô nhiễm. Chỗ đặt ong cần bằng phẳng, gần nguồn nước sạch. Đặt thùng ong trên giá vững chắc, cửa tổ 2 hàng quay vào nhau.

Phương thức di chuyển đàn ong mật: đàn ong mật khi di chuyển phải có nguồn gốc rõ ràng; có lịch trình trước khi di chuyển; có phương tiện phù hợp bảo đảm an toàn sinh học cho đàn ong, an toàn cho người và môi trường.

2. Thùng kế và cấu tạo thùng kế bao gồm:

Tầng trệt: kích thước phủ bì (435 x 510 x 255mm), nơi chứa các cầu nguyên là vùng sinh sản (gồm các lỗ tổ trống để ong chúa đẻ trứng, các lỗ tổ ấu trùng, lỗ tổ nhộng để ong thợ nuôi dưỡng và ủ ấm ấu trùng).

 Lưới ngăn chúa: bằng nhựa, tác dụng ngăn ong chúa đi lên các tầng trên để đẻ trứng, nhưng ong thợ có thể qua lại để nuôi dưỡng ấu trùng, luyện mật, chăm sóc ong chúa...

Tầng kế lửng kích thước phủ bì (435 x 510 x 155 mm), nơi chứa các cầu kế lửng. Chiều dài xà trên của cầu kế lửng đúng bằng chiều dài xà trên của cầu nguyên nhưng hồi cầu ngắn hơn. 

Nắp phụ: là tấm gỗ ép, tác dụng giữ kín phần nắp với mép của tầng trên cùng để ong thợ không thể ra vào. 

Không gian trong thùng kế có thể được mở rộng dễ dàng bằng cách đặt thêm các tầng kế. Trong khi ở thùng đơn không gian này hoàn toàn cố định nên không tận dụng được hết sức phát triển đàn ong.

3. Giống, đàn ong và quy trình nuôi dưỡng:

Giống, đàn ong: Muốn thu được mật, việc thành lập đàn cơ bản (đàn nền), đóng vai trò rất quan trọng. Đàn ong yêu cầu ong chúa phải qua chọn lọc, thế đàn lớn, năng suất mật cao, tuổi ong chúa dưới 6 tháng tuổi. Ong thợ có khả năng thu được cả mật hoa và mật ngoài hoa (mật lá). Đàn cơ bản có 6 cầu, tỷ lệ quân cầu tương xứng, đủ các pha: trứng, ấu trùng, nhộng cân đối, và đủ thức ăn dự trữ để đàn ong phát triển . Đặc biệt đàn ong không bị bệnh về ấu trùng và ve ký sinh.

Quy trình nuôi dưỡng

Bước 1. Phân nhóm: Các đàn ong trong trại được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các đàn ong có thế đàn cao nhất chiếm khoảng 20% tổng số đàn ong trong trại. Nhóm 2 là những đàn ong có thế đàn trung bình chiếm đa số, khoảng 60 % tổng số đàn. Nhóm 3 là nhóm đàn hỗ trợ còn lại 20% gồm những đàn mới thành lập thế đàn nhỏ. 

Bước 2. Lên kế nguyên: Khi tầng trệt ở các đàn ong phát triển vượt trội đã đầy, đặt tầng kế nguyên, đưa cầu nhộng ở tầng trệt lên tâng kế, đặt cầu gắn tầng chân vào tầng trệt, đảo cầu không xuống tầng trệt khi nộng nở và cầu nhộng lên trên, cách vụ mật 10 - 15 ngày, đặt tầng kế lửng để thu mật.

Bước 3. Lên kế lửng: Trước vụ mật khoảng 10 - 15 ngày, lên kế lửng cho nhóm 1 bằng cách: để ong xây nhanh, đặt từ 2 đến 3 cầu kế lửng có gắn tầng chân ở tầng trệt để ong thợ xây hoàn chỉnh. Tiếp đó đặt lưới ngăn chúa rồi đặt tầng kế lửng lên trên. Nhấc các cầu kế lửng đã được ong thợ xây hoàn chỉnh lên tầng kế để thu hút ong ở tầng trệt lên bám cầu. Sau đó đặt các cầu kế lửng khác có gắn tầng chân để ong thợ xây tiếp các cầu kế mới.

Bước 4. Ghép đàn: Khoảng 7-10 ngày sau khi đặt kế lửng ở nhóm 1, tiến hành ghép các đàn ở nhóm 2 (2 đàn ghép làm 1, còn được gọi là nhập đàn ong) bằng cách: bắt chúa ở đàn bị nhập trước khoảng 4-6 giờ, sau đó đặt 1 tờ báo ở giữa rồi đặt đàn bị nhập lên trên đàn được nhập. Khi ong thợ cắn rách tờ báo và ong ở 2 tầng trên, dưới qua lại, kiểm tra ong chúa vẫn đẻ trứng bình thường là việc nhập đàn đã thành công. Tiến hành rút hết cầu nhộng và cầu trứng, ấu trùng chuyển xuống tầng trệt, chuyển cầu không lên tầng trên (tầng kế nguyên). Tùy theo sức đẻ trứng của ong chúa để đặt lưới ngăn thích hợp, đảm bảo đủ không gian vùng sinh sản. Cụ thể, có thể duy trì từ 1 - 2 tầng nguyên cho vùng sinh sản của đàn để tận dụng tối đa sức đẻ trứng của ong chúa.

4. Bổ sung thức ăn, nước uống cho đàn ong:

- Bổ sung thức ăn: Yêu cầu thức ăn rõ nguồn gốc xuất xứ, đủ và cân đối thành phần dinh dưỡng, an toàn cho đàn ong, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Cho ong ăn bổ sung khi đàn ong bị đói, trong đàn không có mật dự trữ cần bổ sung ngay số lượng lớn đường kính để đàn ong có đủ lượng mật dự trữ. Thời gian cần cho đàn ong ăn bổ sung là vào trước và trong vụ hè - thu tháng 8 ở các tỉnh phía Bắc, tháng 7-9 ở các tỉnh phía Nam và vụ đông - xuân tháng 1-2 ở các tỉnh phía Bắc. Một đàn ong 7 - 8 cầu cho ăn khoảng 0,5 - 0,7 kg đường/lần.

+ Thức ăn thay mât: Tỷ lệ 2 đường 1 nước để bổ sung mật dự chữ khi đàn ong đói; 1 đường 1 nước để kích thích ong chúa để trứng, ong thợ đi làm, nuôi ấu trùng.

+ Thức ăn thay phấn hoa: thành phần có Protein, khoáng, vitamin, axitamin. Dùng hỗn hợp bột đậu tương khử béo 40%, phấn hoa khô 10%, đường kính 49% Apimivit 1%.

Các loại hỗn hợp trộn đều ở dạng sệt, tạo thành bánh đặt trên xà cầu. Cho ong ăn 3 – 4 đượt, mỗi đợt cách nhau 4 – 5 ngày.

  •  Bổ sung nước cho đàn ong:Yêu cầu nước sạch, an toàn cho đàn ong

Dụng cụ: dùng khay, hoặc chậu bên trong đặt tấm mút, lá cây, hoặc các viên đá đổ nước sâm sấp, tránh cho đàn ong bị chết đuối. Hàng ngày bổ sung nước cho đàn ong.

Bước 5. Thu hoạch mật

Mật ong ly tâm: Tiến hành chọn các cầu mật đã vít nắp (mật chín), rũ nhẹ ong khỏi cầu, dùng chổi quét sạch ong bám trên cầu, đặt cầu mật vào các thùng kế theo đúng kích thước của cầu, chuyển về kho bảo quản. Có thể ly tâm ngay sau khi lấy cầu mật ra khỏi đàn và trả lại cầu đã thu mật về đàn cũ hoặc bảo quản các bánh tổ mật tại kho lạnh trước khi ly tâm mật khỏi bánh tổ.

Để ly tâm mật, tiến hành cắt vít nắp, đặt các cầu đã cắt vít nắp vào máy quay mật ly tâm      quay đến khi mật văng hết khỏi bánh tổ, trả bánh tổ đã quay hết mật lại đàn cũ để ong tiếp tục đổ mật. Trường hợp chưa sử dụng ngay, bánh tổ được bảo quản trong kho lạnh, trước khi tái sử dụng phải được khử trùng.

Mật ong bánh tổ: Tiến hành cắt các miếng bánh tổ chứa mật đã chín, kích thước (5 x 5cm, 7 x 7cm hoặc kich thước khác tùy theo đơn đặt hàng) đặt trong các hộp nhựa thực phẩm. Lưu ý bánh tổ chứa mật phải do ong xây tự nhiên. Mật bánh tổ cũng có thể thu được bằng cách đặt sẵn các khung ô vuông bằng nhựa dùng cho thực phẩm vào các khung cầu đặt trên thùng kế cho ong xây và dự trữ mật đã chín.

KS Lã Chắt
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên