TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Ngày 26/9/2024, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, UBND xã Tân Thanh tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình sản xuất nấm rơm chất lượng cao tại huyện Lạng Giang, với 100 đại biểu tham dự.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, mô hình thực hiện tại 02 hộ dân trồng nấm tiêu biểu tại thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh với quy mô 44.000 kg nguyên liệu (bông hạt). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% nguyên liệu (bông hạt), 50% giàn giá và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; cán bộ chỉ đạo mô hình đã luôn bám sát các giai đoạn sinh trưởng của nấm. Nấm rơm sau khi cấy giống đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với hình thức canh tác thông thường tại địa phương, năng suất đạt 125kg/1 tấn nguyên liệu, cao hơn 25kg/1 tấn nguyên liệu so với phương pháp canh tác truyền thống. Nấm đồng đều, đường kính mũ trung bình 3,1 cm, màu sắc rõ nét, chắc và có vị ngọt thanh, không chát hay đắng. Chất lượng này được đảm bảo nhờ bông hạt, quy trình xử lý nguyên liệu và không bị nhiễm bệnh.
Anh Nguyễn Văn Yên, hộ tham gia mô hình chia sẻ, mô hình thực hiện thành công có phần rất lớn của cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ KT nông nghiệp huyện. Tuy nhiên, hiện mô hình của gia đình vẫn còn nhỏ lẻ, chưa được trang bị đầy đủ máy móc. Anh Yên mong muốn rằng, các cơ quan chức năng hỗ trợ thêm kinh phí để xây thêm nhà xường, trang thiết bị (máy sấy nấm...) để góp phần sấy khô nấm rơm nhằm bảo quản được lâu dài, nâng cao giá trị và thương hiệu của cây nấm rơm.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Thanh, ông Nguyễn Ngọc Tú đánh giá cao mô hình của 02 hộ tham gia. Sự thành công của mô hình góp phần nhân rộng ra toàn xã, nhiều hộ dân đã chuẩn bị cơ sở vật chất để sản xuất nấm rơm bởi hiện nay, nấm rơm giàu dinh dưỡng và có thị trường tiêu thụ dễ nên bà con trồng nấm rất phấn khởi.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Đăng Văn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KTNN huyện Lạng Giang cho biết, thông qua mô hình, nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất nấm rơm đã được nâng cao. Thời gian tới, Trung tâm xây dựng, tham mưu với UBND huyện Lạng Giang xây dựng thương hiệu nấm Lạng Giang, góp phần đưa sản phẩm nấm đến nhiều địa phương.
Ngoài các ý kiến thảo luận, hội nghị đã nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc trồng nấm, các loại bệnh hại nấm rơm... và phần lớn đã được ban cố vấn giải đáp thỏa đáng.
Kết thúc hội thảo, ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khẳng định rằng, qua hội thảo, các cơ quan chuyên môn và người trồng nấm đã có cái nhìn toàn diện về quá trình triển khai mô hình sản xuất nấm rơm tại xã Tân Thanh. Những thành tựu bước đầu, đặc biệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, cùng với các biện pháp kỹ thuật hiệu quả đã được ghi nhận. Mô hình không chỉ tạo ra nguồn nấm rơm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chứng minh khả năng sản xuất ra sản phẩm nấm rơm chất lượng cao và bền vững.
Được biết, Bắc Giang là một trong những địa phượng có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm nhờ vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu sản xuất 12.000 tấn nấm các loại, với doanh thu dự kiến đạt 350 tỷ đồng, trong đó nấm ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 70-80% sản lượng. Trong đó, huyện Lạng Giang là một trong những địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất nấm ăn với dự tham gia của hàng chục hộ gia đình. 6 tháng đầu năm 2023, nhờ áp dụng công nghệ cao, toàn huyện đã sản xuất được 2.500 tấn nấm các loại với doanh thu khoảng 15 tỷ đồng.