TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Trong khi nhiều hộ gia đình ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang đã bỏ nuôi lợn vì hơn một năm trước giá lợn xuống thấp kỷ lục thì gia đình anh Đặng Văn Hà- Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Tân vẫn duy trì đàn lợn, đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh đem lại tiền lãi trên 600 trăm triệu đồng mỗi năm.
Nụ cười hiền hậu, tính tình vui vẻ, dễ gần là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi trò truyện cùng anh. Cơ duyên anh Hà gắn bó với nghề là năm 2006 khi đi tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất an toàn trong và ngoài tỉnh, anh Hà bàn với vợ quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Năm 2007, với vốn sẵn có của gia đình anh đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn và quyết tâm theo đuổi, đến nay mặc dù có lúc giá lợn xuống thấp ở mức kỷ lục nhưng anh vẫn không bỏ nghề. Điển hình là cuối năm 2016-2017 - thời điểm chăn nuôi gặp khó khăn nhất nhưng anh không bỏ chuồng, không giảm đầu lợn. “Mọi người trong thôn, trong xã không vào nái nhưng tôi vẫn vào bình thường và giữ ổn định 50 nái mỗi năm. Cũng may lúc đó chỉ lỗ 1-2 lứa còn đâu là hòa vốn, không có công” – Anh Hà tâm sự.
Hiện nay, với mô hình chăn nuôi khép kín hoàn toàn từ lúc lợn sinh ra cho đến khi lợn đạt hơn 1 tạ xuất ra thị trường, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Hà luôn duy trì 50 lợn nái, 200- 300 lợn thương phẩm, mỗi năm xuất khoảng 30 tấn lợn hơi với giá 46.000- 54.000 đồng kg, trừ chi phí thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh Hà xây dựng 4 khu chuồng nuôi riêng biệt gồm khu nuôi lợn hậu bị, nái sinh sản, lợn sữa và lợn thương phẩm. Hệ thống chuồng trại được thiết kế gọn gàng, thoáng mát, chuồng luôn được dọn rửa sạch sẽ, trang bị hệ thống điện, nước, cống xả thải hoàn thiện. Mỗi ô chuồng còn được đánh số thứ tự, có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn cho lợn... nguồn gốc thức ăn, nước uống, thuốc thú y được quản lý chặt chẽ… nên đàn lợn của gia đình anh Hà luôn phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt, dễ tiêu thụ.
Trang trại của anh Hà cũng là một trong những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Để tạo ra những sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, anh Hà quyết định chuyển hướng chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo đó, lợn con đẻ ra được anh tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin như suyễn, vàng nghệ, đóng dấu, tai xanh, dịch tả… Sau khi tách mẹ, sẽ được nuôi theo chế độ dinh dưỡng riêng nhằm tăng sức đề kháng và tiện cho việc theo dõi và chăm sóc. Theo anh Hà, chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần phải có mặt bằng, chăn nuôi tập trung; phải quản lý được nguồn thức ăn, nước uống, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phòng, chữa dịch bệnh; quản lý được lượng thuốc thú y trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, phải ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi; xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường… Ngoài cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc đàn lợn thì việc vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Hàng tuần cần phun thuốc khử trùng 2 lần, hàng ngày quét dọn, xử lý các vấn đề về chất thải là yếu tố rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của vật nuôi. Nếu chất thải không được xử lý tốt sẽ là môi trường để dịch bệnh có cơ hội phát triển sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn lợn.
Anh Nguyễn Văn Tuyển- Cán bộ khuyến nông xã Tân Thịnh cho biết, anh Đặng Văn Hà là một Chi hội trưởng Hội nông dân chăn nuôi giỏi, luôn tích cực học hỏi và giúp đỡ các hội viên trong xã. Hiện, anh là hộ chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn xã và luôn nhận được nhiều giấy khen của các cấp hội.
Bài, ảnh: Hương Giang