Tân Yên: Người phụ nữ làm kinh tế giỏi
Lượt xem: 252  | Ngày đăng: 02/01/2022

Những năm qua, trên địa bàn huyện Tân Yên có rất nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương, tiêu biểu như chị Trần Thị Mỵ - Thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa.

Đến thăm mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của chị Mỵ, chúng tôi nể phục trước cơ ngơi mà anh chị đã gây dựng được. Với diện tích hơn 1 ha, chị Mỵ trồng vải thiều kết hợp nuôi ong lấy mật và nuôi gà tre đem lại thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mỵ cho biết, trước đây gia đình chị chỉ trồng vải và chăn nuôi gà thả vườn giống như các hộ xung quanh. Qua nhiều năm nuôi gà thả vườn, chị nhận thấy gà thả vườn giá cả bấp bênh, tốn thức ăn, dịch bệnh bùng phát khó lường nên hiệu quả thấp. Năm 2016, qua nhiều lần đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng chị bắt đầu chuyển sang nuôi gà tre.

Lứa đầu tiên chị nuôi thử hơn trăm con và thấy gà tre có sức đề kháng cao, chất lượng thịt ngon, giá cả và nhu cầu thị trường ổn định. Nhận thấy tiềm năng ấy, chị bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi, đến thời điểm này mỗi năm chị nuôi 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 7.000 – 8.000 con. Gà tre chăm sóc dễ, nuôi khoảng 90 ngày thì được bán, giá bán trung bình 70.000– 80.000 đồng/con, trừ hết chi phí lãi khoảng 20.000 đồng/con.

Để chăn nuôi gà tre thành công, chị Mỵ rút ra kinh nghiệm, khâu lựa chọn con giống rất quan trọng, chính vì vậy, song song với việc nuôi gà tre thương phẩm, chị Mỵ còn nuôi gà đẻ trứng và thu mua trứng của các hộ dân xung quanh về ấp nở, vừa để tự cung cấp giống cho chính mình vừa cung cấp giống gà tre cho các hộ nuôi gà trong vùng. Gía bán gà giống hiện là 13.000 đồng/con. Mỗi năm cũng đem lại thu nhập hơn trăm triệu đồng.

Đặc biệt, chị Mỵ cho biết, năm 2020, nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi gà tre nên chị và 6 hộ chăn nuôi gà tre trong xã đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) gà tre Tân Yên với mong muốn phát triển bền vững và chuyên nghiệp. Sau khi thành lập, chị Mỵ được bầu làm Giám đốc HTX, chị đã cùng các thành viên trong HTX đã thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi để HTX ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận và thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà tre ở địa phương. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, thị trường tiêu thụ giảm nên các thành viên HTX nuôi cầm chừng đủ để cung cấp ra thị trường trong tỉnh, đợi sau khi ổn định dịch chị sẽ duy trì nuôi và mở rộng quy mô hơn trước.

Ngoài tập trung nuôi gà tre và bán con giống, với hơn 01 ha vải đã trồng lâu năm, chị nghiên cứu, chuyển sang trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, vải có mẫu mã to, màu sắc đẹp, không bị sâu cuống lại an toàn cho người sử dụng nên những năm gần đây được giá cao hơn những năm trước. Vụ vải vừa rồi, chị thu được hơn 6 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Nhung – cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Phúc Hòa cho biết, chị Trần Thị Mỵ là một trong những người phụ nữ chăm chỉ, chịu khó và ham học hỏi. Việc mạnh dạn đầu tư và cách làm kinh tế sáng tạo, đi theo hướng mới của chị không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học và làm theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Khương

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên